Nhân sự cho chuyển đổi số

Quỳnh Chi - 08:59, 30/08/2021

TheLEADERCâu chuyện chuyển đổi số bản chất xuất phát từ câu chuyện của con người, bao gồm quá trình chuyển đổi tư duy, thích nghi với cách làm việc và cách tiếp cận mới.

Mặc dù Covid-19 là điều không mong muốn nhưng cũng mang lại cơ hội trong nguy nan khi góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp và quốc gia.

Quá trình chuyển đổi số hiện nay đang diễn ra vô cùng thần tốc. Dẫn số liệu thống kê, bà Tiêu Yến Trinh, nhà sáng lập Talentnet cho biết, tốc độ chuyển đổi số trong năm 2020 - 2021 gấp mười lần so với 2017 - 2019, trong khi con số này trên toàn cầu là hơn 7 năm.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang có xu hướng kết nối lại với nhau trong tất cả lĩnh vực và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tạo nên sự thay đổi mang tính tổng thể toàn bộ hệ sinh thái của doanh nghiệp và xã hội. 

Trong bối cảnh đó, bà Trinh cho rằng, doanh nghiệp cần đầu tư vào nội bộ. Việc phát triển nhân sự để đáp ứng được quá trình chuyển đổi số là điều quan trọng vì suy cho cùng, chuyển đổi số bản chất xuất phát từ câu chuyện của con người, bao gồm quá trình chuyển đổi tư duy, thích nghi với cách làm việc và cách tiếp cận mới.

Thay vì duy trì làm việc tại văn phòng toàn thời gian như lối mòn bao năm nay, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể số hóa cho nhân sự làm việc tại nhà. Bà Trinh nhấn mạnh, cần đưa hiệu suất của công ty đến gần với hiệu suất nhân viên hơn trong bối cảnh làm việc linh hoạt, tập trung vào đầu ra nhiều hơn là hoạt động với việc xây dựng hệ thống đánh giá hiệu suất. 

Không kém quan trọng, yếu tố văn hóa niềm tin, văn hóa sáng tạo trong mỗi doanh nghiệp là thứ tạo nên cái "chất" cho chuyển đổi số.

"Nếu chuyển đổi số mà không đưa được vào văn hóa doanh nghiệp và coi đó như một công cuộc lột xác thì doanh nghiệp có đưa vào hệ thống tốt nhất cũng không ứng dụng được", bà Trinh nói trong talkshow Nguy Cơ.

Nhân sự cho chuyển đổi số
Bà Tiêu Yến Trinh, nhà sáng lập Talentnet (trái) và PGS.TS Phan Toàn Thắng, nhà sáng lập CellResearch

Doanh nghiệp cần chú ý tập trung và cải thiện trải nghiệm của nhân viên. Trong đó, đưa quản trị công nghệ vào tất cả "điểm chạm" trên hành trình trải nghiệm của nhân viên, từ tuyển dụng cho đến đào tạo, đánh giá hiệu quả cho đến quản trị lớp nhân tài kế cận, người kế thừa....

Theo bà Trinh, một trong những điều quan trọng nhà tuyển dụng mong muốn ở một ứng viên là nguồn năng lượng tốt nhất, khả năng tự quản lý chính mình để vượt qua được mọi sóng gió, khủng hoảng.

Để làm được điều này, mỗi người cần tập trung phát triển một số khía cạnh liên quan đến cả sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần cho nhân sự với việc tập trung vào một số chỉ số quan trọng như IQ (trí tuệ), EQ (trí tuệ và cảm xúc), PQ (đam mê),… 

Trong đó, bà Trinh nhấn mạnh tầm quan trọng vủa việc nâng cao sức khoẻ tinh thần cho đội ngũ và giúp họ vun đắp lý tưởng sống.

Ngoài ra, sự khao khát được khám phá và am hiểu công nghệ, thành thạo tiếng Anh, kỹ năng truyền thông và tư duy phân tích là những yếu tố tiệm cận sự hoàn hảo để đưa đội ngũ doanh nghiệp tiến xa ra thị trường toàn cầu.

Quản trị nhân sự phải đi kèm với chuyển đổi số và tự động hóa đa quốc gia

Hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học, PGS.TS Phan Toàn Thắng, nhà sáng lập Tập đoàn CellResearch (Singapore) cho biết, việc chuyển đổi số tại Singapore đã được thực hiện từ rất sớm và gặt hái được nhiều thành công trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.

Doanh nghiệp của ông Thắng vận hành toàn cầu nên bài toán về quản trị nhân sự luôn phải đi kèm với chuyển đổi số và tự động hóa đa quốc gia, từ khâu thanh toán lương, đào tạo khoa học công nghệ, thử nghiệm lâm sàng,…

Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh, yếu tố tương tác con người vẫn cần thiết. Ngành nghiên cứu tế bào gốc vẫn luôn đòi hỏi nhân viên phải đến phòng nghiên cứu, hoặc một cơ sở thí nghiệm vì không thể thực hiện tại nhà và không thể miễn trừ hoàn toàn.

Theo nhà sáng lập CellResearch, doanh nghiệp trong thời đại mới đã có thể nhìn rộng ra về việc sử dụng lao động toàn cầu. Ví dụ, Singapore là một trong những lá cờ đầu chuyển đổi số thành công và đa số doanh nghiệp đã có nguồn nhân lực quốc tế. Việc học hỏi và tạo lập kỹ năng luôn được thực hiện trực tuyến và dễ tiếp cận.

Nếu chuyển đổi số mà không đưa được vào văn hóa doanh nghiệp và coi đó như một công cuộc lột xác thì doanh nghiệp có đưa vào hệ thống tốt nhất cũng không ứng dụng được.
Tiêu Yến Trinh
Nhà sáng lập Talentnet

Tuy nhiên, đội ngũ nhân sự cần phải có kiến thức nền và vốn tiếng Anh vững chắc để có thể tiếp cận và hòa nhập vào làn sóng chuyển đổi số của doanh nghiệp. 

Việc chú trọng phát triển kỹ năng tương lai của nhân viên là điều rất quan trọng với các doanh nghiệp.

Muốn giữ được mức tăng trưởng kinh tế, duy trì thu nhập tốt và phát triển một xã hội thịnh vượng và ổn định, mỗi người lao động cần hiểu rõ tầm quan trọng của kết nối và cộng hưởng toàn cầu, đồng thời ý thức được giá trị của sự sáng tạo, cải tiến liên tục để thích nghi với chuyển đổi số.

Singapore - Việt Nam và cơ hội vàng hợp tác

Nhà sáng lập Talentnet cho biết, Chính phủ và Bộ Lao động Singapore đã và đang kết nối với các viện quản trị nguồn nhân lực Singapore để xây dựng bộ kỹ năng tương lai. Bộ kỹ năng này cung cấp các giải pháp để doanh nghiệp tham khảo, so sánh và xây dựng riêng một bộ kỹ năng riêng cho doanh nghiệp của mình.

Thêm vào đó, Viện quản trị Singapore là trung tâm đào tạo chuyên về kỹ năng lãnh đạo và quản lý cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Singapore. Chính phủ Singapore sẽ tài trợ một phần chi phí đào tạo cho doanh nghiệp để góp phần khuyến khích doanh nghiệp phổ cập kiến thức cho nhân viên.

Đây là một trong những mô hình mà Việt Nam có thể học hỏi từ Singapore, để phổ cập năng lực và kỹ năng cho đội ngũ lãnh đạo và quản lý trong hệ thống của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đối tượng doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số.

Theo ông Thắng, việc hợp tác trong chuyển đổi số là bắt buộc. Việt Nam và Singapore có rất nhiều cơ hội hợp tác vì quan hệ giữa hai quốc gia vẫn luôn rất tốt đẹp trong vòng 40 năm qua. Cả hai nước đều có tư duy châu Á nên thuận lợi cho việc học cùng nhau, thử thách ở đây là chấp nhận các khác biệt vẫn còn tồn tại và chọn lọc kiến thức để học hỏi.

Bà Trinh cũng nhận định, trong vòng 5 năm tới, những doanh nghiệp có tiềm năng trong các ngành công nghệ, dịch vụ, ngành có những sản phẩm đặc thù đều nhắm đến thị trường khu vực ASEAN. 

Singapore là một quốc gia tiềm năng để mở văn phòng trụ sở chính và xây dựng, nâng tầm doanh nghiệp và Việt Nam hoàn toàn có nhiều cơ hội để kết nối cùng Singapore trong các hoạt động kinh doanh, tăng cường sự kết nối về mặt kinh tế của hai nước.