Nhiều cơ hội mới cho ngành đường Đông Nam Á

Kim Yến - 08:30, 19/06/2019

TheLEADERTheo các chuyên gia ngành đường tại Hội nghị Mía đường Đông Nam Á lần thứ 4, thị trường đường thế giới sẽ chuyển sang thâm hụt 2,5 triệu tấn trong niên vụ 2019-2020 sau tình trạng thặng dư trong các niên vụ trước, do đó giá đường được dự báo sẽ có chiều hướng tăng.

Nhiều cơ hội mới cho ngành đường Đông Nam Á
Nhiều quốc gia trên thế giới đều công nhận điện sản xuất từ bã mía là một loại năng lượng tái tạo cần tích cực khai thác.

Đây là cơ hội mới giúp các công ty mía đường vượt khó, tạo nhiều sản phẩm đường tốt hơn cho sức khoẻ người tiêu dùng trong nước và quốc tế, đặc biệt là TTC Sugar, thương hiệu sở hữu thị phần khá lớn trong nước.

Bức tranh tổng quan của ngành đường thế giới và Đông Nam Á

Ngày 17/6/2019, tại trụ sở Tập đoàn TTC, Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4 đã chính thức khai mạc với sự tham gia của đại diện ngành đường các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Đánh giá tổng quan về ngành đường thế giới, đại diện của Thái Lan cho biết: 

“Úc là nước xuất khẩu đường khá nhiều, năm nay sản lượng cũng đi xuống. Còn Ấn Độ vẫn là ẩn số vì nhiều lý do, biểu đồ tăng lên do chính phủ hỗ trợ giá cho nhà sản xuất và khuyến khích nông dân, nhưng lưu trữ trong kho còn khá nhiều. 

Niên hạn này Ấn Độ đã có vụ mùa khá tốt với 14,7 triệu tấn đường đang nằm ở nước này. Tuy nhiên từ nay đến năm 2020 thời tiết Ấn Độ khô hạn, thiếu nước, sản lượng đường sẽ giảm, nhưng nhờ lượng đường trong kho nên đó vẫn là “vũ khí bí mật”. Lãnh đạo nội các mới nếu tạo ra cơ chế mới thì nông dân sẽ vào cuộc.

Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu nhiều, tiêu thụ 16,3 triệu tấn, chỉ sản xuất hơn 11 triệu tấn, còn hơn 4 triệu tấn cần làm đầy. Tuy nhiên làm ăn với Trung Quốc gặp khó khăn, giá cả giảm xuống do chính phủ bảo hộ, nên các quốc gia khác khó vào. 

Vấn đề buôn lậu qua biên giới vẫn còn là cản ngại lớn. Chính sách bảo hộ mậu dịch khiến cho càng sản xuất càng lỗ, đó là mặt trái. Nhưng sắp tới Trung Quốc sẽ không bảo hộ ngành đường nữa. Lượng đường nhập từ Thái Lan sẽ tăng lên vào năm 2020 vì chi phí vận chuyển đường Brazil cao hơn Thái.

Năm tới sản xuất đi xuống do thời tiết, biến đổi khí hậu toàn cầu. Giá đường sẽ lên khoảng 11,5 đến 13,5 cent, tuy nhiên do thiếu đường thế giới, từ năm 2019 giá sẽ đẩy lên chút khoảng từ 13,5 đến 14 cent. Các quốc gia Đông Nam Á cần phải đối thoại với nhau để thống nhất giá đường phù hợp với giá đường niêm yết trên thị trường Yew York, để tạo vị thế công bằng cho ngành đường Đông Nam Á".

Thái Lan cũng đã quyết liệt cải cách ngành mía đường. Đạo luật ngành mía đường ra ngày 15/1/2018, do đó, giá nội địa không cố định mà theo cơ chế thị trường, cạnh tranh ngày càng cao. Giá mía tỷ lệ chia sẻ doanh thu là 70/30. Cải cách này đã giúp giá đường giảm dần dần, phù hợp với giá đường thế giới.

Năm 2019 do thời tiết khô hơn, lượng mưa thấp so với các năm trước, khu vực miền Trung Thái Lan có thể xảy ra Ennino, tháng 4 thu hoạch sẽ không đủ lượng mưa tưới cho mía. Nông dân cũng đang chuyển sang các loại cây trồng khác như sắn lợi nhuận cao hơn 10-15% . 

Chính phủ Thái Lan cũng đang tích cực giảm tỷ lệ mía đốt vì gây ô nhiễm môi trường. Lượng đốt năm tới giảm khoảng 30%, đây là tham vọng rất cao. Vì năm ngoái có hàng loạt than phiền từ người dân, chính quyền địa phương vì gây ô nhiễm môi trường. 

Thái Lan cũng đang phân tích, đánh giá về tác động của việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước uống có đường là nguyên nhân chính làm giảm sản lượng tiêu thụ đường nội địa hay không? Lý do là chính phủ Thái Lan đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về việc thay đổi thói quen sử dụng đường, nên chưa thể kết luận sản lượng tiêu thụ đường thị trường nội địa giảm là do áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Indonesia từng là quốc gia xuất khẩu đường đứng thứ 2 thế giới, tuy nhiên, cho đến nay, Indonesia là quốc gia nhập khẩu đường hàng đầu thế giới, nhiều hơn cả Trung Quốc. Giai đoạn 2000 - 2008, Indonesia sản xuất 1,5 - 2,8 triệu tấn đường. Tuy nhiên những năm gần đây, con số này đã giảm xuống: năm 2018 là 2,2 triệu tấn, năm 2019 là 2,1 triệu tấn.

Sản lượng đường tiêu thụ hằng năm của Indonesia là 6 triệu tấn, do đó tồn tại một khoảng thiếu hụt cần phải bù đắp bằng nhập khẩu. Năm 2018, Indonesia nhập 4,4 triệu tấn đường.

Philippines năm ngoái đạt 25 triệu tấn, mùa thiếu nước khô hạn kéo dài nên sản lượng đi xuống khoảng 11%. Nhập khẩu nhiều chủ yếu từ Thái Lan, Việt Nam và Malaysia vì nguồn cung không tăng. Chính phủ chi phối lượng nhập khẩu, chính sách dành 20% cho Bio Ethanol.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn giữ hạn ngạch xuất khẩu 2 năm nay. Chính sách hạn ngạch bảo hộ doanh nghiệp đường trong nước, nhưng do buôn lậu đường gây tác hại nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia đánh giá khả năng nhập lậu giáp Lào, Campuchia rất lớn, ước tính khoảng 500 ngàn tấn. Mặc dù chính phủ có biện pháp ngăn chặn, nhưng do biên giới kéo dài, ở những vùng sâu rất khó kiểm soát.

Mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành đường Đông Nam Á
Ông Đặng Văn Thành (áo xanh), Chủ tịch Tập đoàn TTC tại Hội nghị.

Những kinh nghiệm và giải pháp hữu hiệu từ ngành đường Đông Nam Á

Nhiều quốc gia trên thế giới đều công nhận điện sản xuất từ bã mía là một loại năng lượng tái tạo cần tích cực khai thác (các cường quốc mía đường như Thái Lan, Ấn Độ, Philippines đều đã có chính sách cụ thể khuyến khích các nhà máy đường bán điện ra lưới điện quốc gia).

Một nghiên cứu về đường đối với sức khỏe dinh dưỡng đã gây bất ngờ khi đi ngược lại niềm tin của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Các nhà khoa học tại Thái Lan đã chứng minh rằng đường không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh tiểu đường mà đây là một bệnh di truyền, được tạo ra từ thời điểm chúng ta được sinh ra.

Đại biểu nhiều nước bày tỏ sự quan ngại về buôn lậu biên giới, và đặt ra trách nhiệm với Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á phải làm gì để chống lại điều này? Hội nghị cũng đi sâu tìm giải pháp để hạn chế thức uống dùng quá nhiều đường lỏng (HFCS) để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, bảo vệ ngành.

Đại diện Philippines cho biết: “Các nước nhập vào châu Á chất làm ngọt HFCS rất nhiều, lên tới 400 ngàn tấn, gây nguy hiểm cho sức khoẻ, đòi hỏi chính phủ phải có biện pháp làm giảm. Phải có sự đối thoại giữa các hiệp hội đường Đông Nam Á để giảm lượng đường nhập lậu từ biên giới tiến tới mua chính thức của nhau. Tại sao không nhập từ Thái Lan mà nhập từ Brazil? Làm thế nào để có ngành đường bền vững, đưa ra loại đường tốt hơn cho người tiêu dùng, nếu không, 5-10 năm nữa sẽ không còn ngành đường nữa”.

Năm 2019, Malaysia được mùa mía, đáp ứng đủ yêu cầu nội địa, tốc độ mở rộng ngành đường nhanh chóng. Hai nhà máy sắp tới cũng được mở rộng, đặt ra áp lực lớn với Bộ Thương mại, giảm nhập khẩu, tỷ lệ thăng dư cao, chưa được tái xuất khoảng 2 triệu tấn.

Chính phủ Malaysia đã quyết định áp thuế các mặt hàng nước ngọt có ga và nước trái cây từ ngày 1/7/2019. Mức thuế 40 cent/lít sẽ được áp dụng cho các sản phẩm nước giải khát có chứa nhiều hơn 5 gram đường (hoặc chất làm ngọt có nguồn gốc từ đường) trên mỗi 100ml. Đối với nước trái cây và nước ép rau quả, mức thuế 40 cent/lít sẽ được áp dụng cho các sản phẩm có chứa nhiều hơn 12 gram đường/100ml.

Đại biểu Malaysia cho biết: “Chúng ta đang sản xuất quá nhiều đường và lại bán với giá thấp, Malaysia đã triển khai loại đường nâu, từ 0 tấn đến nay 3.000 tấn mà không đủ nhu cầu. Chính phủ đang thúc đẩy các nhà máy tăng sản lượng một cách điên cuồng. Đặt thương hiệu Đường nâu kêu gọi tất cả người dân dừng sử dụng đường trắng. Nhiều người nói chúng tôi điên, nhưng nếu không làm thì 10 năm sau sẽ không còn ngành dường nữa.

Sản phẩm mới Đường nâu glycemic thấp “Better Brown” chỉ số Glycemic (GI) là chỉ số đường huyết của thực phẩm, thể hiện mức độ hấp thụ đường vào máu khi tiêu thụ một loại thực phẩm. Hướng đến việc giúp người tiêu dùng Malaysia sử dụng loại đường tốt cho sức khỏe hơn, từ đó đóng góp một phần cho quốc gia.

Những lợi ích nổi bật của đường nâu glycemic thấp là giúp giảm hấp thụ đường vào máu; giúp chống lại vấn nạn béo phì và bệnh tiểu đường; Không phụ gia, không hóa chất và không biến đổi gen (non GMO); Tăng hương vị cho món ăn; Vẫn giữ được các đặc tính quan trọng của đường khi dùng để làm bánh.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang có biện pháp mạnh hơn, minh bạch hơn, đây là điều kiện thuận lợi để Malaysia đưa nhóm sản phẩm tiêu dùng chủ lực trong đó có đường, triển khai hoạt động thương mại chính thức. Với thoả thuận này, đường Malaysia sẽ xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc”.

Với uy tín tại Việt Nam và quốc tế, TTC Sugar cũng cam kết đồng hành cùng các cơ quan chức năng để ra sức chống lại vấn nạn đường lỏng (HFCS), góp phần minh bạch thị trường đường trong nước, đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kết thúc hội nghị, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC đánh giá, trong bối cảnh ngành mía đường thế giới và khu vực đang đứng trước các thách thức cùng những tác động lớn do chu kỳ ngành, do sự thay đổi cung cầu và biến đổi khí hậu toàn cầu, Chính phủ các nước Đông Nam Á đã sớm có những động thái hỗ trợ và những định hướng quyết liệt trên nhiều lĩnh vực nhằm giúp ngành mía đường giữ được lợi thế cạnh tranh hiệu quả, hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo được gía trị hữu ích, đáp ứng tối ưu cho nhu cầu của người tiêu dùng.

"Theo kịp dòng chảy đó, Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4 là cơ hội để các thành viên cùng trao đổi thông tin, bàn bạc thảo luận, tìm kiếm những giải pháp mang tính chiến lược và quyết định cho tương lai của ngành đường Đông Nam Á. Tôi cho rằng, Hội nghị diễn ra tại thời điểm này mang ý nghĩa chiến lược, một tín hiệu tích cực thể hiện tinh thần kết nối, chia sẻ và hợp tác hiệu quả giữa các thành viên", ông Thành nói.

Chủ tịch TTC khẳng định, với sự am hiểu sâu sắc tình hình của ngành Đường, tinh thần làm việc tích cực, nghiêm túc, cởi mở, thẳng thắn, Hội nghị đã đề xuất những giải pháp quốc tế mang tính đột phá, tiên phong và hữu hiệu cho những chủ đề mang tính cấp thiết của ngành mía đường trên thế giới và các nước trong Hiệp hội Mía đường ASEAN, nhằm đưa ra được những quan điểm cũng như tiếng nói chung trong quá trình giữ vững vị thế và vai trò của ngành mía đường tại mỗi quốc gia và của toàn ASEAN.

Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á (Asean Sugar Allinace (ASA) là một liên minh được thành lập từ năm 2016 với sự khởi xướng của đại diện ngành công nghiệp mía đường Thái Lan và các thành viên còn lại là đại diện ngành công nghiệp mía đường của các nước Asean khác như Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Mục tiêu của ASA là góp phần thúc đẩy hợp tác trong kinh doanh, thương mại và đầu tư, đảm bảo đáp ứng nhu cầu về đường ngày càng gia tăng trong khu vực.

Theo đó, định kỳ hàng năm, ASA tổ chức Hội nghị thường niên để các thành viên cùng trao đổi thông tin, thảo luận, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác thông thương giữa các nước. Năm nay 2019, Hội nghị Hiệp hội Mía đường Đông Nam Á lần 4 được thống nhất tổ chức bởi Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) và TTC Sugar (đại diện ngành Nông nghiệp TTC) tại Trụ sở văn phòng Tập đoàn TTC, Việt Nam.