Phác hoạ diện mạo Việt Nam đến năm 2030

Phương Anh - 10:18, 28/10/2022

TheLEADERQuy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 cho thấy nhiều mục tiêu đầy tham vọng.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ thông qua quy hoạch để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 – 2030, trong đó, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8 – 8,5%/năm.

Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.

Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%; công nghiệp – xây dựng trên 40%; nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%.

Bên cạnh đó, phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội, hình thành hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Hà Nội và TP.HCM.

Hành lang kinh tế Bắc – Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Mộc Bài – TP.HCM – Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.

Quy hoạch đặt mục tiêu cơ bản hình thành mạng lưới đô thị quốc gia, đảm bảo tính kết nối cao giữa đô thị trung tâm cấp quốc gia với các đô thị vùng và khu vực nông thôn, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.

a
Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng hàng lang kinh tế có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao.

Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

Về dân số, quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người, chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó, thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 32m2.

Cùng với đó, phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%.

Ngoài ra, Nghị quyết 138 đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Đến năm 2030, mục tiêu đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

Tầm nhìn đến 2050

Quy hoạch đặt tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong giai đoạn 2031 – 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 – 7,5%/năm, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 – 32.000 USD.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh.

Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh. Giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hoà với thiên nhiên, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp.

4 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá

Theo Nghị quyết 138, có 4 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển quốc gia.

Thứ nhất là hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị, hạ tầng số, bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạ tầng văn hóa, xã hội.

Thứ hai là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và không gian phát triển, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Thứ ba là phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu lôi kéo sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Thứ tư là hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và Đông – Tây kết nối các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp – đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.