Nhu cầu các ứng dụng tài chính tăng mạnh

Việt Hưng - 11:31, 29/07/2021

TheLEADERCác ứng dụng của ngân hàng truyền thống, dịch vụ tài chính và đầu tư đang có xu hướng ra tăng rõ rệt trong vòng một năm trở lại đây.

Theo số liệu từ App Annie, khảo sát tại Việt Nam từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2021 trên 1.000 ứng dụng thuộc top ứng dụng tài chính có lượng tải về lớn nhất cả hai hệ điều hành Android và iOS cho biết tổng số lượt cài đặt trong khoảng thời gian này đạt mức 150 triệu lượt.

Mức tăng này rất lớn so với cùng kì năm ngoái với tổng lượt cài đặt tích luỹ qua thời gian ở mức 273 triệu lượt. Có thể thấy, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân đặc biệt dành sự quan tâm tới các ứng dụng tài chính.

Nhu cầu các ứng dụng tài chính tại Việt Nam
Nhu cầu các ứng dụng tài chính tại Việt Nam

Đồng thời, số liệu cũng chỉ rõ tổng số người dùng hoạt động trong thời kì này là 65 triệu với tổng số giờ hoạt động là 448 triệu giờ, chứng minh cơn sốt to lớn của các ứng dụng tài chính như ứng dụng ngân hàng, ứng dụng dịch vụ tài chính, ứng dụng cho vay, ứng dụng đầu tư,…

Các ứng dụng của ngân hàng truyền thống, dịch vụ tài chính và đầu tư đang có xu hướng ra tăng rõ rệt trong vòng 1 năm trở lại đây, trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp.

Xu hướng này cho thấy thói quen sử dụng các ứng dụng này ngày càng phổ biến, đặc biệt là các ứng dụng của ngân hàng truyền thống và dịch vụ tài chính như thanh toán điện tử, do tính tiện dụng và tiết kiệm thời gian của chúng đối với người dân.

Theo App Annie, tỉ lệ cài đặt theo hệ điều hành cũng phản ánh một số thói quen của người tiêu dùng. Trên iOS có tỉ lệ cài đặt thấp hơn so với Android khá nhiều (37% và 63%). Người dùng iOS có xu hướng cài đặt các app tín dụng thấp hơn một phần nguyên do nằm ở các ứng dụng tài chính chưa thực sự tối ưu hoá trên hệ điều hành này.

Nhu cầu các ứng dụng tài chính tại Việt Nam 1
Thói quen của người tiêu dùng theo hệ điều hành

Cùng xu hướng với lượt cài đặt, số người dùng hoạt động trên các ứng dụng tài chính ngày càng tăng với tốc độ mạnh mẽ xuyên suốt năm 2020 đến hết quý 2/2021. Xu hướng này có thể tiếp tục tăng lên do ngày càng nhiều người quen thuộc và ưa chuộng các ứng dụng này, đặc biệt là các ứng dụngngân hàng truyềnthống, dịch vụ tài chính và đầu tư.

Khi đại dịch Covid-19 qua đi, có thể là thời điểm chúng ta dần thích nghi với những xu hướng mới xuất hiện, đó là xu hướng về kinh tế số, thanh toán số,… Ðây cũng chính là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận lại, không chỉ cầm cự, mà còn xoay chuyển tình thế và cải tổ chính mình.

Theo số liệu thống kê, trong hơn 150 công ty fintech hiện nay, hoạt động thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia nhất là dịch vụ trung gian thanh toán như ví điện tử.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính nay, có khoảng 40 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn là ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu - chi hộ,…

Theo ý kiến đánh giá, thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang có những lợi thế như: cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày một tăng,...

Do đó, thị trường này sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Sự cạnh tranh của các công ty fintech một mặt sẽ diễn ra gay gắt, nhưng mặt khác sẽ đem lại nhiều hơn lợi ích và giá trị cho người dùng.