Nông sản Việt vẫn phụ thuộc quá nhiều vào các 'ông tơ, bà mối' Trung Quốc'

Quỳnh Chi - 08:34, 06/06/2018

TheLEADERThương lái Trung Quốc vào đến tận vùng sâu, vùng xa, đến bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam và họ giỏi hơn chúng ta bởi họ biết Việt Nam có gì ngon nhất, thời điểm nào thu hoạch tốt nhất để thu mua.

Nông sản Việt vẫn phụ thuộc quá nhiều vào các 'ông tơ, bà mối' Trung Quốc'
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico.

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam chuyên đề nông nghiệp. Nhìn lại hơn 20 năm kinh nghiệm làm thương lái bôn ba khắp mọi miền để buôn bán các mặt hàng nông sản Việt sang Trung Quốc, bà Thực thừa nhận phải thầm cảm ơn các nhà buôn nước này vì đã truyền cho mình nhiều kinh nghiệm trên thương trường.

Đơn cử như việc mua quả vải, thông qua thương lái Trung Quốc, bà biết được thời điểm thu mua vải thiều tốt nhất là từ sau 7h sáng đến không quá 10h trưa, bởi vải trước 7h là vải tồn của ngày hôm trước còn sau 10h là lúc chất lượng vài bị kém đi.

"Có những câu chuyện ở đó nhà khoa học cần số hoá, còn chúng tôi làm thực tế. Bà con Lục Ngạn làm được như ngày hôm nay cũng nhờ rất nhiều từ kinh nghiệm của thương lái Trung Quốc", bà Thực nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bagico còn cho biết, thương lái Trung Quốc không chỉ buôn bán nông sản thô mà còn là đầu nậu phân phối cả các thiết bị công nghệ, họ biết mua gì và mua ở đâu cho tốt. Do đó, bà Thực cho rằng nếu tận dụng được lực lượng này, nông nghiệp Việt Nam sẽ có thêm được phần giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận câu chuyện này ở một khía cạnh khác, có thể thấy sự vươn mình của nhiều sản phẩm nông sản Việt lại đang phụ thuộc quá nhiều vào các "ông tơ, bà mối" người Trung Quốc.

Cụ thể hiện nay, số lượng thương lái Việt tham gia vào khâu thu mua tận gốc không còn nhiều như trước, thay vào đó là các thương lái người Trung Quốc. Trong khi đó, bà Thực nhìn nhận nông sản Việt lại đang chẳng khác nào một "cô gái quê danh giá chờ người đến tán tỉnh".

Có lẽ, đây cũng chính là lý do tại sao các nhà buôn người Trung Quốc nắm rất rõ thông tin về sản phẩm của Việt Nam, họ biết được sản sản phẩm nào là ngon nhất và thời điểm nào là thích hợp nhất để thu mua.

Do đó, bà Thực cho rằng Việt Nam cần nghiêm túc suy nghĩ lại về việc chủ động mang nông sản Việt trực tiếp đến tay người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là một thị trường gần và lớn như Trung Quốc.

"Muốn bán hàng thì cần đến chợ, và một trong những cái chợ lớn nhất hiện nay là Trung Quốc; tuy nhiên, nông sản Việt Nam hiện không có gian hàng nào ở đó; tất cả việc bán hàng sang Trung Quốc chỉ được thực hiện qua các thương lái", bà Thực cho biết. 

Như đánh giá của tiến sỹ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc hiện là một thị trường lớn và tiềm năng đối với nông sản Việt Nam. Dân số Trung Quốc đang tăng lên mạnh và nhu cầu đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy, sản, đặc biệt gạo và rau quả là rất cao. 

Trong khi đó, bà Thực cho rằng Việt Nam hiện mới chỉ làm tốt ở khâu nguyên liệu; quan tâm nhiều ở khâu cung ứng nhưng lại đang bỏ lỡ các khâu khác. 

Theo đó, nếu muốn dẫn dắt thị trường nông sản, người Việt cần dẫn dắt cả khâu sản xuất, đặc biệt tận dụng sự hỗ trợ của thương mại điện tử trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ.