Những nhân tố làm đảo lộn kịch bản phục hồi ngành hàng không

Phương Linh - 15:37, 27/05/2022

TheLEADERVề quản trị tài chính, các hãng hàng không sẽ phải xử lý hài hòa giữa một bên là chi phí vận hành tăng cao trong khi phải đặt giá vé thấp để kích cầu.

Những nhân tố làm đảo lộn kịch bản phục hồi ngành hàng không
Ngành hàng không được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong năm 2022

Tiếp tục đối diện nhiều khó khăn

Từ một ngành đang có tốc độ phát triển cao với khoảng 38,3 triệu chuyến bay, 4,5 tỷ lượt hành khách và hơn 58 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển năm 2019, ngành hàng không toàn thế giới đã lâm vào khủng hoảng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, lượng khách vận tải hàng không sụt giảm mạnh từ 4,5 tỷ khách năm 2019 xuống còn 1,8 tỷ năm 2020 và 2,4 tỷ năm 2021. 

Sự sụt giảm trong doanh thu dẫn đến trình trạng lỗ trong kinh doanh ở hầu hết các hãng hàng không. Theo ước tính của McKinsey, riêng các hãng hàng không đã lỗ 168 tỷ USD trong năm 2020, chiếm tới 73% trong tổng số lỗ 230 tỷ USD của ngành hàng không. 

Không chỉ thua lỗ, các hãng hàng không phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh rơi vào trạng thái âm trong suốt thời kỳ đại dịch do không bán được vé nhưng vẫn phải chi trả nhiều khoản chi phí để duy trì hoạt động.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đại dịch đã phần nào được kiểm soát và các hoạt động kinh tế xã hội đã phục hồi ở trạng thái bình thường mới, song theo TS.Nguyễn Đức Kiên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ngành hàng không vẫn được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong năm 2022. 

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế, trên toàn thế giới, lượng khách vận chuyển 4 tháng đầu năm 2022 mới đạt mức khoảng 60% so với năm 2019. Tốc độ phục hồi cũng khác nhau giữa thị trường khách quốc tế (đạt mức 40% so với năm 2019) và khách nội địa (đạt mức 80% so với năm 2019), giữa các khu vực, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mức thấp nhất (khoảng 50% so với năm 2019). 

Ông Kiên chỉ ra hai thách thức căn bản mà ngành hàng không sẽ còn đối mặt. Thứ nhất, nhu cầu di chuyển cho mục đích du lịch tăng trở lại sớm hơn so với nhu cầu di chuyển cho mục đích công việc bởi vì sau khi phục hồi, nhu cầu làm việc từ xa sẽ trở thành một xu thế mới. 

Trong khi đó, đối với các hãng hàng không, lợi nhuận chủ yếu đến lại từ các loại vé bán cho mục đích công việc. Các khách hàng di chuyển cho mục đích du lịch sẽ quan tâm hơn với những thay đổi về giá trong khi ít quan tâm tới các lịch trình bay thẳng có mức giá bán cao hơn.

Thứ hai, về quản trị tài chính, các hãng hàng không sẽ phải xử lý hài hòa giữa một bên là chi phí vận hành tăng cao trong khi phải đặt giá vé thấp để kích cầu. Ngoài ra, việc duy trì trạng thái thanh khoản cao hơn sẽ là một yếu tố bắt buộc đối với các hãng hàng không sau bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19.

Cũng như ngành hàng không thế giới, hàng không Việt Nam cũng phải đối mặt với các ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố mới phát sinh trong năm 2022, sau khi đại dịch kết thúc. Theo đó, giá dầu tăng mạnh làm cho chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không tăng lên; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; chính sách tiền tệ được thắt chặt để ứng phó với lạm phát cao. 

Các thị trường trọng yếu, chiếm tỉ trọng chính về lượng khách đi/đến Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hiện vẫn duy trì các chính sách hạn chế về xuất nhập cảnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đang thực hiện chính sách "zero-Covid". 

Tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế vẫn còn hạn chế, bốn tháng đầu năm 2022 mới đạt khoảng gần 7% cùng kỳ 2019 và cả năm 2022 dự kiến chỉ đạt gần 1/3 so với năm 2019. Thị trường quốc tế được dự kiến phục hồi tương đương với mức năm 2019 từ 2025, tốc độ hồi phục sẽ dần từ Đông Nam Á đến Đông Bắc Á và châu Âu. 

Tổng thị trường quốc tế (bao gồm thuê chuyến) dự kiến đến năm 2025 đạt 39,4 triệu lượt khách, trong khi nội địa đạt 44,1 triệu lượt khách. Khi đó, tổng thị trường vận tải hành khách sẽ hồi phục về mức 2019 vào năm 2024 với 78 triệu lượt khách.

Dưới góc nhìn khác, GS. Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thách thức trên con đường phục hồi của ngành hàng không Việt Nam còn liên quan đến “sức khỏe" tài chính của các hãng hàng không. Cho đến nay, số liệu về những khoản lỗ khổng lồ do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch vẫn đang “đeo bám” các hãng hàng không lớn.

Thách thức của ngành hàng không chưa kết thúc 1
GS. Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Bên cạnh đó, hiện đang có ít nhất hai nhân tố đang làm đảo lộn các kịch bản phục hồi và phát triển ngành hàng không. 

Thứ nhất, giá nhiên liệu biến động là một trong những thách thức lớn đối với ngành hàng không bởi nhiên liệu lần lượt chiếm 29% và 43% tổng chi phí bình quân của Vietnam Airlines và Vietjet trong giai đoạn 2015 – 2019, giá nhiên liệu máy bay tăng sẽ tác động lớn tới giá vé trong năm 2022. 

Thứ hai, chiến sự căng thẳng tại Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn khiến nhiều hãng bay phải thay đổi lộ trình tránh không phận hai nước này để bảo đảm an toàn khai thác, làm tốn thêm chi phí và thời gian.

Mặt khác, một “điểm nghẽn” cần quan tâm nữa là khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, nhất là du lịch trong nước bật tăng trở lại sẽ dẫn đến quá tải hạ tầng. Cùng với sự khởi sắc nhanh chóng của số chuyến bay thực hiện thành công, tỷ lệ bay đúng giờ của các hãng bay đều sụt giảm mạnh, tại một số thời điểm có hiện tượng ùn tắc do quá tải, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất.

Để hàng không có thể dẫn sóng phục hồi

Theo ông Đạt, hàng không và du lịch được xác định là những ngành mũi nhọn của quốc gia. Vận tải hàng không giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, chuỗi cung ứng, là nền tảng mang tính ‘’mở đường’’, “đi trước một bước” cho nhiều lĩnh vực logistics, du lịch, xuất – nhập khẩu, đầu tư. 

Để hàng không tiếp tục vượt qua giai đoạn khó khăn, tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai, ông Đạt cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh các gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Trên quan điểm công bằng và hiệu quả, hàng không, du lịch và một số ngành dịch vụ có liên quan cần được coi là những ngành ưu tiên hàng đầu vay với mức lãi suất ưu đãi, thời hạn ít nhất trong 23 năm để vực dậy hai ngành vốn bị ảnh hưởng nặng nhất đến kiệt quệ này. 

Đồng thời, Chính phủ cần cân nhắc việc xem xét giảm một số chi phí để hạn chế một phần nào tác động của việc tăng giá xăng dầu, nhiên liệu bay thông qua cân nhắc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy; cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không.

Ngành hàng không, du lịch, dịch vụ cần tạo thành liên kết chuỗi giá trị. Khi kinh tế phục hồi, việc làm và thu nhập sẽ gia tăng, nhu cầu du lịch và đi lại hàng không bị nén căng trong thời gian qua sẽ sớm bật dậy. Do đó, theo ông Đạt, cần đẩy mạnh các biện pháp kích cầu để thu hút người dân du lịch trong nước, tăng nguồn thu cho các địa phương. 

Việc liên kết, tạo ra chuỗi giá trị hàng không du lịch dịch vụ sẽ tạo cơ hội cho cả ngành du lịch, hãng hàng không, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước phục hồi và phát triển. 

Thống kê cho thấy có tới 70% khách đi hàng không là du lịch, do vậy ‘’mở đường’’ hàng không sẽ tạo điều kiện lớn cho du lịch phục hồi mạnh, từ đó tạo tác động lan tỏa tích cực đối với các ngành kinh tế có liên quan như bán lẻ, nhà hàng, khách sạn… và ngược lại nhu cầu du lịch, dịch vụ phát triển lại mang nguồn khách rất lớn cho ngành hàng không. 

Liên kết chuỗi giá trị: hàng không – du lịch – dịch vụ cũng cần tính đến xu hướng du lịch mới thời kỳ hậu đại dịch theo hướng cá nhân hóa, thân thiện môi trường, an toàn sức khỏe,…

Mặt khác, về chính sách, Việt Nam cần nghiên cứu mở rộng diện miễn visa tới nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ hơn thì mới có thể mở rộng được thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc tế với nhiều quốc gia.

Về cơ sở hạ tầng, kể cả trước khi có đại dịch Covid19, hạ tầng sân bay đã luôn ở tình trạng quá tải, chất lượng phục vụ thấp. Trong quá trình Covid19, “điểm nghẽn’’ nóng này đã bị lãng quên. Nhưng với sự phục hồi mới ở giai đoạn bắt đầu đã có những dấu hiệu cảnh báo hiện tượng quá tải hạ tầng sân bay sẽ sớm trở lại. 

Chính vì vậy, Chính phủ cần triển khai ngay các biện pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết bài toán này với chủ trương nhất quán là thực hiện xã hội hóa.

Về phía các hãng hàng không Việt, ông Đạt cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động có giải pháp khắc phục và thích ứng linh hoạt như tái cơ cấu đội bay, tái cơ cấu nguồn vốn, xây dựng các kịch bản khác nhau để điều hành sản xuất kinh doanh để tận dụng thời cơ nhanh chóng phục hồi và bứt phá giai đoạn hậu Covid-19.