Ông Bảy Thành Vinasun và những cuộc phiêu lưu thú vị

Kim Yến - 09:39, 08/07/2020

TheLEADERHơn 10 năm bền bỉ với việc xây dựng Phương Nam Linh Từ, một “cố đô Huế giữa lòng Nam Bộ” và hơn 20 năm đam mê trồng bưởi da xanh trên vùng đất thép Củ Chi là những cuộc phiêu lưu ít người biết về doanh nhân Đặng Phước Thành - Chủ tịch Vinasun.

Mỗi lần gặp ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch Vinasun mà bạn bè thân vẫn gọi là Bảy Thành lại được chứng kiến một câu chuyện bất ngờ, thú vị không liên quan gì đến taxi. 

Đằng sau biết bao nhiêu tâm huyết, công sức, tiền của là cuộc phiên lưu đầy trách nhiệm với quê hương, với tiền nhân và cả những người nông dân chân lấm tay bùn đã chia sẻ với mình những ngày khốn khó.

Hơn 20 năm nay, ông âm thầm bước vào cuộc phiên lưu mới, đó là làm sao giúp cho người nông dân sống được đàng hoàng trên mảnh đất của mình. 

Đến với khu du lịch sinh thái Tam Tân Củ Chi, nơi xưa kia chỉ là đồng khô cỏ cháy, đất nhiễm phèn nặng chỉ có cỏ năn cỏ lác sống được, không khỏi ngỡ ngàng trước những vườn bưởi da xanh trĩu quả rộng 120ha được tổ chức trồng theo quy trình hữu cơ và tưới tự động.

Nhiều cặp vợ chồng nông dân ở đây tâm sự, mỗi năm được thưởng đến 400-500 triệu đồng, có hộ còn được thưởng cả một chiếc xe SH nhờ chăm sóc tốt, cây bưởi đạt sản lượng cao, trái ngọt.

“Nếu đời thường, lao vào kinh tế quá thì sẽ là nô lệ đồng tiền, phải xử lý bằng cách vui thú điền viên và làm gì cho đất nước”, ông tâm niệm.

Phương Nam Linh Từ: “Để lại cho đời cái gì để nhớ để thương”

Quần thể Nam Phương Linh Từ được khởi công xây dựng từ 2009 trên diện tích 5ha, tọa lạc tại xã Long Hưng A, Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng, do ông Bảy Thành phát tâm xây dựng.

Là người con của vùng sông nước Cửu Long, gần 40 năm trước, khi phải rời xa quê hương lên TP.HCM lập nghiệp, ông Đặng Phước Thành luôn tâm niệm khi có điều kiện sẽ trở về quê nhà, cố gắng làm một việc gì đó vừa có ích cho hiện tại mà cũng có thể để lại cho mai sau.

Ông Bảy Thành Vinasun và những cuộc phiên lưu thú vị
Ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch Vinasun.

Nam Phương Linh Từ được xây dựng theo kiến trúc nhà cổ - gỗ với phong cách nhà rường truyền thống Huế, mang đậm dấu ấn cung đình triều Nguyễn. 

Đền có 7 gian, 2 chái, 3 lòng với mái hạ và hàng hiên bao quanh diện tích 509m2 với 60 cây cột (đường kính từ 0,45m trở lên). Các hệ thống cửa, bao lam, phù điêu, hoành phi, câu đối đều sử dụng loại gỗ danh mộc, được chạm khắc rất nghệ thuật và công phu.

Đây là một kiến trúc độc lập nằm trong quần thể các công trình khác (tổng diện tích lên đến 5ha, trong đó diện tích sân đỗ máy bay trực thăng, 2 bãi xe ô tô và sân hành lễ lên đến 3ha). 

Có những dãy trường lang (hành lang có mái che) bao bọc xung quanh công trình với tổng chiều dài 670m và 240 cây cột gỗ (toàn công trình có 540 cột).

Ngoài Nam Phương Linh Từ, nằm trong quần thể công trình này còn có Đền thờ Đặng tộc, Bảo tàng Đặng tộc, Bảo tàng Nam bộ và dãy trường lang (làm thành 5 châu), có 4 hồ nuôi trồng thực vật và các loài thủy sinh (4 bể), có 63 chậu mai vàng (tượng trưng cho 63 tỉnh thành Việt Nam) và 54 loài hoa kiểng, cây xanh (tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam).

Nam Phương Linh Từ thờ tự 125 nhân vật lịch sử đất phương Nam. Trong đó có 21 nhân vật thời khai hoang, mở cõi, 62 nhân vật giữ gìn, bảo vệ và 42 nhân vật làm rạng danh đất phương Nam.

Ngoài ra, Nam Phương Linh Từ còn có Nhà bảo tàng Nam bộ, trường lang, sân hành lễ, bãi đỗ trực thăng, ô tô...

Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao 2 kỷ lục cho quần thể công trình Nam Phương Linh Từ gồm đền thờ đầu tiên các vị danh nhân có công trong quá trình khai mở, gìn giữ và làm rạng danh đất phương Nam; Đền thờ có nhiều tượng đồng danh nhân lớn nhất về các nhân vật có công khai mở đất phương Nam.

Để tạo nên một quần thể kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc giữa thiên nhiên tươi đẹp, thu hút biết bao du khách trong và ngoài nước mỗi lần đặt chân đến Lấp Vò, Đồng Tháp quê hương, trong vai trò hậu duệ trực tiếp của Thủy sư đô đốc Đặng Nhân Cẩm, ông đã phải nỗ lực không ngừng để quy tụ bằng được những bậc trí thức, những nhà sử học chân chính, với những hội thảo khoa học dày đặc…. 

Chấp nhận tranh luận quyết liệt, kể cả bị hiểu lầm, bị kết tội oan, ông đã âm thầm “lội ngược dòng”, cùng với các nhà sử học vượt qua nhiều thử thách, để trả lại cho lịch sử những giá trị thật, trong khi cả một nền giáo dục đang bỏ bê môn lịch sử.

Chia sẻ về những gian truân trong quá trình chọn lựa 125 nhân vật lịch sử, nhất là việc đặt Nguyễn Ánh và Quang Trung ngang hàng trong đền thờ đã vấp phải sự chống đối khá quyết liệt của các ban ngành địa phương, ông Bảy Thành tâm sự: “Bắt đầu từ văn hóa uống nước nhớ nguồn của dân tộc, đứa con lập nghiệp phương xa muốn trở lại quê hương, làm gì đó để lại giá trị cho mai sau về tinh thần. Để tỏ lòng tri ân các nhân vật lịch sử đã xả thân cho quốc thái, dân an.

Tri ân quê hương với những đồng lúa, lũy tre, những tháng ngày tần tảo của mẹ, những nỗi nhọc nhằn của cha, ông giáo làng trong ngôi trường lẹp xẹp ở ấp Hưng Quới 2 xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp… 6 năm trời gầy dựng quần thể kiến trúc theo phong cách nhà rường đậm dấu ấn triều Nguyễn trên 5 ha này, với đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư, hơn 150 nghệ nhân đến từ cố đô Huế… là cả một quá trình gian nan, đầy thử thách, nhờ sự mách bảo của tổ tiên mới có thể kết nối được với tiền nhân.

Khó khăn nhất là thay đổi nhận thức của xã hội, của một số sở, bộ, ngành về lịch sử. Về góc độ chính trị, các nhà tuyên giáo trung ương cách đây chừng 40 năm cự tuyệt Nguyễn Ánh (vua Gia Long) có công với đất nước. Nhưng gần đây đã có sự công bằng với lịch sử.

Các vị lãnh đạo như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu khi tham dự hội thảo lịch sử của các nhà khoa học, đã nhìn nhận lại công lao mở cõi đất phương Nam của Nguyễn Ánh. Còn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì cho rằng “Người nào được dân thờ là đúng”.

Nhưng cái nhìn của những người lãnh đạo Đồng Tháp lại vẫn giữ quan điểm Nguyễn Ánh “cõng rắn cắn gà nhà”.

Về Nguyễn Huệ, người có công lớn trong cuộc chống ngoại xâm, thực hiện nhiều chính sách cải cách xây dựng đất nước, đặt nền móng cho sự thống nhất đất nước về sau. Ông đã có công đánh bại quân Xiêm tại Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang), sau đó Bắc tiến, đánh tan 20 vạn quân Thanh ở trận Ngọc Hồi - Đống Đa Hà Nội, giữ vững độc lập dân tộc.

Nguyễn Ánh, vị vua sáng lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam, người đã có công bình định, mở mang bờ cõi đất phương Nam, khai hoang vùng đất Nam Bộ, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Đảo Phú Quốc, Hoàng Sa, Trường Sa đều có chứng chỉ vua ban của Nguyễn Ánh. Nhờ ông mới có được lục tỉnh.

Rõ ràng mình phải thờ cả vua Gia Long và Nguyễn Huệ. Tôi không muốn chính trị hóa vấn đề này, dù mình là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Ai có công là tôi thờ. Các nhà khoa học có trách nhiệm giải thích, phản biện.

Tôi cũng chịu trách nhiệm về việc này. Quyết tâm xây dựng đền thờ Nam Phương Linh Từ 1000 năm sau còn tồn tại, dù chế độ có mất đi, tôi đã đặt vấn đề với các cơ quan nhà nước và các nhà khoa học về ý tưởng này và được ủng hộ, để tổ chức nhiều hội thảo khoa học.

Được sự cố vấn của giáo sư Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà sử học Cao Tự Thanh, nhà báo Nguyễn Hạnh, Phó tổng biên tập tạp chí Xưa & Nay, Ban cố vấn dự án gồm các nhà khoa học và nghiên cứu lịch sử uy tín đã trải qua nhiều tọa đàm, phản biện, bước đầu giới thiệu 125 nhân vật tiêu biểu có công với Đất Phương Nam, trong đó có Nguyễn Ánh, Huỳnh Phú Sổ… và đúc tượng đồng tỷ lệ 1/1 cho 21 nhân vật có công khai mở”.

Vì sao một nhà kinh doanh như ông lại dành nhiều tâm huyết và tiền của như thế để tái hiện lại lịch sử cha ông? Ông Bảy Thành chia sẻ đầy trăn trở: “Dân ta học sử ta” vẫn chỉ là khẩu hiệu suông thôi. Cả một hệ thống truyền thông, từ sách vở, phim ảnh đến đời sống hàng ngày đều tràn ngập sử Tàu, sử Hàn. Những dích dắc của thời kỳ phong kiến đã không được nói rõ trong các sách lịch sử.

Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh phải được nói rõ cho phân minh chuyện này. Tôi hết sức lý thú khi xây dựng đền thờ này, để các thế hệ cháu con của dòng họ Việt về đây tìm hiểu lịch sử.

Bây giờ các nhà khoa học đã lên tiếng rất mạnh mẽ, nhận thức về lịch sử Nam Bộ nói riêng, trả lịch sử cho lịch sử. Có như vậy chúng ta mới có thể dạy dỗ được con cháu mình những giá trị thật”.

Làm kinh doanh đã khó, để giữ được sự cân bằng cho chính mình, không bị cuốn theo những ồn ã của thời cuộc còn khó hơn nhiều, đòi hỏi nhà lãnh đạo phải có cái đầu lạnh, và trái tim nóng hổi vị nhân sinh. 

Theo đuổi những giá trị tinh thần giúp mình giàu có hơn trong tâm hồn, chia sẻ khó khăn với đồng loại, những người thấp cổ bé họng, những nông dân chất phác cũng là cách để ông giữ mãi phẩm chất “nhà nông” thuần hậu của mình.

“Trong kinh doanh tôi coi trọng nhất là con người. Coi trọng con người là coi trọng tài năng, sở trường của người đó và đãi ngộ xứng đáng với cống hiến của người đó cho công ty, cho công việc, như thế mới hiệu triệu được mọi người.

Với hơn 17 nghìn lao động, 6.000 đầu xe, nếu không có tầm nhìn, không áp dụng công nghệ mới liên tục, sẽ bị tụt hậu liền. Cùng với đó là giữ gìn, tạo dựng văn hóa thương hiệu, có chiến lược phát triển hợp lý. Nếu đầu tư dàn trải là chết. Phải có tư duy đi trước, bộ nhớ cực kỳ tốt, nói là làm và làm tới nơi tới chốn.

Sau những thăng trầm trong kinh doanh, tôi ý thức phải tạo sự thăng bằng trong chủ thể. Nếu đời thường, lao vào kinh tế quá thì sẽ là nô lệ của đồng tiền. Phải xử lý bằng cách vui thú điền viên, làm gì để lại cho đất nước. Cân bằng giữa đam mê tiền bạc và đam mê tinh thần trong một con người là cực kỳ khó, tôi thấy được điều đó và lúc nào cũng tạo được sự thăng bằng.

Tôi không có trợ lý gì cả, cũng không ngồi yên ở ghế văn phòng mà điều hành. Tôi đi suốt, chủ thể bản quan của mình phải làm sao thoải mái, nhưng đừng để bao giờ thất bại trong kinh doanh. Trong chừng mực nào đó, tôi thấy mình đạt đến sự tự do”, ông Bảy Thành nói.

Một số địa chỉ văn hóa tâm linh của doanh nhân lập ra sau một thời gian đã biến tướng, nghiêng về khai thác kinh doanh mà xem nhẹ yếu tố văn hóa, để có thể giữ được tinh thần ban đầu của Phương Nam Linh Từ cũng là điều ông Bảy Thành quan tâm, lo lắng.

“Tôn chỉ đầu tiên là tri ân tổ tiên, đây là mục tiêu xuyên suốt của công trình này, không chỉ cá nhân nhà đầu tư, phải làm sao cho muôn đời sau hiểu được giá trị tốt đẹp của các thế hệ đi trước. 

Ngoài đền thờ, ở đây còn có Bảo tàng Đất Phương Nam, nơi nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và lưu giữ các tài liệu hiện vật gốc, cùng mấy ha xung quanh đền để tái hiện lại các phong tục, tập quán, lối sống và công cụ sản xuất của nền văn minh lúa nước trên vùng đất mới từ khi mở cõi đến nay, để thế hệ trẻ có thể đến đây tìm hiểu, học tập về di sản của cha ông.

Tận mắt chứng kiến bà con Đồng Tháp đi thắp nhang cầu mong “ông Bảy Thành sống lâu hơn nữa để hoàn thành nơi này”, tôi thật sự cảm động. Tôi nghĩ tinh thần nhà thờ sẽ tồn tại và tồn tại mãi, mọi người con cháu của cả đất nước sẽ cùng tôi giữ gìn những giá trị thiêng liêng của cha ông mình.

Hồi xưa tôi có học triết, một vị triết gia từng nói, hãy để lại cho đời cái gì để nhớ để thương. Tôi không để cho con cháu nhiều tài sản, mà muốn để lại công trình này cho con cháu về sau, ngoài ra không vụ lợi nơi này để làm giàu có thêm nữa.

Chỉ có điều phải quản lý, quản trị thế nào để cho thế hệ mai sau duy trì, tồn tại nét du lịch văn hóa tâm linh, để có thể tự trùng tu, duy tu thôi.

Từ Bắc chí Nam có trên 1.000 nhà thờ họ Đặng, đời Trần, Lê, Nguyễn đều có những danh tướng họ Đặng có công với đất nước được vua dựng đền thờ. Tôi nghĩ dòng họ Đặng cũng như bao dòng họ khác cùng nhau xây dựng xứ sở. Họ Đặng ngộ lắm, từ Bắc chí Nam yêu thương nhau như anh em trong nhà, luôn giáo dục làm hiền tránh dữ.

Trách nhiệm của tôi trong dòng họ là xây dựng những chương trình văn hóa không để cho con em mình thất học. Một số cháu không may bị bệnh chất độc da cam cũng có kế hoạch chăm sóc.

Là hậu duệ thứ sáu của họ Đặng, tôi luôn trăn trở, dù khó khăn đến mấy vẫn quyết tâm hoàn chỉnh công trình này. Hơn 500 tỷ đồng đầu tư suốt 6 năm này, có lúc kinh doanh khó khăn, từng phải mượn nợ ngân hàng 117 tỷ đồng. 

Vượt qua những khó khăn về tài chính, về quan điểm lịch sử của các cấp chính quyền, tôi không kệ nệ, không buông bỏ.

Hình như về khoa học tâm linh, ông bà tổ tiên đã phân công tôi và tạo điều kiện cho tôi, không làm không được. Nhiều người có tiền hơn tôi, nhưng cái tâm không có động cơ thôi thúc cũng chưa chắc đã làm được”.

Bưởi da xanh Tam Tân: Thương hiệu của ông Bảy Thành

Nổi tiếng với vai trò chủ tịch Vinasun, ít ai biết ông Bảy Thành còn là một cử nhân sinh hoá, và rất đam mê với nghề nông. Âm thầm trồng bưởi da xanh từ hơn 20 năm nay trên vùng đất Củ Chi nhiễm phèn và thiếu nước, ông quyết tâm biến vùng đất thép thành nơi trồng cây ăn trái, một quyết tâm mà lúc đó ai cũng nghĩ là ông chơi ngông!

Ông Bảy Thành Vinasun và những cuộc phiên lưu thú vị 1
Ông Thành âm thầm trồng bưởi da xanh từ hơn 20 năm nay trên vùng đất Củ Chi nhiễm phèn và thiếu nước.

Bài toán đầu tiên với ông là cải tạo đất. Chở đất phù sa, đất mùn, phân hữu cơ từ Đồng Tháp lên để phủ xanh 120ha quả là một “công trình” vĩ đại. Để cải tạo đất phèn trồng bưởi da xanh, ông cho trộn rơm, phân bò, tro với đất. 

Tại một khu đất đang được ông cải tạo để trồng bưởi, chỉ sau 14 tháng cải tạo đất, đã ngốn mất 30 tỷ đồng. Để có nước ngọt tưới cây bưởi da xanh, ông phải đóng giếng sâu 170m, và sử dụng nguồn nước ngọt từ kênh Đông.

Về công nghệ, nếu để sinh trưởng tự nhiên, bưởi đến tháng 3 mới bắt đầu ra hoa, tháng 4 - 5 ra quả và tháng 10 - 11 bắt đầu thu hoạch. Tức là mỗi năm chỉ có một thời điểm trái chính, lượng cung lớn khiến cho nhiều nhà nông rời vào tình cảnh “được mùa mất giá”. 

Ông Thành đã áp dụng kỹ thuật cho cây ra hoa vào tháng 9 và thu hoạch vào tháng 5 - 6 năm sau. Khi đó các nhà vườn khác không còn bưởi để bán, nên bưởi của ông lúc nào cũng giá cao hơn so với các nhà vườn khác. 

Ông Bảy Thành Vinasun và những cuộc phiên lưu thú vị 2
Khu sinh thái Tam Tân.

Giá ngoài thị trường từ 20 - 30 ngàn đồng/kg, trong khi giá bưởi của ông là 50 ngàn đồng/kg, gần gấp đôi so với thị trường, mà người ta vẫn mua ào ào, hàng không đủ bán. Đu đủ da xanh ruột đỏ giống mới nhập từ Thái Lan về cũng ngọt hơn các vườn khác, sau hai năm bắt đầu lấy trái, bán tới 50 ngàn/kg, trong khi các vườn khác giá chỉ từ 15 - 20 ngàn đồng/kg.

Những năm đầu áp dụng cải tiến công nghệ, cải tạo đất thành công, ông thường tính lợi nhuận của vườn bưởi bằng vàng. Năm 2006 lợi nhuận là 10kg vàng, năm 2007 là 7kg vàng, năm 2008 là 8kg vàng… Đến bây giờ, thu hoạch bưởi da xanh liện tục tăng với năng suất 80 – 100kg/cây. 

Dự tính năm 2020, nông trang này cho năng suất 700 tấn bưởi da xanh. Hiện, với giá trung bình hơn 40.000 đồng/kg, ông Bảy Thành sẽ có doanh thu khoảng 30 tỷ đồng từ vườn bưởi này.

Ông Bảy Thành Vinasun và những cuộc phiên lưu thú vị 3
Vườn bưởi của ông Bảy Thành.

Ông cũng có cách bán bưởi cực kỳ độc lạ. Với hàng ngàn chiếc xe taxi đang hoạt động ở phía Nam, mỗi chiếc là một điểm phân phối bưởi da xanh cho nông trại. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt với các hãng xe công nghệ, nguồn thu này cũng giúp anh em tài xế có thêm khoản tiền nho nhỏ.

Ông Bảy Thành cho biết sản phẩm bưởi da xanh mang nhãn hiệu Tam Tân của ông đã vào các hệ thống siêu thị trong nước, chủ yếu là thị trường Hà Nội, TP.HCM… 

Do được trồng trên vùng đất có hàm lượng kali cao nên bưởi của trang trại luôn đạt mức khoảng 12 độ ngọt. Vườn nào có năng suất cao, tiết kiệm sẽ được thưởng chiếc SH và cuối năm được thưởng tiền.

Kể về những thất bại đắng cay trong những ngày đầu tiên thử nghiệm, ông chia sẻ: “Làm nông nghiệp cũng hên xui lắm. Ban đầu lên đây trồng theo tuỳ hứng, văn nghệ chơi thôi, từ từ mới hiểu phải chuyên tâm. Cực nhất là cải tạo đất, khử phèn và tìm nguồn nước. Chỗ nào không lấy được nước từ kinh Đông về thì phải đào giếng sâu. Ngày xưa về vùng đất này không thuê kỹ sư nông nghiệp gì hết, chỉ bằng kinh nghiệm dân gian thôi. 

Nhưng lúc đó trồng còn ít, khi thương lái vô mua họ thắc mắc “Chỗ này một ông chủ hay nhiều ông chủ mà kỳ vậy?”. Tôi hỏi tại sao kỳ? Họ nói có chỗ trái ngọt, có chỗ trái lạt. Thì ra lúc bưởi ra trái mà cho phân đạm vô thì nước lạt liền. 

Từ đó tôi mời một kỹ sư nông nghiệp vô, điều chỉnh về lượng đạm, kali, ure sao cho phù hợp với bưởi da xanh, và viết ra quy trình kỹ thuật cụ thể, chứ làm theo kiểu dân gian thì không bảo đảm. Rất vui là thị trường chính của bưởi Tam Tân lại là Hà Nội, tất cả các siêu thị đều có bưởi da xanh của Tam Tân. 

Ngày xưa còn tính lời bằng vàng, bây giờ biết bao nhiêu mà tính (cười sảng khoái), 30 tỷ đồng là hai ngàn lượng rồi, cũng cả trăm kg vàng chứ ít gì”.

Ông Bảy Thành Vinasun và những cuộc phiên lưu thú vị 4
Bưởi da xanh của Tam Tân.

Ngày càng cải tiến về kỹ thuật, tại nông trại thứ hai vừa triển khai, thay vì trồng cách quãng từ 3 - 4 mét cho mỗi cây, ông Thành mở rộng hơn 5m, nên cây bưởi mọc tàng lớn hơn, lá ra đều xanh mướt, khả năng cho năng suất trên 100 kg/cây.

Ngoài sản xuất bưởi da xanh, cam, dừa, đu đủ…, ông Bảy Thành đang biến trang trại này thành khu du lịch sinh thái. 

Dự kiến, diện tích nơi đây sẽ được mở rộng thêm, cả dòng sông cũng mở rộng gấp 3 lần để xây dựng 200 biệt thự cho khách lưu trú. Mỗi biệt thự đều hướng ra sông, làm sao tạo hai góc gợi nhớ đến dòng sông Seine của Pháp và Venice của Ý….

Ông Thành dự định xây một nửa theo phong cách châu Âu, và một nửa theo phong cách truyền thống.

Anh Diệp Thanh Khê, một nông dân cùng quê Đồng Tháp với ông Bảy Thành, chủ một vườn bưởi cho biết: “Chú Bảy luôn cắt 15% lợi nhuận cho mỗi hộ nông dân ở đây, nếu vườn đạt 1 tỷ đồng thì mình được thưởng 15 triệu đồng, 2 tỷ đồng mình được 30 triệu đồng. Lương hàng tháng chú Bảy vẫn phát, mỗi người 13 triệu đồng/tháng. Tiền thưởng ấy anh em thường gửi về quê mua đất. 

Anh em chúng tôi đều gắn bó với chú Bảy, và hạ quyết tâm gắn bó lâu dài với nông trường của chú Bảy. Chỉ cần mình có tâm, còn học thì từ từ. Phân thuốc đều có kỹ sư hướng dẫn cho mình, mình chỉ coi sóc, tưới tắm, phát hiện sớm khi cây có vấn đề”.

Trong ngôi nhà gỗ cổ được trạm trổ tinh xảo nằm giữa cánh đồng bưởi bạt ngàn, ông Bảy Thành đãi anh em TheLEADER một bữa cơm chân quê độc lạ như tính cách của ông và món rượu ngâm đặc biệt với công thức từ một người bạn mà theo ông kể, nhờ loại rượu này mà tóc ông lúc nào cũng đen nhánh, không cần nhuộm.

Nhìn ông phong độ, hào sảng, giản dị giữa bạn bè, chẳng ai nghĩ ông đã từng trải qua biết bao thăng trầm của thời cuộc, của thế thái nhân tình, của kinh doanh khốc liệt. Có lẽ bởi chữ tình trong ông luôn quá đầy, quá lớn.

Tôi xuất thân từ nông dân, rất thích trồng khoai trồng lúa nhưng mỗi lần về quê, thấy dân mình nghèo hơn! Vụ Đông Xuân vừa rồi mỗi hộ lỗ mấy triệu bạc. Cứ lúa cũ đổi lúa mới, lỗ cũng phải làm, vì đâu có việc gì khác. Người nông dân trong cuộc cách mạng dân tộc khổ lắm, chú tôi, dòng họ tôi biết bao người đã ngã xuống, toàn nông dân, mà bây giờ nghèo vẫn hoàn nghèo.

Tôi thấy điều đó rất bức xúc. Nếu chỉ giúp riêng cho nông dân huyện Lấp Vò thì đâu có thay đổi được gì. Tôi mong ước cho đời sống nông dân cả nước khá lên. An Giang, Đồng Tháp đã có cánh đồng mẫu lớn, theo quy trình sản xuất của Nhật, hy vọng thời gian tới dưới sự quan tâm của chính phủ, nông dân sẽ có nguồn thu chính đáng từ nông nghiệp để thoát nghèo.

Trồng bưởi cũng là thú vui điền viên của tôi, nhưng lại có hiệu quả kinh tế rất tốt. Triển khai 120ha trồng bưởi, tôi rất vui vì biết từng cây bưởi một, biết cái giỏi của từng người. Tôi dành thời gian cho chuyện trồng bưởi, xây dựng nhà thờ và kinh doanh công ty cân bằng. Muốn vậy ngay từ đầu xây dựng bộ máy nhân sự cho chuẩn. 

Nông dân chủ yếu là người địa phương, 16 vườn ở đây chỉ có 32 lao động thôi, mỗi vườn chỉ giao cho hai vợ chồng là chính, còn công nhật chỉ sử dụng khi có nhu cầu. Giờ tưới tiêu đều tự động hết nên cũng không cần sức người nhiều. Do bộ rễ của bưởi lớn và đâm ngang, nên hút nước dữ lắm. Có hộ nông dân ở đây mỗi năm được thưởng đến 700 triệu đồng, ba năm cũng được trên 2 tỷ đồng. Anh em vui là mình vui rồi”, ông Bảy Thành chia sẻ.