Nhật ký du lịch mùa dịch Covid-19: Mừng cho Bạch Mã

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours - 08:51, 04/03/2020

TheLEADERBạch Mã là vườn quốc gia trên dãy núi cùng tên thuộc Thừa Thiên - Huế, với độ cao trung bình 1.450 m, sát dãy Trường Sơn, cách biển 10 km và có khí hậu dễ chịu nhất so với các vùng cùng độ cao khắp Đông Dương.

Từ tháng 12/2009 - 3/2013, Bạch Mã đóng cửa tu sửa. Vốn hoài nghi hội chứng bê tông và tâm linh của ngành du lịch các địa phương, tôi cứ chần chừ trở lại, sợ thất vọng như gặp lại người yêu thủa mực tím khi tuổi xế chiều. Mùa dịch Covid-19, tôi làm kẻ dại, tìm về nơi vắng vẻ với người xưa và mừng vì Bạch Mã vẫn lịch lãm, đáng yêu.

Kỳ cuối của nhật ký du lịch mùa Covid-19: Mừng cho Bạch Mã
Đường lên Bạch Mã chỉ dành cho xe 16 chỗ trở xuống.

Một số biệt thự hoang tàn được phục dựng, dù chưa hoàn hảo như ban đầu. Các lối đi trong rừng được lát đá và mở rộng. Những bảng chú thích tinh tươm. Vọng Hải Đài trở lại duyên xưa. Mấy tranh ảnh mê tín bị gỡ bỏ. Thay vào đó là chuông đồng Hòa Bình, bia rùa đá, cặp bạch mã bằng cẩm thạch trắng sống động. Bên trong là hình ảnh, tư liệu về lịch sử Bạch Mã. Chỉ tiếc là không một dòng nói về trại trường Hướng Đạo Việt Nam từ 1938 - 1944.

Bạch Mã là vườn quốc gia trên dãy núi cùng tên thuộc Thừa Thiên Huế. Truyền thuyết kể “Thủa xưa, các vị tiên thường cưỡi ngựa trắng xuống núi đánh cờ, bởi cảnh trần đẹp hơn thượng giới. Khi các tiên ông tỉ thí, ngựa mải mê tìm cỏ non. Đợi ngựa không được, các tiên ông bay về trời. Đàn ngựa ngơ ngác, lang thang khắp núi, hóa thành những đám mây ngựa trắng, quanh năm chờ chủ”.

Bạch Mã cao trung bình 1.450 m, sát dãy Trường Sơn, cách biển 10 km và có khí hậu dễ chịu nhất so với các vùng cùng độ cao khắp Đông Dương. Diện tích 37.487 ha, rừng nguyên sinh Bạch Mã bạt ngàn với những thảm thực vật đa dạng (2.147 loài) và hệ động vật phong phú (hơn 1.500 loài). 93 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Năm 1932, Girard, người Pháp, khi đặt chân đến Bạch Mã đã sững sờ trước thiên nhiên kỳ thú.

Kỳ cuối của nhật ký du lịch mùa Covid-19: Mừng cho Bạch Mã 1
Biệt thự Đỗ Quyên, một trong 139 biệt thủ cổ được tu sửa gần nguyên vẹn.

Năm 1936, Bạch Mã là khu nghỉ dưỡng với 139 biệt thự cổ kính, sang trọng, tĩnh lặng, có hồ bơi, cửa hàng Chaffanjon, khách sạn Morin và Bany. Ban đầu chỉ có đường đi kiệu, sau thêm đường ô tô. Hệ thống đường đất thô sơ uốn lượn, luôn rợp mát bóng cây, nối các biêt thự với công viên Rừng, vườn Ca Hát.

Cùng năm, vua Bảo Đại và quốc vương Monivong (Campuchia) thành lập Trại trường Bạch Mã, huấn luyện huynh trưởng hướng đạo Đông Dương. Bằng Rừng (Wood Badge) Bạch Mã là đẳng cấp chất lượng của các trưởng hướng đạo châu Á. Nhiều cán bộ cách mạng cao cấp từng tốt nghiệp bằng Rừng Bạch Mã từ 1938 - 1944. Trong xu thế hội nhập, hướng đạo Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng là Hội trưởng danh dự năm 1946, rất cần được công nhận và phục hồi hoạt động.

Kỳ cuối của nhật ký du lịch mùa Covid-19: Mừng cho Bạch Mã 2
KM 0 và đường lên Vọng Hải Đài.

Bạch Mã có nhiều thác đẹp như Hoàng Yến, Trĩ Sao, Thác Bạc, Ngũ Hồ... Thác Đỗ Quyên cao gần 300 m, được xem cao nhất Asean, như con rồng trắng oai phong, mềm mại bay lượn giữa rừng xanh, cố níu trời xuống gần với đất. Thác như một đài nước khổng lồ nên còn gọi là Chateau D’ Eau - “Xa Tôi Đô”, mang tên Đỗ Quyên, bởi quanh thác tràn ngập quốc hoa Nepal.

Đỗ quyên, một trong 338 cây thuốc ở Bạch Mã, còn gọi là sơn thạch lựu, ánh sơn hồng, mãn sơn hồng, báo xuân, thanh minh, sơn trà... Tùy theo màu mà gọi là tử quyên - đỏ tía, hồng quyên - đỏ nhạt, bạch quyên - trắng, hoàng quyên - vàng. Hoa đỗ quyên dịu dàng, nữ tính, được nhiều người thích trồng. Tặng hoa đỗ quyên thay lời nhắn nhủ “Nhớ chăm sóc và giữ gìn sức khỏe” (Take care of yourself for me).

Kỳ cuối của nhật ký du lịch mùa Covid-19: Mừng cho Bạch Mã 3
Vọng Hải Đài lại nguyên vẹn như xưa.

Lên Bạch Mã, khoái nhất là đi bộ dọc theo những đường mòn mang dấu ấn đặc thù như Trĩ Sao, Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, Vọng Hải Đài, Chò Đen... Thử sức dẻo dai thì trèo 689 bậc thang lên đỉnh thác, ngắm dòng sông Yến thơ mộng, dịu hiền với những thảm đỗ quyên đủ màu khoe sắc và nghe dàn nhạc nước khổng lồ hòa tấu réo rắt, hoành tráng.

Ngũ hồ gồm 5 anh em. Anh Cả hình quả mướp, dài vài chục mét, đá xếp dạng bậc, xen kẽ các khối tảng cuội đủ màu cổ tích. Anh Hai chỉ rộng vài mét nhưng dài và xoắn theo dòng chảy. Những khối đá granit bị mài mòn từ hàng triệu năm tạo nên các khe, rãnh, chỗ đen bóng, chỗ loang lỗ như bức tranh tương phản. Anh Ba tròn trịa như trăng rằm. Ngọn nước đổ từ độ cao 6m, mở rộng khoảng giữa rồi thu hẹp, trắng bạc và sáng lòa dưới ánh sáng. Anh Tư hình ovan, bị những tảng đá lớn xẻ thành hai thác nhỏ, mặt nước dập dềnh, tạo dáng bởi những ngọn nứa điệu đàng soi bóng. Anh Năm hình chiếc kèn sắc-xô-phôn lùn nằm cong giữa thành đá, cổ kính, kỳ dị. Mỗi hồ một vẻ rêu phong, lãng tử, nước trong suốt.

Kỳ cuối của nhật ký du lịch mùa Covid-19: Mừng cho Bạch Mã 4
Chuông đồng Hòa Bình trên Vọng Hải Đài.

Thích nhất là lên Vọng Hải Đài, thưởng ngoạn toàn cảnh. Xa xa là hồ Truồi rộng 400 ha, mơ màng xanh và Thiền viện Trúc Lâm ẩn hiện. Đầm Cầu Hai rộng hơn 11.200 ha như mặt gương biếc vô tận. Cách nhau đèo Hải Vân, cùng độ cao, Bà Nà chỉ có địa lan và rất ít nước. Bạch Mã, nước tràn trề, hoa đủ loại, chỉ riêng đỗ quyên cũng hơn chục loài khoe sắc.

Đến Bạch Mã, tôi thường rủ vài bạn tri âm, tản bộ dưới rừng rồi sà vào các thác nhỏ ven đường tắm tiên. Dòng thác mát rượi, massage khắp cơ thể, hiệu quả hơn bất cứ tiệm massage nào, lại không tốn tiền vé, tiền bo. Chỉ tội hồi hộp, vừa tắm vừa canh chừng, sợ bọn khỉ ra lấy trộm quần áo thì hết đường về.

Động vật ở Bạch Mã có nhiều loài cực hiếm như gà lôi lam màu trắng, trĩ sao (có con dài tới 2 m cả đuôi, cao gần 0,5 m), sao la... Riêng chim có 333 loài, là điểm hẹn thú vị của dân mê chim. Đặc biệt có “quái kiệt” Trương Cảm, được xem là nhà chim học. Anh nói được mấy chục “ngoại ngữ” chim và thú. Anh có thể giả tiếng chim, thú để “gọi bạn, gọi tình, lạc đường, lẻ loi, thách đấu, tranh chấp lãnh thổ, hốt hoảng, báo tin dữ...”. Được anh làm hướng dẫn viên rừng là nhất.

Nếu hóa trang kỹ bằng cây xanh, nghe anh “nói”, nhiều loài chim và thú tưởng đồng loại, sà xuống làm quen. Anh thuộc Bạch Mã như lòng bàn tay, kể vanh vách từng loại cây, con với những tập tính hoặc tác dụng cụ thể.

Nhiều loại mới nghe lần đầu như nam trường sơn, thổ phục linh, thạch xương bồ, bướm bạch, bạch hoa thiết xà, viễn chí, phong, tùng Bạch Mã, chắp tay, sau sau, hoa me (không phải cây me). Cây đót làm chổi (khác chổi chà, lá dùng gói bánh sừng trâu của người Cơ Tu), cây dứa rừng khác dứa biển, dương xỉ thân mộc, hoàng đàn 2 loại lá. Chim Chrao là chèo bẻo gan lì, bé nhỏ nhưng đoàn kết, sẵn sàng đánh bại những loài to hơn mấy lần. Giun đất Bạch Mã có con dài hơn mét, nặng trên 1kg…

Kỳ cuối của nhật ký du lịch mùa Covid-19: Mừng cho Bạch Mã 3
Hoàng đàn có hai loại lá trên cùng thân là lá sinh trưởng và lá tăng trưởng.

Thuở bé, Cảm trộm chim và thú rừng có tiếng. Kiểm lâm giả người mua, bắt quả tang. Có người đùa dọa, “Mày còn bé, nhưng bắt trộm chim quý là trọng tội, chắc cũng vài năm tù treo”. Cảm òa khóc tức tưởi rồi mếu máo, “Mấy chú phạt tù mấy năm con cũng chịu, nhưng xin đừng treo con lên”. Bé Cảm “giã từ dĩ vãng”, trở thành kiểm lâm nhí.

Chịu khó học hỏi, chí thú làm việc, cộng với nhiều tài vặt và năng khiếu bẩm sinh, Cảm là “sao” của kiểm lâm Bạch Mã, tốt nghiệp Đại học nông lâm Huế, từng đi tu nghiệp tại Pháp, hiện là Phó giám đốc Trung tâm du lịch Bạch Mã.

Bạch Mã còn có sơn đạo dưới đồi sân bay trực thăng, dài 214,68m với 3 cửa (2 hướng Nam, 1 hướng Đông Bắc) xây dựng từ 10/1973 – 1/1974. Biệt thự Bạch Mã kiến trúc châu Âu, mỗi căn 2 tầng nét riêng độc đáo, đặt tên theo động thực vật đặc hữu của rừng.

Cả khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp bị hoang hóa do chiến tranh và thời gian tàn phá. Nhưng hủy hoại vì “sự dốt nát chân thật” (Trần Việt Phương) mới đáng sợ. Sau năm 1994, Bạch Mã bắt đầu khôi phục, sửa sang đón khách du lịch.

Do còn nhiều khó khăn nên dù hết sức cố gắng, Bạch Mã vẫn chưa được như kỳ vọng của nhà quản lý lẫn du khách. Ngựa Trắng vẫn đẹp thuần khiết như món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cố đô Huế. Nếu được đầu tư bài bản, Bạch Mã sẽ là mỏ vàng của du lịch Việt Nam.

Bạch Mã mùa Covid-19 vẫn nhộn nhịp khách, Tây nhiều hơn ta. Rừng Bạch Mã không chuộng đám đông, ghét ồn ào nhí nhố nên kén khách. Đoàn khách Lửa Việt toàn U70 trở lên, 2/3 là Việt kiều. Xưa, từng hai bờ chiến tuyến. Nay gắn bó hòa đồng. Như chưa hề có sự ngăn cách.

Mọi người nói đùa “Nhờ Covid-19, mới quen nhau và kết bạn già. Hẹn hết dịch, sẽ về lại Việt Nam, ăn mừng tour mới”.

Xem thêm:

Kỳ 1: Nhật ký hành trình du lịch mùa dịch Covid-19

Kỳ 2: Ba điểm kỳ thú ở Phan Thiết

Kỳ 3: Ninh Thuận: Vùng đất TNT và BCD

Kỳ 4: Nhật ký du lịch mùa dịch Covid-19: Về lại Phú Khánh xưa

Kỳ 5: Quảng Nam và hai di sản văn hóa thế giới

Kỳ 6: Du lịch Đà Nẵng mùa dịch Covid-19

Kỳ 7: Hải Vân Quan vẫn đáng nhớ