Tài chính
Nợ xấu ở ngân hàng Quốc Dân đang được xử lý như thế nào?
Ngoài 6.500 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC, ngân hàng Quốc Dân còn ghi nhận phải thu khoảng 3.000 tỷ đồng từ các công ty mua bán nợ khác.
Thời điểm cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) lên tới trên 6% và ngân hàng bị xếp vào nhóm các ngân hàng phải tái cơ cấu. Đề xuất phương án ‘tự tái cấu trúc’ và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Navibank sau đó đổi tên thành ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).
Quá trình tự tái cấu trúc của NCB được thể hiện rõ nhất qua việc thay đổi cổ đông chính của ngân hàng. Theo đó, nhóm cổ đông cũ của ông Đặng Thành Tâm nhường chỗ nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ tịch Gami Group. Đây là một tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và mua bán ô tô. Ông Dũng chính thức trở thành chủ tịch của NCB từ cuối năm 2017, trước đó 4 năm ngân hàng được điều hành bởi bà Trần Hải Anh, vợ ông Dũng.
Kể từ khi nhóm cổ đông mới tiếp quản ngân hàng, nợ xấu của NCB được báo cáo đã giảm mạnh. Từ mức 6% năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của NCB năm 2014 là 2,5% và tới nửa đầu năm nay còn 2,1% và đáp ứng đúng quy định dưới 3% của Ngân hàng Nhà nước.
Nợ xấu giảm nhanh nhờ ngân hàng tích cực bán các khoản nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của Tổ chức tín dụng (VAMC). Theo báo cáo gần nhất, NCB ghi nhận nắm giữ gần 6.500 tỷ đồng trái phiếu của công ty VAMC. Đây là số nợ xấu ngân hàng bán cho VAMC từ năm 2013, để nắm giữ các trái phiếu không có lãi suất.
Khác với nhiều ngân hàng tích cực dự phòng cho các trái phiếu này sau đó mua lại và xóa khỏi bảng cân đối tài sản, quy mô dự phòng của NCB hiện tại chỉ khoảng 90 tỷ đồng. Năm ngoái các trái phiếu này của NCB đã được kéo dài thời hạn thêm 5 năm, sẽ đáo hạn từ năm 2023 – 2027, giúp ngân hàng có thêm thời gian xử lý.
Trên thực tế, từ năm 2014 đến nay, theo quy định của đề án tái cấu trúc ngân hàng, NCB đã phải dành gần 500 tỷ đồng lợi nhuận để xử lý nợ và tài sản có vấn đề, bên cạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thông thường đối với các khoản cho vay mới.
Ngoài việc bán nợ cho VAMC, trong các năm gần đây NCB thực hiện nhiều giao dịch với các công ty mua bán nợ khác. Tuy vậy thay vì nhận được tiền mặt từ các giao dịch này, ngân hàng phải ghi nhận hàng nghìn tỷ phải thu từ các công ty mua bán.
Cụ thể, theo báo cáo của ngân hàng đến cuối tháng 6, tổng giá trị ngân hàng phải thu của nhóm công ty mua bán nợ này khoảng 3.000 tỷ đồng. Bao gồm Công ty mua bán nợ Quốc tế (1.539 tỷ đồng), Công ty mua bán nợ miền Bắc (786 tỷ đồng), Công ty mua bán nợ Thế hệ mới (685 tỷ đồng).
Các giao dịch này này khiến tổng giá trị các khoản phải thu của NCB tăng gấp 4 lần từ năm 2014 đến nay. Cộng thêm các khoản lãi, phí phải thu hàng nghìn tỷ đồng và tài sản có khác chờ phân bổ rất lớn, tổng giá trị các tài sản có khác của NCB hiện lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm 14% tổng tài sản của ngân hàng. Tuy vậy ngân hàng dự phòng rất ít cho khối tài sản phải thu này.
Trước khi giao dịch với các công ty bên trên, NCB đã bán nợ cho Công ty mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của ngân hàng An Bình (AB Bank).
Báo cáo của ngân hàng cho biết, các chính sách kế toán liên quan đến hoạt động mua bán nợ cũng như hoạt động cho vay; trích lập dự phòng liên quan của ngân hàng nằm trong đề án tái cấu trúc đang được trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trong khi việc xử lý nợ xấu chưa có dấu hiệu tích cực, NCB vẫn chưa tăng được vốn chủ sở hữu để có thêm nguồn tiền thực chảy vào ngân hàng.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ của ngân hàng nhiều năm qua đều không thành công. Trong ĐHCĐ đầu năm nay, NCB cũng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ. Kế hoạch tăng vốn này sẽ có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ngân hàng chưa công bố thêm thông tin nào về đợt tăng vốn này.
Tái cấu trúc ngân hàng Quốc Dân lần thứ 2
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Giải mã sức hút của shophouse Nghi Sơn Central Park
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas theo đuổi các dự án khí tại Bắc Bộ
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ nơi 'tọa độ kim cương' của Phổ Yên chính thức lộ diện
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực