Nhiều nút thắt trong triển khai quy hoạch điện lực quốc gia

Nguyễn Cảnh - 10:03, 28/02/2021

TheLEADERViện Năng lượng (Bộ Công thương) đưa ra nhận định trong dự thảo đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Nhiều nút thắt trong triển khai quy hoạch điện lực quốc gia
Việc phát triển nhanh các dự án năng lượng tái tạo đã và sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống điện truyền tải

Vướng mắc thứ nhất trong quá trình thực hiện quy hoạch điện thời kỳ vừa qua là vấn đề quy hoạch. 

Quy hoạch phát triển điện lực liên quan tới nhiều quy hoạch của các ngành khác như than, dầu - khí, năng lượng tái tạo, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch giao thông, quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch phát triển công nghiệp,... 

Trên thực tế, việc đồng bộ hóa các quy hoạch này khá khó khăn do thời điểm xây dựng các quy hoạch thường không trùng khớp nhau.

Ngoài ra, các quy hoạch ngành liên quan thường do các đơn vị khác nhau chủ trì xây dựng, thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan nên các số liệu đầu vào chưa hoàn toàn đầy đủ, thiếu thống nhất dẫn tới các kết quả dự báo, tính toán chưa chính xác, gây khó khăn trong triển khai quy hoạch.

Theo Viện Năng lượng, quy hoạch điện trong thời kỳ vừa qua mang tính “cứng” khá cao. Cụ thể, các quy hoạch nguồn và lưới điện khi được phê duyệt đã xác định chi tiết quy mô, thời điểm vận hành và chủ đầu tư của các công trình điện lực, làm giảm tính linh hoạt trong triển khai. 

Bất kỳ vướng mắc nào xuất hiện liên quan tới thay đổi quy mô, thời điểm vận hành, chủ đầu tư... thì đều phải tiến hành thực hiện điều chỉnh quy hoạch và mất rất nhiều thời gian cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch kéo dài nên thời gian thực hiện quy hoạch sau phê duyệt bị rút ngắn. Việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch còn chưa kịp thời, ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành. 

Sau khi Luật Quy hoạch ra đời, việc tổ chức thực hiện luật còn nhiều lúng túng dẫn đến chậm, ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tiếp theo…

Đáng chú ý, quá trình thực hiện quy hoạch đôi lúc còn gặp rất nhiều vướng mắc do sự không đồng thuận của địa phương. 

Nhiều công trình nguồn điện phải dừng triển khai do quan điểm của địa phương thay đổi (ví dụ chuyển sang quan điểm phát triển xanh, sạch nên không ủng hộ các nhà máy nhiệt điện than vì tiềm ẩn khả năng gây ô nhiễm). 

Nhiều công trình lưới điện đi qua địa bàn của địa phương nhưng không mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương nên cũng không được đồng thuận, tạo điều kiện để có mặt bằng xây dựng.

Nhiều dự án khi triển khai gặp phải chồng chéo về quy định pháp lý như việc không thống nhất đối với yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình triển khai dự án (Luật Bảo vệ môi trường quy định việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chủ trương đầu tư, nhưng Luật xây dựng, Luật đầu tư quy định đánh giá tác động môi trường là một trong các nội dung thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu khả thi).

Về phát triển nguồn điện, thực tế cho thấy các dự án nguồn điện (đặc biệt là các dự án ngoài EVN) thường bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa gồm các dự án năng lượng tái tạo). Sau 4 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện. 

Điển hình, Quốc hội thông qua chủ trương dừng thực hiện các dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận (4.600MW); các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Long An, Tiền Giang không được triển khai, trong khi nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận...

Nhiều dự án điện BOT bị chậm tiến độ do thời gian chuẩn bị đầu tư, đàm phán bộ hợp đồng BOT kéo dài (Vân Phong I, Vĩnh Tân III, Nghi Sơn II, Vũng Áng II, Nam Định I…). 

Các dự án điện than do chủ đầu tư tư nhân thực hiện gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn đầu tư dẫn đến chậm trễ kéo dài như Công Thanh, An Khánh - Bắc Giang ...

Sau khi Thủ tướng ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam, đã có rất nhiều thành phần kinh tế đã tham gia nghiên cứu và đề xuất đầu tư phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo với quy mô rất lớn và tập trung mật độ cao tại một số khu vực. 

Với việc phát triển nhanh các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt thời gian đầu tư các dự án điện gió, mặt trời ngắn và tập trung chủ yếu tại một số khu vực tiềm năng như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk, Gia Lai, Quảng Trị, các tỉnh khu vực Tây Nam bộ… đã và sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống điện truyền tải (do không đáp ứng yêu cầu đồng bộ về tiến độ đầu tư).

Việc đầu tư, phát triển lưới điện thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Thứ nhất là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng (khó khăn vướng mắc lớn nhất đối với quá trình triển khai các dự án lưới điện truyền tải).

Tiếp đến là thỏa thuận vị trí dự án, EVN gặp rất nhiều khó khăn trong thỏa thuận địa điểm, vị trí trạm biến áp và tuyến đường dây đối với các chính quyền địa phương, đặc biệt đối với địa phương có quỹ đất hạn chế.

Thứ ba là vướng mắc trong thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A, chuyển đổi đất rừng để thực hiện các dự án lưới điện truyền tải (theo quy định, các dự án lưới điện truyền tải đi qua rừng tự nhiên phải được Chính phủ quyết định chuyển đổi đất rừng sang mục đích sử dụng cho công trình lưới điện truyền tải).

Có 10 dự án nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 – 2020 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng bị chậm tiến độ sau năm 2020. Bao gồm: Sông Hậu 1 (PVN-1.200MW, chưa đáp ứng tiến độ thi công, năng lực nhà thầu), Thái Bình 2 (PVN-1200MW, vướng mắc trong thu xếp vốn), Long Phú 1 (PVN-1.200MW, vướng mắc thu xếp vốn), Na Dương 2 (TKV-110MW, chưa thực hiện đầu tư), Cẩm Phả 3 (TKV – 440MW, chưa đầu tư), Công Thanh (IPP-600MW, chưa có vốn đầu tư), Ô Môn III... 

Trong khi đó các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là mặt trời) lại thực hiện vượt quá mức quy hoạch (do tác động từ chủ trương hỗ trợ giá để phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước).

Điều này dẫn tới khó khăn trong cân đối cung cấp điện do số giờ vận hành tương đương của nguồn chỉ bằng khoảng 1/3 so với số giờ vận hành tương đương của nguồn nhiệt điện truyền thống.