Những con số ấn tượng của kinh tế Quảng Ninh nửa đầu 2018

11:06, 15/07/2018

TheLEADERVới việc thực hiện ba đột phá chiến lược, thu hút được những dự án đầu tư lớn và sự quyết liệt thay đổi từ cấp chính quyền, Quảng Ninh đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 10,16% trong sáu tháng đầu năm 2018, cao nhất trong sáu năm trở lại đây.

Từng chỉ ở mức điểm trung bình khoảng 58 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2007, mười năm sau đó, Quảng Ninh vươn mình vượt qua Đà Nẵng với số điểm 70,69 để đoạt ngôi quán quân trong bảng xếp hạng PCI, cùng với những kết quả tích cực về phát triển kinh tế trong nửa năm đầu 2018.

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, bên cạnh tăng trưởng kinh tế đạt mức kỷ lục 10,16% trong vòng sáu năm, thu ngân sách của tỉnh này còn tăng 17%; trong đó thu nội địa tăng 19% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 75% tổng thu ngân sách.

Để có được kết quả này, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết trong thời gian qua, ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đã được Quảng Ninh quyết liệt triển khai.

Quảng Ninh ghi nhận đột phá trong phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, việc xây dựng thể chế, cải cách hành chính được thực hiện theo hướng giảm thủ tục và thời gian giải quyết; thực hiện đủ 4 bước “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả” tại chỗ và tăng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4; đưa 231 điểm cầu trực tuyến tại 186 xã và các đơn vị vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh là địa phương tiên phong triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và địa phương (DDCI) và cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng và vận hành mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh và toàn bộ 14 huyện, thị.

Sự quyết liệt này theo ông Long là đến từ chính các cấp lãnh đạo tỉnh để rồi từ đó truyền lửa đến đội ngũ các phòng ban, sở ngành, địa phương, đưa công cuộc cải cách môi trường kinh doanh của tỉnh đi đến những kết quả tốt nhất.

Bên cạnh đó là việc thường xuyên tìm tòi, đưa ra các sáng kiến, giải pháp mới ngày càng gắn với nhu cầu thực tiễn, mong muốn của doanh nghiệp. Đặc biệt, trong thời gian qua, Quảng Ninh đã nghiên cứu, mạnh dạn đưa nhiều mô hình mới vào vận hành một cách thực chất và hiệu quả, điển hình như Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA), và chính quyền điện tử.

Một fanpage về PCI trên mạng xã hội của tỉnh Quảng Ninh cũng đã được lập nên để sự tương tác giữa doanh nghiệp với các sở ngành được thuận lợi hơn. Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, đây cũng là sự dũng cảm của tỉnh trong việc lắng nghe, tương tác trực tiếp với các doanh nghiệp trên mạng xã hội. Qua đó, mọi thông tin được trao đổi một cách nhanh nhất và xử lý kịp thời khi có bất cứ vướng mắc nào xảy ra.

Những nỗ lực này có lẽ cũng chính là lý do cho việc năm 2017, Quảng Ninh đứng đầu 63 tỉnh, thành phố về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); đứng thứ 5 về chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS); đứng vị trí thứ 32 về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tăng 30 bậc so với năm 2016; đứng thứ 4 về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index).

Ngoài ra, tỉnh này cũng đã tập trung hoàn thiện Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn; hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xin phép thành lập khu kinh tế ven biển Quảng Yên, với những cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội; và tập trung triển khai đề án xây dựng mô hình thành phố thông minh.

Bên cạnh đó, nhiều dự án, công trình đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, mang tính động lực đã và đang được tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trong sáu tháng qua, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án, với tổng mức đăng ký đầu tư trên 9.607 tỷ đồng. Có 1.300 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký 10.300 tỷ đồng, tăng 139%; đến nay toàn tỉnh có 16.450 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là 155.850 tỷ đồng.

Theo bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh (IPA), Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước áp dụng các mô hình, phương thức mới trong thu hút đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm theo hình thức đầu tư PPP như: đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn; đẩy nhanh xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh... nhằm tạo thuận lợi tối ưu cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Quảng Ninh ghi nhận đột phá trong phát triển kinh tế 1
Bà Vũ Thị Kim Chi

Đặc biệt, ngày 11/7/2018, tỉnh Quảng Ninh đã đón chuyến bay đầu tiên đến cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Tỉnh này cũng đang tích cực chuẩn bị thủ tục đầu tư để sớm khởi công các dự án gồm: đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và triển khai lập dự án hầm đường bộ qua Vịnh Cửa Lục.

Bà Chi cho biết, một yếu tố khác cũng không kém quan trọng được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chú trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, nhất là đội ngũ quản trị, những người đứng đầu để từ đó có những giải pháp, quyết sách phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp nhưng phải luôn song hành với lợi ích của người dân trong dài hạn, nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế, chính sách thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng.

Có thể nói, sự quyết liệt từ chính quyền trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, kết nối và lắng nghe doanh nghiệp, chủ trương thu hút đầu tư các dự án lớn cùng những đột phá chiến lược đã giúp tỉnh Quảng Ninh khẳng định mạnh mẽ vai trò là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế của miền Bắc, trở thành một trong những điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư.

Trong thời gian qua, tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng mạnh và chiếm ưu thế. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xuất hiện ngày càng nhiều dự án quy mô lớn của nhiều doanh nghiệp uy tín; đặc biệt là sau khi Vân Đồn trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập với nhiều chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Dù vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng nhìn nhận những yếu kém còn tồn tại sau sáu tháng qua. Theo đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp, chưa đạt tiến độ kế hoạch năm. Chưa có giải pháp hữu hiệu được tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh tế biên mậu;

Tiến độ triển khai một số dự án, công trình, nhiệm vụ trong tâm còn chậm so với yêu cầu; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, đô thị, tài nguyên, môi trường còn một số hạn chế; tốc độ thu thuế, phí bình quân của một số địa phương chưa đạt dự toán giao đầu năm, ảnh hưởng đến cân đối chi thương xuyên.

Ông Nguyễn Đức Long cho biết trong năm 2018, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP 10,6%, góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 11 - 12%/năm.

Để làm được điều đó, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm trong sáu tháng tới sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện thúc nẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Ngoài ra, ông Long cho biết, tỉnh cũng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đô thị, tài nguyên, môi trường; và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn sau khi được Quốc hội thông qua.