Nhiều dự án điện chuyển tiếp thiếu toàn bộ hồ sơ COD

Nguyễn Cảnh - 10:38, 31/05/2023

TheLEADERNhiều dự án điện tái tạo chuyển tiếp thiếu toàn bộ hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại khi gửi hồ sơ cho EVNEPTC.

EVN cho biết, tới 17h30 ngày 29/5 ghi nhận 59/85 chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chưa có giá (dự án điện chuyển tiếp) đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong số này, nhiều trường hợp thiếu toàn bộ hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD).

Cụ thể, trong số 43 dự án đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định 21 ban hành tháng 1/2023 của Bộ Công thương), EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 40 dự án. EVN cũng đã có văn bản trình Bộ Công thương xem xét, thông qua đối với 40/43 chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề xuất giá tạm.

Ngoài ra, 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 26 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy.

Cũng theo EVN thông tin, hiện có 3 dự án đã được COD một phần nhà máy/toàn nhà máy, với tổng công suất khoảng 216MW. Tuy nhiên, đây đều là những phần nhà máy/toàn nhà máy đã thực hiện COD từ trước năm 2021 (chưa có giá điện).

Nhiều dự án điện chuyển tiếp thiếu toàn bộ hồ sơ COD

Đối chiếu danh mục 40 dự án đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA, nhiều trường hợp đang thiếu toàn bộ hồ sơ công nhận vận hành thương mại.

Cụ thể, một số dự án điện gió như: Cầu Đất (68MW), Yang Trung (145MW), số 5 – Thạnh Hải 4 (30MW), Ia Le 1 (gần 53MW), Chơ Long (khoảng 105MW), Đăk N'Drung 1,2,3 (tổng cộng 300MW), Viên An (50MW)… Một số dự án điện mặt trời gồm: Thiên Tân 1.4 (khoảng 79MW), Krông Pa 2 (khoảng 40MW).

Ngày 24/5, Bộ Công thương và EVN đã tổ chức hội nghị với chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để làm rõ và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện các dự án với mục tiêu đưa các dự án vào vận hành trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời đảm bảo các quy định pháp luật.

Theo cập nhật cùng ngày, đã có 37/85 dự án năng lượng tái tạo chưa có giá gửi hồ sơ cho EVNEPTC để phục vụ quá trình đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện. 

Đối với 48 dự án còn lại chưa gửi hồ sơ, EVNEPTC cũng đã có văn bản đề nghị các chủ đầu tư tiếp tục gửi, cung cấp các hồ sơ tài liệu dự án phục vụ cho công tác đàm phán, thỏa thuận giá điện.

Sự kiện trên diễn ra chỉ 1 ngày sau khi nhóm 23 nhà đầu tư liên quan tiếp tục kiến nghị tới Bộ Công thương về việc hướng dẫn, chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới, thực hiện thanh quyết toán khi có giá chính thức trong hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện.

"Đến nay, EVN chưa nhận được hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Công thương theo nội dung Thông báo 182. Do vậy, trong quá trình đàm phán sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện (“PPA”) cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp trong những ngày vừa qua tiếp tục gặp vướng mắc", nhóm các nhà đầu tư nêu trong văn bản ngày 23/5.

Dẫn chứng cụ thể, trong dự thảo hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện (“Hợp đồng sửa đổi, bổ sung”) hiện nay chưa có quy định nào thể hiện rõ nội dung: “Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện” như chỉ đạo của Phó thủ tướng tại Thông báo 182.

Điều này dẫn tới việc các chủ đầu tư chưa thể ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung khi chưa làm rõ được việc thanh quyết toán sau khi có giá mua điện chính thức sẽ được thực hiện như thế nào, văn bản kiến nghị ngày 23/5 thể hiện.

Với thông số cập nhật mới nhất của EVN, cho thấy một số kiến nghị ‘nóng’ của nhóm các nhà đầu tư dự án điện chuyển tiếp đã nhận được tín hiệu tích cực từ bộ ngành, EVN và EPTC. Tuy nhiên, nội dung "sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện" (như Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cũng như mong mỏi của nhà đầu tư thời gian qua) vẫn đang chờ lời đáp, cụ thể là hướng dẫn từ Bộ Công thương.