PCI Bắc Giang: Áp lực cải cách và xóa bỏ các điểm nghẽn

Quỳnh Chi - 12:42, 20/05/2023

TheLEADERViệc tăng 29 bậc lên xếp ở vị trí á quân trong bảng xếp hạng PCI 2022 đã chứng minh những nỗ lực của tỉnh Bắc Giang về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng cũng đồng thời là áp lực để tỉnh tiếp tục duy trì thứ hạng và xoá bỏ các điểm nghẽn, vượt qua chính mình để cải thiện các chỉ số.

PCI Bắc Giang: Áp lực cải cách và xóa bỏ các điểm nghẽn
Quảng trường trung tâm thành phố Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Anh

Đột phá về cải cách

Năm 2022, Bắc Giang bứt phá vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với 72,8 điểm. Về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Bắc Giang cũng có sự cải thiện với việc tăng ba bậc so với năm 2021 lên vị trí thứ tư. Kết quả này đã thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong mười chỉ số thành phần của PCI, Bắc Giang có chín chỉ số thành phần tăng điểm gồm: thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí thời gian, tiếp cận đất đai.

Trong đó, tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh là chỉ số thành phần tăng điểm cao nhất và thay đổi thứ hạng nhiều nhất trong các chỉ số của tỉnh Bắc Giang năm 2022. Cụ thể, chỉ số này tăng 1,96 điểm, tăng tới 58 bậc so với 2021 để leo lên vị trí thứ ba trong tổng số 63 tỉnh, thành phố. Điều này phản ánh chủ trương nhất quán đồng hành cùng doanh nghiệp của chính quyền tỉnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vận hành chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Giang khá tốt, trong đó có vai trò lớn của các sở, ngành trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đặc biệt, chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp là một văn hóa hành chính giúp Bắc Giang nâng thứ hạng.

PCI Bắc Giang: Niềm vui và áp lực cải cách
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Còn nhiều điểm nghẽn trên hành trình cải cách

Bên cạnh “ngôi sao cải cách” Quảng Ninh đã duy trì vị thế quán quân suốt sáu năm liên tiếp thì công bố PCI 2022 cũng đồng thời khiến Bắc Giang trở thành tâm điểm với những đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương bày tỏ, đạt được thứ hạng cao trong năm nay bên cạnh niềm vui còn là áp lực của Bắc Giang trong năm tiếp theo. Đó là áp lực về tiếp tục duy trì thứ hạng và vượt qua chính mình để cải thiện điểm số.

Ông Đậu Anh Tuấn nhận định, để duy trì và cải thiện chỉ số PCI, Bắc Giang cần tuyên truyền giúp mỗi người dân, cán bộ, công chức nhận thức rõ vai trò của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó chung tay thực hiện; đẩy nhanh tiến độ giải quyết những vướng mắc, không đùn đẩy trách nhiệm. Việc tăng cường đối thoại, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm là những điều được ông Tuấn nhấn mạnh.

Đúng với tinh thần “vượt qua chính mình”, chỉ hơn một tháng sau khi có công bố bảng xếp hạng PCI 2022, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến phân tích chỉ số PCI, chỉ số cải cách thủ tục hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAR) năm 2022 và giải pháp nâng cao các chỉ số năm 2023 với sự tham gia của hơn 2,9 nghìn đại biểu. Nhiều vấn đề thực tiễn đã được đại diện các doanh nghiệp, sở ngành và địa phương nêu ra.

PCI Bắc Giang: Niềm vui và áp lực cải cách 1
Bắc Giang họp bàn về cải cách

Mặc dù thứ hạng PCI tăng vọt nhưng chỉ số thành phần về gia nhập thị trường giảm 15 bậc so với năm 2021 xuống xếp hạng thứ 52/63 tỉnh, thành phố. Chỉ có 35% doanh nghiệp tư nhân có mức độ lạc quan vào việc mở rộng sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19. Đây là một tỷ lệ thấp từ năm 2006 đến nay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đều cho biết gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, tìm kiếm đối tác, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp có nguồn vốn dưới 15 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, có đến 98% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do vậy sự ảnh hưởng bởi các yếu tố liên quan đại dịch Covid-19 và các yếu tố khác của thị trường quốc tế tác động lớn đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến điểm số của chỉ số thành phần này.

Năm 2022, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của Bắc Giang xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố trong khi năm 2021 xếp thứ tám.

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang Nguyễn Cường chỉ ra, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh vẫn còn một số điểm nghẽn. Đó là tính minh bạch chưa được cải thiện nhiều, đạt 6,3/10 điểm, thấp nhất trong mười chỉ số thành phần. Các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai, các kế hoạch đầu tư công, thông tin về đấu thầu…

PCI Bắc Giang: Niềm vui và áp lực cải cách 2
Ông Nguyễn Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt song ông Cường chỉ ra, việc đồng bộ hóa quy hoạch này với các quy hoạch đất đai, xây dựng còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, xin thuê đất. Ngoài ra, một số sở, ngành, địa phương còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chưa kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Để nâng cao thứ hạng PCI năm 2023, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang đề nghị các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc công khai minh bạch các tài liệu có liên quan đến quy hoạch, kế hoạch, đấu thầu, pháp lý, ưu đãi đầu. Đồng thời nâng cấp các cổng thông tin điện tử; cập nhật thường xuyên các thông tin có liên quan.

Đặc biệt, tỉnh và các sở ngành cần tập trung giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, đầu tư, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, tiếp cận vốn. Từng bước đồng bộ hóa các quy hoạch để có cơ sở thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư, điều chỉnh dự án.

Theo ông Trương Văn Nam, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang cho rằng, cần thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; giao trách nhiệm cho người đứng đầu bộ phận, cơ quan giải quyết các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện nhũng nhiễu, nhận chi phí thì ngoài trách nhiệm người trực tiếp có liên quan, phải xem xét thi hành kỷ luật với người đứng đầu bộ phận, cơ quan đó. Có như vậy mới bảo đảm giám sát có hiệu quả trong nội bộ cơ quan, trong đấu tranh chống tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Đối với doanh nghiệp, ông Nam nhấn mạnh, ngoài việc nói không với tham nhũng thì cần cố gắng "chính thức hóa" chi phí không chính thức với việc thuê đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để thực hiện thủ tục có liên quan; theo đó, chi phí tư vấn sẽ được chính thức hóa thành chi phí kinh doanh. 

Mặc dù chưa thực sự giải quyết được vấn đề vì doanh nghiệp vẫn mất chi phí, giải pháp này vẫn có tác dụng rất lớn trong xóa bỏ tác động tiêu cực khác từ chi phí không chính thức.

Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số thành phần “xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” trong PAR INDEX đạt 89,89 điểm, ba năm liên tiếp đứng đầu cả nước nhưng Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Bắc Giang Trần Minh Chiêu nhìn nhận, hạ tầng công nghệ thông tin của các cấp, các ngành phục vụ chuyển đổi số còn thiếu đồng bộ. Vấn đề này xảy ra do thiết bị đầu cuối xuống cấp, vấn đề bảo trì, bảo dưỡng chưa được thực hiện thường xuyên; tỉnh chưa có trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng; lượng và chất của nguồn nhân lực còn hạn chế.

Ông Châu cho biết, năm 2023, Sở Thông tin và truyền thông tập trung xây dựng cổng dữ liệu mở, dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 1/2024. Cơ quan này đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương tăng cường chuyển đổi nhận thức về vai trò của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, việc xây dựng văn hoá đồng hành hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của chính quyền các cấp từ xã đến tỉnh được người đứng đầu tỉnh Bắc Giang lưu ý.

“Việc hỗ trợ, tháo gỡ trên tinh thần làm hết trách nhiệm, nhanh chóng, thuận tiện, không đùn đẩy, né tránh; nói không với thái độ thờ ơ, vô cảm với khó khăn của người dân, doanh nghiệp”, ông Dương nhấn mạnh.