Nhà máy nước sạch 5.000 tỷ đồng của Shark Đỗ Liên chính thức vận hành

Việt Hưng - 18:24, 05/09/2019

TheLEADERDự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống của Shark Đỗ Liên đã được đầu tư giai 1, có quy mô gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.

Được biết đến là 1 trong 5 nhà đầu tư "cá mập" trong chương trình Shark Tank Việt Nam, Shark Đỗ Liên đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty nước mặt sông Đuống, Hiệu trưởng trường Đào tạo Quản lý doanh nghiệp (CBAM), Chủ tịch Quỹ Môi trường Xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund) và Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam.

Hôm nay (5/9), dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne của Shark Đỗ Liên đã chính thức khánh thành giai đoạn 1. Nhà máy có quy mô gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm), với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 ở mức 5.000 tỷ đồng (tương đương 225 triệu USD).

Nhà máy Mặt nước sông Đuống vận hành tự động hóa hoàn toàn và áp dụng công nghệ xử lý nước đạt tiêu chuẩn cao nhất hiện hành tại Việt Nam (tương đương các tiêu chuẩn quốc tế). Theo đó, toàn bộ thiết bị có xuất xứ từ châu Âu và cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một nhà máy được được áp dụng cấu hình công nghệ tiên tiến nhất của châu Âu nhằm đảm bảo tính hiệu quả tiết kiệm nước thô và tiết kiệm năng lượng. Toàn bộ công nghệ hiện đại này đều được vận hành và làm chủ bởi lực lượng Kỹ sư và Công nhân Kỹ thuật người Việt.

Các thiết bị chính trong dự án được cung cấp bởi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới từ các nước Châu Âu và G7. Tuyến ống truyền dẫn của nhà máy cũng được đầu tư sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao, bao gồm ống thép; ống gang dẻo, ống HDPE và các vật tư phụ kiện được nhập khẩu từ Châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và Châu Á.

Shark Đỗ Liên vận hành nhà máy nước sạch 5.000 tỷ đồng
Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống được đầu tư giai đoạn 1 ở mức 5.000 tỷ đồng, hiện có quy mô lớn nhất miền Bắc

Với việc áp dụng những công nghệ hiện đại và tiên tiến hàng đầu châu Âu, Nhà máy Mặt nước sông Đuống đã đáp ứng được mọi tiêu chuẩn về một nhà máy xanh, thân thiện với môi trường. Đó là, đảm bảo chỉ số thất thoát nước thô <1%, quá trình xây dựng nhà máy đã dự liệu các giải pháp kỹ thuật để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên bề mặt các bồn bể và mái nhà.

Ngoài ra, nhà máy sử dụng hệ thống đèn LED, lắp đặt cấu hình tự động để tiết kiệm năng lượng; Tận dụng tối đa hệ thống thông gió tự nhiên. Đặc biệt, Nhà máy nước áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới với công nghệ từ Châu Âu đạt hiệu suất xử lý cao; tiết kiệm chi phí xây dựng; chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường.

Với những sự đâu tư bài bản, thân thiện với môi trường Nhà máy Mặt nước sông Đuống hiện đang hoàn tất các thủ tục đăng ký, kiểm định cuối cùng để tiếp nhận chứng chỉ sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE của Tổ chức Tài Chính Quốc tế IFC – thành viên Ngân hàng Thế giới. Trong tương lai gần, dự kiến sẽ kết hợp với các đối tác châu Âu để thực hiện việc xử lý chế biến bùn thành các sản phẩm phụ hữu ích cho các ngành nghề khác.

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống hiện có quy mô lớn nhất miền Bắc. Sau khi khánh thành giai đoạn 1, Nhà máy đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, Dự án Nhà máy Mặt nước sông Đuống sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Đây là dự án được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016, là công trình gắn biển kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ Đô.