Những chuyến xe bạc tỷ

Việt Hưng - 14:11, 12/11/2019

TheLEADERTrong khi giới phân tích đang nghi ngờ về tính bền vững của thị trường gọi xe ở Việt Nam với cuộc chạy đua “đốt tiền” chưa có hồi kết, thì FastGo - một ứng dụng gọi xe thuần Việt đã đưa ra câu trả lời khiến nhiều người trong cuộc cảm thấy bất ngờ.

Chính thức ra mắt tại Việt Nam vào tháng 6/2018, FastGo được biết đến là một ứng dụng gọi xe thuần Việt thuộc hệ sinh thái Tập đoàn NextTech. Sau hơn một năm hoạt động, FastGo có mặt tại 3 quốc gia là Việt Nam, Myanmar và Singapore, thực hiện gần 2 triệu chuyến đi thành công, với đội ngũ đối tác lái xe lên tới 70.000 người. Tháng 8 năm ngoái, FastGo nhận vốn từ quỹ Vinacapital Ventures, một quỹ đầu tư quy mô 100 triệu USD.

Gần đây nhất, FastGo ra mắt tính năng “Chuyến xe bạc tỷ” từ tháng 10/2019. Đây được mô tả là một chuyến xe đặc biệt, người tham gia không được biết trước hành trình, với khách mời là Shark Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech. Khi may mắn được chọn tham gia “Chuyến xe bạc tỷ”, người chơi sẽ được trao đổi, trò chuyện và trình bày các cơ hội hợp tác, đầu tư cũng như các lời khuyên từ Shark Bình.

Nhà sáng lập & Chủ tịch FastGo, ông Nguyễn Hữu Tuất chia sẻ: "Chuyến xe bạc tỷ không đơn thuần là một chương trình mang tính quảng bá cho thương hiệu FastGo, mà thực chất hướng tới 2 mục tiêu: Thứ nhất là tìm kiếm những tư tưởng lớn, tầm nhìn rộng và những người có tâm và có tầm. Thứ hai là giúp họ tìm ra long mạch, đi đúng hướng và tìm đúng thầy để sớm đạt được thành công".

Ít ai biết rằng, thời điểm tung ra tính năng “Chuyến xe bạc tỷ” cũng là lúc FastGo vừa có một cú chuyển mình mang tính lịch sử, khi lần đầu tiên FastGo - một ứng dụng gọi xe thuần Việt bắt tay hợp tác với Vingroup, cụ thể là VinFast - một thương hiệu xe hơi của Việt Nam. Nội dung hợp tác xoay quanh việc đưa xe VinFast Fadil và VinFast Lux vào 2 dịch vụ của FastGo là: gọi xe FastCar và gọi xe sang FastLux.

Giai đoạn đầu của hợp tác này, VinFast sẽ cung cấp 1.500 chiếc xe VinFast Fadil cho FastGo và các đối tác tài xế của FastGo. Tiếp giai đoạn hai, VinFast sẽ cung cấp các mẫu VinFast Lux đang có và sắp sản xuất cho dịch vụ gọi xe hạng sang FastLux. Tính cho đến thời điểm hiện tại, hợp tác giữa Vingroup và FastGo có thể xem là đơn hàng lớn nhất từ trước đến nay với thương hiệu xe ô tô VinFast.

Về phía FastGo, ông Nguyễn Hữu Tuất - Nhà sáng lập & Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh: "Đây là một mô hình hợp tác kinh doanh đầu tiên trên thế giới, mang tính đột phá giữa một đơn vị sản xuất xe ô tô trực tiếp với một startup về công nghệ. Chúng tôi kỳ vọng, việc hợp tác với Vingroup giúp FastGo tạo ra sự khác biệt trên thị trường gọi xe".

Một cú điện thoại, hơn 1.000 km đường không và 1 giờ để cùng gật đầu

Cách đây hơn 1 năm, khi cái tên VinFast lần đầu được công bố rộng rãi tới người dân Việt Nam, hiếm có hãng xe nào trên dải đất hình chữ S lại gây được sự tò mò, chú ý nhiều như VinFast. Nhận thấy nhu cầu người dùng muốn trải nghiệm và sở hữu xe VinFast là có thật, ông Nguyễn Hữu Tuất tin rằng, nếu có thể kết hợp VinFast với FastGo, đây chắc chắn sẽ là một cú hích lớn trên thị trường gọi xe ở Việt Nam.

Nhưng kết hợp thế nào, làm sao để hiệu quả, đó vẫn liên tục là những dấu hỏi trong đầu ông Tuất. Và thực tế, ngay tại thời điểm đó, FastGo vẫn đang trong giai đoạn thai nghén, rục rịch ra mắt thị trường. Nói cách khác, hợp tác này với nhà sáng lập FastGo mới chỉ hình thành dưới dạng ý tưởng, với khả năng hiện thực hóa vẫn còn là một ẩn số.

Cách đây khoảng 3 tháng, ông Tuất bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ phía Tập đoàn Vingroup, với nội dung là một hợp tác chiến lược sẽ được trao đổi cụ thể khi gặp mặt. “Cuộc gọi này thực sự khiến tôi khá tò mò. Ngay hôm sau, tôi đi thẳng từ Hà Nội vào TP. HCM”, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe FastGo kể lại.

Sau khoảng 2 giờ bay, cuộc gặp gỡ giữa ông Tuất và đại diện Vingroup kéo dài chỉ chừng 1 giờ đồng hồ để cả hai bên cùng đi đến một hợp tác chiến lược mang tính lịch sử và lâu dài. “Thời gian sau đó, chúng tôi họp với đại diện Vingroup, cụ thể là VinFast cứ ba lần một tuần. Tần suất này còn nhiều hơn cả ở trụ sở FastGo”, nhà sáng lập nhấn mạnh về sự nghiêm túc, cũng như tính quyết liệt trong hợp tác lần này.

Những chuyến xe bạc tỷ
Tập đoàn Vingroup hợp tác chiến lược cùng ứng dụng gọi xe FastGo

“Ngay cả khi hai bên đã cùng gật đầu đồng ý, tôi vẫn khá bất ngờ về hợp tác này. Bản thân tôi đã hỏi thẳng phía Vingroup, tại sao các anh chọn FastGo mà không phải những tay chơi lớn như Grab, hay Be? Họ nói rằng, đã nghiên cứu, tìm hiểu FastGo từ lâu, và nhận thấy tinh thần cũng như ý tưởng hai bên có nhiều nét tương đồng. Mặc dù FastGo chưa phải số một, nhưng đã làm chủ được công nghệ, nhỏ nhưng có võ, khả năng ứng biến, linh hoạt tốt hơn. Và quan trọng, FastGo cũng như VinFast đều là sản phẩm, trí tuệ của người Việt Nam”, ông Nguyễn Hữu Tuất chia sẻ.

Theo thỏa thuận này, phía VinFast sẽ đầu tư xe cho đối tác là FastGo dưới 2 hình thức: cho thuê lại xe để kinh doanh, hoặc hỗ trợ mua xe để đầu tư. Về phía FastGo, nhiệm vụ của startup này là làm sao để phát triển nhanh, mạnh, và bền vững, cũng như tạo cơ hội cho người dân Việt Nam trải nghiệm thương hiệu xe VinFast tốt nhất có thể.

Cú chuyển mình của FastGo

Chủ tịch FastGo tin rằng, với hợp tác mới đây cùng Tập đoàn Vingroup, cục diện trên thị trường gọi xe ở Việt Nam sắp tới sẽ có nhiều biến chuyển. Trước hết là những biến chuyển từ nội lực của FastGo, khi ông Nguyễn Hữu Tuất tuyên bố, startup này đang thay đổi mô hình kinh doanh từ thuần gọi xe công nghệ sang mô hình Hybrid - lai giữa yếu tố công nghệ và truyền thống.

Cụ thể, với hoạt động gọi xe công nghệ FastGo, nguồn cung xe cho các tài xế sẽ dồi dào hơn khi có sự tham gia của VinFast. Thông qua hợp tác này, tài xế có nhu cầu mua xe VinFast để chạy FastGo sẽ được hỗ trợ tốt hơn, thủ tục mua xe thuận tiện, dễ dàng hơn. Trong trường hợp chưa có đủ tài chính để đầu tư phương tiện, giải pháp thuê xe để kinh doanh cũng có thể cân nhắc.

Bên cạnh đó, FastGo cũng nhận được trợ lực rất lớn từ phía Vingroup, cam kết bằng những chính sách có một không hai. Đó là nội trong các khu vực của VinHomes, VinCom và VinSchool, khách hàng gọi xe thông qua ứng dụng FastGo sẽ được giảm giá tới 50% (tối đa 40.000 đồng) cho tất cả các chuyến xe đến và đi.

Một chính sách khác là tại các khu tổ hợp nhà ở, nghỉ dưỡng, dịch vụ của Vingroup, lễ tân có thể dễ dàng gọi xe FastGo cho khách hàng thông qua một cú click. Đặc biệt, cũng tại các khu vực này, xe FastGo sẽ được ưu tiên đón trả khách. “Khách hàng chỉ cần bước chân ra cửa là sẽ có xe FastGo đón sẵn. Cách tính tiền cũng rất đơn giản, khi khách lên xe, tài xế chỉ cần bật ứng dụng FastGo và mở tính năng đồng hồ điện tử tương tự như đi taxi truyền thống”, ông Tuất giải thích.

Được biết, hiện Khu đô thị Vinhomes Times City Hà Nội đang là địa điểm đầu tiên được Vingroup và FastGo triển khai thử nghiệm những tính năng này. Nhà sáng lập FastGo tiết lộ, kết quả ban đầu đang rất khả quan, phản hồi từ khách hàng và tài xế rất tích cực. Dự kiến, những mô hình như vậy sẽ sớm được hai bên triển khai rộng khắp các tỉnh thành trong thời gian tới.

Những chuyến xe bạc tỷ 1
Ông Nguyễn Hữu Tuất - nhà sáng lập & Chủ tịch FastGo

“Nếu làm tốt, rất có thể chính FastGo sẽ thay đổi cuộc chơi trên thị trường gọi xe tại Việt Nam. Việc bắt tay với Vingroup chắc chắn sẽ giúp dịch vụ của FastGo trở nên chuyên nghiệp hơn, chủ động hơn về nguồn cung xe, tài xế, nâng cao độ sẵn sàng về mặt dịch vụ”, ông Nguyễn Hữu Tuất nhấn mạnh.

Khai phá thị trường mới

Bên cạnh mảng gọi xe công nghệ, mảng “truyền thống” được Chủ tịch FastGo nhắc tới chính là hoạt động cho thuê xe VinFast theo mô hình B2B, với khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp với số lượng lớn, trong thời gian dài kì (có thể là theo tuần, theo tháng, thay vì hình thức gọi xe tức thời, hay theo giờ như hiện nay).

Sở dĩ nói đây là mảng “truyền thống” bởi theo ông Tuất, đây là hoạt động kinh doanh đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu. Nhưng phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong mảng này đều có quy mô nhỏ, số lượng xe trung bình cho thuê chỉ từ 50-100 xe. Trong khi đó, số lượng xe VinFast mà phía FastGo dự kiến đưa ra thị trường là không dưới 2.000 xe.

Tính chất là truyền thống, nhưng cách khai thác của FastGo là mới. Chúng tôi ứng dụng công nghệ để điện tử hóa hoạt động cho tổ chức, doanh nghiệp thuê xe. Cùng lúc FastGo giải quyết 2 bài toán. Đầu tiên là chi phí. Thông thường doanh nghiệp phải bỏ ra 60-70 triệu đồng/tháng để thuê một chiếc xe và tài xế. Trong khi thông qua FastGo, chi phí này giảm một nửa, bởi ngoài việc đưa đón theo giờ, tài xế trong lúc rảnh có thể chạy thêm để gia tăng thu nhập. Thứ hai là tính sẵn sàng. Trước đây, doanh nghiệp muốn đặt số lượng xe lớn có khi phải chờ vài ngày, tới vài tuần. Nhưng với công nghệ của FastGo, khách hàng doanh nghiệp đặt xe chỉ cần báo trước khoảng 30 phút”, Chủ tịch FastGo cho hay.

Và quan trọng, theo ông Nguyễn Hữu Tuất, mô hình kinh doanh này ra tiền ngay, nếu làm tốt sẽ mang về nguồn thu ổn định cho một startup non trẻ như FastGo. Khi được hỏi, liệu mảng cho thuê xe có lãi, FastGo có quên mất mảng gọi xe, ông Tuất khẳng định hiện startup này đang tập trung vào các phân khúc thị trường ngách và hướng tới có lãi, nên mức độ đầu tư cho cả 2 mảng là 50-50..

Thành công bước đầu này đến từ chiến lược không thu chiết khấu đối với lái xe, chỉ thu tối đa 30.000 đồng với lái xe có doanh thu trên 400.000 đồng của FastGo. Đồng thời, hãng này cũng cam kết không tăng giá cước xe vào giờ cao điểm, nhưng nếu khách hàng thưởng tip thì xác suất gọi được xe cao hơn.

Chủ tịch FastGo khẳng định, công ty sẽ không đi theo chiến lược "khuyến mãi, giảm giá" giống như nhiều ứng dụng khác, bởi đây không phải là thế mạnh của FastGo. Thay vào đó, FastGo dù mới ra mắt ở Việt Nam, nhưng đã sớm có mặt ở nhiều quốc gia khác như: Myanmar, Singapore...

“Chiếm được thị phần trong mảng gọi xe đã khó, giữ được thịphần đó còn khó hơn, vì chưa thấy dấu hiệu nào của việc có lãi với các mô hìnhnày. Ngoài ra, sự trung thành của khách hàng và đối tác trong lĩnh vực gọi xecũng không cao, vì bản chất mối quan hệ này rất lỏng lẻo, không có ràng buộc vềpháp lý, văn hoá, mục tiêu hay một sứ mệnh nào. Đơn giản chỉ là quyền lợi kinhtế trong ngắn hạn. Do đó, chúng tôi nói không với chiến lược khuyến mãi, giảmgiá, mà hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và an toàn”, ông Tuất tái khẳng định.

Bài viết đã được đăng tải trên đặc san DOANH NHÂN VIỆT: VÌ MỘT VIỆT NAM THỊNH VƯỢNG. Để đặt mua, xin liên hệ Toà soạn TheLEADER.

Hà Nội: Tầng 7, tòa nhà HCMCC số 249A Thụy Khuê, quận Tây Hồ - Điện thoại: 024 3244 4359

TP. HCM: 102D Lê Thị Riêng (Lầu 6), phường Bến Thành, Quận 1 - Điện thoại: 08867 08817