Nhà mạng lấn sân nhà thông minh

Việt Hưng - 16:29, 22/07/2022

TheLEADERNhà thông minh không phải là một bài toán mới, nhưng để phát triển cho tương xứng với tiềm năng thì cần một hướng đi mới, một cách giải mới hơn từ các nhà mạng như Viettel, VNPT hay Mobifone.

Năm 2021, doanh thu của Tập đoàn Viettel đạt 274 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 3,3%, lợi nhuận đạt 40,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 2,0% so với cùng kỳ.

Bỏ qua các yếu tố về dịch bệnh, sự tăng trưởng chậm lại cả về doanh thu lẫn lợi nhuận của Viettel là minh chứng cho thấy ngành viễn thông tại Việt Nam đang rơi vào trạng thái bão hòa, khi doanh thu từ di động và dữ liệu không còn bùng nổ như giai đoạn trước.

Điều này đòi hỏi các nhà mạng như Viettel, VNPT hay Mobifone phải khai phá những mảng kinh doanh mới giàu tiềm năng, như là smarthome (nhà thông minh)

Theo ghi nhận, doanh thu thị trường smarthome Việt Nam trong năm ngoái đạt 179 triệu USD. Dự báo thị trường này sẽ đạt 240 triệu USD vào năm nay, 407 triệu USD vào năm 2025, và dự kiến đạt 454 triệu USD vào 2026.

Thiết bị gia dụng thông minh hiện đang là phân khúc chiếm tỉ trọng cao trong ngành khi chiếm hơn 50% thị phần. Gần 50% thị phần còn lại được chia cho các phân khúc An ninh, Điều khiển - kết nối, Giải trí tại gia, Quản lý năng lượng và Tiện nghi - chiếu sáng.

Theo Statista, Việt Nam có khoảng 11,9% hộ gia đình sử dụng smarthome. Doanh thu trung bình trên mỗi ngôi nhà thông minh được lắp đặt là khoảng khoảng 2 triệu đồng. Như vậy trung bình mỗi ngôi nhà sẽ có ít nhất 1-3 thiết bị nhà thông minh.

Nhà mạng lấn sân nhà thông minh
Mỗi ngôi nhà sẽ có ít nhất 1-3 thiết bị nhà thông minh

Lạc quan hơn, GlobalIndex dự kiến, Việt Nam là top 10 thị trường smarthome nổi bật. Đặc biệt, smarthome đang "hiện diện" nhiều hơn ở các gia đình phổ thông thay vì chỉ dành riêng cho các gia đình khá giả như trước.

Mặc dù là quốc gia đi sau thế giới, nhưng người Việt đã tạo ra nhiều sản phẩm nhà thông minh mang thương hiệu BKAV, Lumi, Javis,… và các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT hay Mobifone sẽ là những tên tuổi tiếp theo.

Từ quý 3 năm ngoái, Viettel Construction sẽ đưa ra thị trường sản phẩm smarthome do Viettel nghiên cứu phát triển.

Giải pháp nhà thông minh của Viettel bao gồm: trợ lý ảo tiếng Việt; kiểm soát an ninh 24/7 (hỗ trợ cảnh báo và điều khiển từ xa); tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; tích hợp hệ thống điều khiển đa chức năng: hệ thống điều hòa, bình nóng lạnh, giải trí thông minh, chiếu sáng, rèm cửa và cổng tự động,…

Tương tự, VNPT có nền tảng kết nối nhà thông minh ONE Home, là nền tảng với các thiết bị mạng (ONT/AP/ Mesh AP) làm trung tâm kết nối của ngôi nhà, có khả năng kết nối thông minh và đa dạng chủng loại.

Giải pháp này có thể kết nối mọi thiết bị, từ các loại cảm biến (phát hiện khói, khí gas, chuyển động…), hệ thống chiếu sáng đến các thiết bị thông minh, trợ lý ảo cùng nhiều thiết bị khác; điều khiển thiết bị bằng điện thoại di động, ra lệnh bằng giọng nói…

Nhà mạng lấn sân nhà thông minh 1
Viettel, VNPT hay Mobifone đều đang lấn sân nhà thông minh

Về phía MobiFone, nhà mạng này có nền tảng IoT Platform tự phát triển để tích hợp các thiết bị cảm biến cho nhà thông minh trên cùng một ứng dụng, đáp ứng nhu cầu như an ninh, quản lý năng lượng, tiện ích và giải trí, đáp ứng nhu cầu cho các hộ gia đình có thể tự động hóa trong ngôi nhà của mình.

Một điểm nhấn mà nền tảng smarthome của MobiFone là nhà mạng này đã tích hợp AI để nó có thể học các thói quen và hành vi, sau đó tự động hóa các tính năng và thiết bị cho phù hợp đem lại trải nghiệm thú vị, tiện nghi.

Theo ghi nhận số liệu từ kết quả tìm kiếm hàng tháng trên Google, thay vì tìm kiếm "smarthome" hay "nhà thông minh", người dùng có xu hướng tìm kiếm những thiết bị thông minh riêng lẻ, như: đèn thông minh, khoá cửa thông minh, rèm thông minh,…

Điều này một phần phản ánh về độ thâm nhập của các sản phẩm riêng lẻ có phần trội hơn so với một hệ thống toàn diện về nhà thông minh.

Nhìn chung, nhà thông minh không phải là một bài toán mới, nhưng để phát triển cho tương xứng với tiềm năng thì cần một hướng đi mới, một cách giải mới hơn.

Các giải pháp nhà thông minh hiện có trên thị trường, thường là những hệ sinh thái riêng lẻ, phù hợp với những tập khách hàng nhất định và tiềm ẩn nhiều rủi ro với các sản phẩm ngoại nhập kết nối với máy chủ ở nước ngoài.

Với thế mạnh về nền tảng kết nối viễn thông cho các hộ gia đình, Viettel, VNPT hay Mobifone đều hướng đến một nền tảng nhà thông minh Make in Vietnam, kết nối được nhiều hệ sinh thái hiện hữu thành một hệ sinh thái lớn hơn, toàn diện hơn và quan trọng nhất là một trải nghiệm dịch vụ tốt và an toàn.