Nhận định hành vi sai phạm của nhân sự cấp cao

Tùng Anh - 21:40, 31/05/2023

TheLEADERMột khi nhân sự cấp cao rời công ty do những sai phạm trong quá trình làm việc sẽ để lại nhiều hệ luỵ về cả doanh thu, lợi nhuận, khách hàng, nhà cung cấp và nội bộ doanh nghiệp mà đòi hỏi doanh nghiệp phải xử lý cẩn trọng và nhanh gọn để giảm thiểu tác động.

Nhận định hành vi sai phạm của nhân sự cấp cao
Sai phạm của nhóm nhân sự cấp cao sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp

Những sai phạm mà nhân sự trong tổ chức mắc phải là điều mà không doanh nghiệp nào tránh khỏi. Tuy nhiên, khác với các vi phạm của nhân viên cấp thấp hay cấp trung, vi phạm của nhóm nhân sự cấp cao thường có mức độ tác động lớn, ảnh hưởng không chỉ đến kết quả kinh doanh mà còn tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị của doanh nghiệp, bao gồm cả đối tác trong và ngoài tổ chức.

Pháp luật hiện hành hiện nay chưa quy định rõ về đối tượng nhân sự cấp cao trong doanh nghiệp. Theo khoản 24, điều 4 của Luật Doanh nghiệp 2020, người quản lý doanh nghiệp có thể hiểu là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, chủ tịch công ty, chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc, cá nhân giữ chức danh quản lý khác.

Trong đó, theo bà Lạc Tú Duy, Luật sư điều hành Lac Duy & Associates, nhân sự cấp cao có nguy cơ thực hiện những hành vi sai phạm và gây tác động tiêu cực đến doanh nghiệp thường là những người có quan hệ lao động với 3 vị trí: giám đốc, tổng giám đốc và các chức danh quản lý có quan hệ lao động.

Nói về các hành vi vi phạm mà nhân sự cấp cao trong doanh nghiệp thường mắc phải, bà Duy nhấn mạnh ba nhóm hành vi khi chia sẻ trong Hội nghị Luật lao động Việt Nam 2023 do câu lạc bộ Nhân sự Việt Nam (VNHR) tổ chức.

Thứ nhất là hành vi vi phạm về xung đột lợi ích. Hành vi này xảy ra thường xuyên và phổ biến, là cái lõi, nguồn cơn dễ dẫn đến khủng hoảng nhất.

Pháp luật lao động hiện hành không có quy định cụ thể. Tuy nhiên, chiếu theo Luật Phòng, chống tham nhũng thì xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Điều 29 của nghị định 59/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng đã liệt kê cụ thể các trường hợp xung đột lợi ích. Trong đó, bà Duy nhấn mạnh sáu hành vi có thể được thực hiện bởi nhân sự cấp cao.

Một là nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Hai là tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết.

Ba là sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Bốn là ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thân trong gia đình hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của họ tham dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình khi được giao thực hiện các giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Năm là có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền, lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình.

Sáu là can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi.

Theo bà Duy, đối tượng áp dụng của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 không chỉ nằm trong phạm vi các cơ quan nhà nước mà còn là các tổ chức ngoài nhà nước.

Nhận định hành vi sai phạm của nhân sự cấp cao
Bà Lạc Tú Duy, Luật sư điều hành Lac Duy & Associates

Bên cạnh vi phạm về xung đột lợi ích với các đối tác kinh doanh của doanh nghiệp thì nhân sự cấp cao còn có thể vi phạm về xung đột lợi ích khi cạnh tranh trực tiếp/gián tiếp với doanh nghiệp.

Cụ thể, nhân sự cấp cao có hành vi thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, công ty có ngành, nghề giống hoặc tương tự với doanh nghiệp mình đang được thuê để điều hành quản lý.

Bên cạnh đó, họ có hành vi góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động các ngành, nghề giống hoặc tương tự với doanh nghiệp mình đang quản lý hoặc người thân kinh doanh các ngành, nghề giống hoặc tương tự với doanh nghiệp mình đang được thuê để điều hành quản lý.

Một hành vi xung đột lợi ích khác là tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Bà Duy đã chỉ ra ba hành vi phổ biến trong nhóm này.

Một là tiết lộ, trao đổi, bàn tán bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của doanh nghiệp cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào dưới bất kỳ hình thức nào mà không được sự đồng ý của doanh nghiệp hoặc không vì mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hai là sao chép bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của doanh nghiệp mà không được sự đồng ý của doanh nghiệp hoặc không vì mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ba là mang tài liệu có chứa bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của doanh nghiệp ra ngoài phạm vi doanh nghiệp mà không được sự đồng ý của doanh nghiệp hoặc không vì mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhóm hành vi vi phạm thường gặp thứ hai của nhân sự cấp cao trong doanh nghiệp được bà Duy chỉ ra là ưu ái do có quan hệ tình cảm, nhân thân hoặc quan hệ khác với nhân viên cấp dưới.

Cụ thể, họ luôn ưu ái đối với những ý kiến của nhân viên cấp dưới mà nhóm nhân sự cấp cao đang có quan hệ tình cảm/quan hệ khác và phớt lờ những ý kiến của các nhân viên khác.

Nhân sự cấp cao cũng có thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bao che sai phạm của nhân viên cấp dưới thân cận.

Nhóm vi phạm thường gặp thứ ba của nhân sự cấp cao trong doanh nghiệp là thiếu trách nhiệm quản lý khiến doanh nghiệp bị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt hành chính.

Một số hành vi này bao gồm: không ký hợp đồng lao động với người lao động; không đóng đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế; không thực hiện các thủ tục đăng ký phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh; và các hành vi vi phạm hành chính khác.

Theo lãnh đạo Lac Duy & Associates, những vi phạm này của nhân sự cấp cao có thể gây tổn hại đến tài chính của doanh nghiệp; làm ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh, hình ảnh, danh tiếng của doanh nghiệp với các đối tác kinh doanh, nhà cung cấp, khách hàng. Đồng thời, lòng tin của các nhân viên trong nội bộ công ty sẽ bị lung lay nếu nhân sự cấp cao thực hiện các hành vi sai phạm.

Do tính nhạy cảm và phạm vi tác động lớn của các hành vi sai phạm do nhóm nhân sự cấp cao gây nên, bà Duy nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tập trung xử lý một cách cẩn trọng, nhanh và gọn.