Ninh Thuận dồn lực cho kinh tế biển

Nguyễn Cảnh - 10:31, 21/09/2022

TheLEADERTheo kế hoạch đến năm 2025, tầm nhìn tới 2030, Ninh Thuận đặt mục tiêu trở thành tỉnh mạnh về biển trong khu vực, tập trung huy động mọi nguồn lực để kinh tế biển trở thành động lực phát triển.

Ninh Thuận dồn lực cho kinh tế biển
Ninh Thuận ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch trọng điểm và các vùng có tiềm năng phát triển du lịch biển, nhất là các khu vực Bình Tiên – Vĩnh Hy, Bình Sơn – Ninh Chữ, Hòn Đỏ, Đầm Nại, Mũi Dinh – Cà Ná để sớm hình thành các khu du lịch có đẳng cấp cao.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa lên kế hoạch triển khai đề án "Phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với nhiều nội dung quan trọng.

Giai đoạn 2021-2025, Ninh Thuận phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 15-16%, huy động tổng vốn đầu tư cho kinh tế biển khoảng 61-62 nghìn tỷ đồng. Tới năm 2025, kinh tế biển chiếm 41-42% tổng sản phẩm nội tỉnh (trong đó, năng lượng ven biển chiếm 35-36%, công nghiệp ven biển 16-17%, đô thị, dịch vụ du lịch biển 16-17%...).

Tới năm 2030, Ninh Thuận định hướng trở thành tỉnh mạnh về biển, cơ bản đạt tiêu chí về phát triển bền vững, kinh tế biển chiếm 45-46% tổng sản phẩm nội tỉnh.

Các nhóm ngành kinh tế biển được xác định lộ trình phát triển cụ thể: Về năng lượng, năng lượng tái tạo, tập trung triển khai đề án phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná giai đoạn 1 (quy mô 1.500MW), các dự án điện gió, điện mặt trời, công trình hạ tầng truyền tải điện 500kV, 220kV.

Bên cạnh đó, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, lựa chọn dự án có chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt, khả thi cao gắn với đầu tư lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa đồng bộ công suất các dự án điện trên địa bàn.

Phát triển đô thị, du lịch biển và các loại hình dịch vụ biển cũng là một nội dung đáng chú ý. Theo đó, Sở ngành địa phương đa dạng hóa các nguồn lực ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch trọng điểm và các vùng có tiềm năng phát triển du lịch biển, nhất là các khu vực Bình Tiên – Vĩnh Hy, Bình Sơn – Ninh Chữ, Hòn Đỏ, Đầm Nại, Mũi Dinh – Cà Ná để sớm hình thành các khu du lịch có đẳng cấp cao.

Sở Văn hóa thể thao và du lịch sẽ tập trung kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch biển, du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch mới lạ và có khả năng cạnh tranh cao như: Du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển (nghỉ dưỡng và tắm biển, trải nghiệm khám phá hệ sinh thái san hô Vĩnh Hy, Hòn Đỏ…), du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa, khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa, khám phá và vui chơi giải trí cát – muối…

Về kinh tế hàng hải, địa phương dự kiến kêu gọi đầu tư các bến cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng thuộc dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná phù hợp nhu cầu và tình hình thực tế. Qua đó, vừa khai thác hiệu quả lợi thế cảng biển gắn với phát triển công nghiệp của tỉnh và các tỉnh Nam Tây nguyên, vừa đảm bảo khả thi, hài hòa, tránh xung đột trong quản lý, khai thác Cảng biển tổng hợp.

Ngoài ra, tỉnh cũng có kế hoạch đề nghị Bộ, ngành Trung ương chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trung tâm logistics tại Cà Ná (Trung tâm logistics hạng II) thuộc quy hoạch phát triển hệ thống logistics VIệt Nam, làm cơ sở tích hợp vào quy hoạch tỉnh, phục vụ phát triển ngành sản xuất, vận tải và tăng năng lực khai thác cảng tổng hợp Cà Ná.

Theo địa bàn, Ninh Thuận xác định khu vực ven biển phía Bắc (gồm các xã ven biển như Công Hải, Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải và một phần xã Tri Hải) có chức năng phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và trải nghiệm, đô thị du lịch, du lịch sinh thái gắn với khai thác hiệu quả Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.

Khu vực ven biển trung tâm gồm khu vực ven biển Ninh Chữ - Đầm Nại gắn với động lực phát triển kinh tế - xã hội TP. Phan Rang – Tháp Chàm; phát triển dịch vụ du lịch tại các khu vực ven biển Ninh Chữ - Đầm Nại và phía Nam sông Dinh.

Đối với khu vực ven biển phía Nam (các huyện Thuận Nam, Ninh Phước), tỉnh sẽ hướng tới phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó động lực chính là Cảng biển tổng hợp Cà Ná, tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và các khu đô thị mới. Đặc biệt, phát triển khu vực Mũi Dinh thành trọng điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp phía Nam của tỉnh.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao sở ngành, đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng phê duyệt.