Nhà ở cho công nhân đang bị "bỏ quên"

An Chi - 18:50, 20/11/2021

TheLEADERViệc tồn tại quá nhiều rào cản trong cơ chế chính sách đang khiến phân khúc nhà ở cho công nhân, người lao động bị "bỏ quên" trên thị trường bất động sản.

Nhà ở cho công nhân đang bị "bỏ quên"
Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp cần có trách nhiệm phải đầu tư khu nhà ở cho công nhân

Khó khăn chồng chất với cả doanh nghiệp và người mua nhà

Trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rất lớn, Việt Nam hiện có 575 khu công nghiệp được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố và hơn 16 triệu công nhân thì nhà ở cho đối tượng người lao động này lại chưa thực sự được quan tâm. 

Hầu hết các khu công nghiệp hiện nay đều chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất, chưa chú trọng đến đầu tư xây dựng nhà ở và hạ tầng xã hội. 

Nhiều khu công nghiệp hiện đang thiếu hụt nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em người lao động. Điều này đã dẫn đến tình trạng công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Khi dịch Covid-19 bùng phát, những khu nhà ở này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng dịch do mật độ đông, điều kiện sống và sinh hoạt không đảm bảo, gây bất ổn an sinh xã hội. 

Đáng chú ý, đến năm 2020, cả nước đã dành 600 ha đất làm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Việc dành quỹ đất đã cơ bản đạt mục tiêu nhưng mới chỉ có 41% diện tích đất này được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này được ông Phạm Văn Ân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cho rằng, không nhiều nhà đầu tư quan tâm đến loại hình này do giới hạn về lợi nhuận dự án giới hạn về đối tượng khách hàng. 

Nhà ở cho công nhân đang bị "bỏ quên"
Ông Phạm Văn Ân, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD)

So với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cần thêm rất nhiều thủ tục liên quan đến dự án như phê duyệt giá, danh sách khách hàng. Bên cạnh đó, trong dự án nhà ở xã hội bắt buộc phải bố trí một phần diện tích nhà cho thuê nên cũng phần nào làm giảm sự hấp dẫn của phân khúc này.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera cũng cho rằng, dù chính sách đã có khá nhiều, nhưng vẫn còn điểm nghẽn, gây khó khăn cho công nhân và cả những doanh nghiệp trong phát triển nhà ở cho công nhân.

Đáng chú ý, nhiều khu công nghiệp có đầy đủ và đồng bộ hạ tầng, tạo ra môi trường, cảnh quan rất hiện đại. Tuy nhiên, qua khảo sát, có đến 80 – 90 % công nhân lao động đều ở tạm cư. 

Đơn cử như tại khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100 nghìn công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10 nghìn người, còn lại hơn 90 nghìn công nhân là thuê nhà trọ. Nguyên nhân là do còn vướng chính sách khiến công nhân khó tiếp cận mua, thuê nhà ở.

Tại tọa đàm “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng tổ chức, bà Vũ Thị Hợp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp cũng chỉ ra rằng, quá trình phát triển nhà ở tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là pháp lý và quy định pháp luật còn xung đột, chồng chéo với nhau.

Hiện nay, doanh nghiệp này đã đầu tư xong hai dự án nhà ở công nhân và đang tiếp tục đầu tư ba dự án nữa. Tuy không một dự án nào có lãi, nhưng với vai trò là chủ đầu tư hạ tầng công nghiệp, Dạ Hợp luôn ưu tiên phục vụ đời sống cho công nhân lao động.

Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà ở công nhân, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec cho rằng, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Trong đó, chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cần được tích hợp giữa các Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Thuế và các quy định, nghị định về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp. Đối với Luật Đất đai, Luật Quy hoạch cũng cần quy định rõ ràng, cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, nhất là về tín dụng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư khi họ cần có nguồn vốn thương mại, cần hỗ trợ lãi suất để công nhân được hưởng lợi. Từ đó, chủ đầu tư mới có lãi và có động lực để phát triển các dự án nhà ở công nhân.

Còn theo ông Đào Công Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang, trong quá trình triển khai nhà ở cho công nhân còn nhiều bất cập như quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ với khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các chủ đầu tư hiện đang “bỏ quên” người lao động, chỉ tập trung vào nhà ở mang tính chất lợi nhuận. 

Trước thực trạng này, ông Hùng kiến nghị bốn giải pháp. Một là, cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp sử dụng lao động được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu dự án (hồ sơ kèm theo danh sách dự kiến hợp đồng lao động với công nhân) để cho công nhân mình thuê ở.

Hai là, công nhân lao động trong khu công nghiệp khi thuê nhà ở chỉ cần có hợp đồng lao động tại các doanh nhiệp sản xuất trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp phải được Ban Quản lý các Khu công nghiệp xác nhận).

Ba là, đối với nhà ở xã hội để bố trí cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp ở thì doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án khi đáp ứng điều kiện năng lực tài chính theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bốn là, sửa Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế theo hướng quy hoạch khu công nghiệp phải quy hoạch đồng bộ khu dịch vụ trong khu công nghiệp để dành đất xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở (phải đáp ứng tối thiểu chỗ ở cho 50% số công nhân trong khu công nghiệp đó); phải giao trách nhiệm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ở.

Mặt khác, ông Tăng Bá Bay, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương cho rằng, để phát triển nhà ở cho công nhân một cách hiệu quả, nhà nước cần gắn trách nhiệm bắt buộc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp có trách nhiệm phải đầu tư khu nhà ở công nhân và được xem khu nhà ở cho công nhân tương tự như hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp mà chủ đầu tư thực hiện.

Theo đó, khi lập quy hoạch khu công nghiệp, các cơ quan quản lý cần tính toán, dự báo số lượng công nhân tại khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở (từ 50-60% số lượng công nhân), từ đó bố trí đủ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở cho công nhân, đảm bảo yêu cầu đồng bộ bao gồm khu nhà ở và các thiết chế văn hóa kèm theo.