Tiêu điểm
Niềm tin của doanh nghiệp tăng đột biến
Doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng đột biến trong tám tháng qua với hơn 25%, cho thấy sự gia tăng niềm tin của doanh nghiệp vào các tín hiệu kinh tế tích cực.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực trong tháng 8 và tám tháng đầu năm nay, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê vừa công bố.
Sản xuất công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng
Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực chính của nền kinh tế, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng qua, chỉ số này tăng 8,6%.
Ngành chế biến, chế tạo – trụ cột quan trọng nhất của công nghiệp Việt Nam trong năm nay – ghi nhận mức tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, với các ngành như cao su và nhựa tăng 29,5%, dệt may tăng 13,4%, và sản xuất kim loại tăng 13,2% nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng.
Trong khi đó, ngành khai khoáng giảm 6% trong tám tháng đầu năm.
Xuất khẩu tăng mạnh
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 37,6 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong tám tháng đầu năm nay lên 265 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng chủ lực như điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu, khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 giảm 2,4%, xuống còn 33 tỷ USD. Sự sụt giảm nhập khẩu cho thấy tín hiệu về sự chững lại trong nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước đối với nguyên liệu và thiết bị đầu vào trong tháng vừa qua. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu tám tháng đầu năm nay vẫn đạt 246 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này giúp duy trì xuất siêu 19 tỷ USD trong tám tháng đầu năm.
Doanh nghiệp quay lại tăng đột biến
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đạt 14,15 tỷ USD trong tám tháng đầu năm nay, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, và đạt mức cao nhất trong năm năm qua.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, chiếm 79,7% tổng vốn FDI thực hiện.
Bên cạnh vốn FDI, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tám tháng đầu năm nay đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng mạnh 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, báo cáo vào cuối tháng 7 của Tổng cục Thống kê, con số này chỉ tăng nhẹ gần 5%.
Tín hiệu này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng phát triển của nền kinh tế tăng mạnh.
Thêm nữa, trong khoảng thời gian này, cả nước có khoảng 168,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động, tăng mạnh gần 13% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khoảng 135,3 nghìn doanh nghiệp. Đáng chú ý, con số này so với cùng kỳ năm trước ngày càng thu hẹp mức tăng chỉ còn 8,5% thay vì hơn 11% như trong tháng Bảy.
Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu
Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 ổn định, với mức tăng 1,89% so với cuối năm ngoái. Áp lực lạm phát vẫn là mối lo ngại, đặc biệt từ các nhóm lương thực, thực phẩm và dịch vụ y tế.
Đây cũng là một trong những thách thức của nền kinh tế trong những tháng cuối năm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phiên họp thường kỳ cuối tháng 8.
Trong 11 nhóm hàng hóa và tiêu dùng chính, chỉ có nhóm giao thông ghi nhận chỉ số giá giảm, giúp kiềm chế lạm phát. Điều này là nhờ giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, với giá xăng giảm gần 6% và giá dầu diesel giảm 7%, phù hợp với xu hướng trên thị trường thế giới.
Áp lực cũng được thể hiện qua chỉ số lạm phát cơ bản, dù đã loại trừ các yếu tố biến động lớn như thực phẩm và năng lượng, vẫn tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng chi phí trong các dịch vụ thiết yếu như y tế và giáo dục tiếp tục tạo ra gánh nặng cho người dân, và nếu không được kiểm soát, có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng và chi tiêu của hộ gia đình trong các tháng tới.
Ngành du lịch phục hồi không đồng đều
Du lịch – một trong những ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch – đã phục hồi mạnh mẽ trong tám tháng đầu năm nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.148,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3%.
Nổi bật là doanh thu du lịch lữ hành tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào chính sách thị thực thuận lợi và các chiến dịch quảng bá du lịch hiệu quả.
Tuy nhiên, mức độ phục hồi chưa đồng đều giữa các địa phương. Một số khu vực ghi nhận tăng trưởng thấp hơn, điều này cho thấy tiềm năng phát triển chưa được khai thác hết và cần có sự cân đối trong chiến lược phát triển du lịch toàn diện.
Kinh tế Việt Nam trong tháng 8 và tám tháng đầu năm 2024 đã có những thành tựu lớn, với sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và vốn FDI, sự gia tăng niềm tin của doanh nghiệp là những điểm sáng.
Tuy nhiên, các thách thức như khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và áp lực lạm phát, rủi ro trong thị trường tài chính, tiền tệ và bất động sản toàn cầu, cùng với dự báo tăng trưởng và thương mại toàn cầu chưa ổn định, vẫn đòi hỏi sự linh hoạt trong các chính sách điều hành kinh tế và có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn.
Bên cạnh đó, để duy trì đà tăng trưởng, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo ổn định trong dài hạn.
Ngành sản xuất duy trì tăng trưởng cao
Rủi ro bủa vây tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay lại thời điểm trước đại dịch do độ trễ tác động của chính sách tiền tệ và tăng trưởng tiêu dùng chưa có bước đột phá trên thị trường toàn cầu.
Từ phục hồi rừng đến lợi nhuận: Mô hình kinh tế bền vững
Phục hồi rừng nhiệt đới không chỉ tái sinh sự sống mà còn mở ra một hướng đi mới cho phát triển kinh tế, biến thiên nhiên thành nguồn lợi nhuận lâu dài và bền vững.
Các chỉ báo kinh tế đan xen hy vọng và thách thức
Kinh tế Việt Nam trong bảy tháng đầu năm nay thể hiện sự kết hợp giữa những tín hiệu khả quan và các vấn đề cần giải quyết, phản ánh thực trạng đa chiều.
V-Green cùng Prime Group phát triển 100.000 trạm sạc VinFast tại Indonesia
V-Green và Tập đoàn đa ngành Prime Group, thông qua công ty con tại UAE, công bố biên bản ghi nhớ (MoU) về việc phát triển trạm sạc xe điện VinFast tại Indonesia.
Vườn cam FVF: Điển hình nông nghiệp xanh bền vững từ Tập đoàn TH
Dự án phát triển vườn cam thương hiệu FVF trên diện tích tập trung lớn của Tập đoàn TH có thể xem như một điển hình về ứng dụng công nghệ hiện đại phát triển nông nghiệp xanh bền vững.
OceanBank đổi tên, có lãnh đạo mới từ MB
Oceanbank sẽ đổi tên và có chủ tịch, tổng giám đốc mới là nhân sự từ ngân hàng Quân đội.
Khách hàng SHB cần bổ sung sinh trắc học trước 31/12/2024
Chỉ còn khoảng ba tuần, để giao dịch tài chính không bị gián đoạn, SHB một lần nữa khuyến nghị khách hàng sớm bổ sung thông tin sinh trắc học và trước ngày 31/12/2024.
PVcomBank tặng xe cứu thương cho bệnh viện Đa khoa Vân Đình
PVcomBank đã tặng Bệnh viện Đa khoa Vân Đình một xe cứu thương Ford Transit đi kèm trang thiết bị y tế chất lượng cao, tổng giá trị lên tới 1,5 tỷ đồng.
Chọn bất động sản xanh tại nội đô: Dự án đáng sống nhất Tây Nam Linh Đàm
Dịch chuyển tới ven đô để tận hưởng các yếu tố xanh là điều thường thấy, nhưng với những cư dân nội đô, dự án căn hộ nào sẽ là lựa chọn hàng đầu khi xu hướng bất động sản xanh là không thể đảo ngược?
Giá chung cư Hà Nội khó giảm
Giá chung cư Hà Nội không còn tình trạng sốt nóng như nhiều tháng trước.