Phát hành trái phiếu riêng lẻ đóng băng trong 2 tháng đầu năm

Trần Anh - 15:27, 13/03/2023

TheLEADERTrái ngược với sự nguội lạnh của hoạt động phát hành, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 nóng lên từng ngày, nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 110 nghìn tỷ đồng.

Trong tháng 2, theo công bố thông tin của HNX, chỉ có 2 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của Công ty Bất động sản Sơn Kim (500 tỷ đồng) với lãi suất 13,5%/năm và Công ty Phan Vũ (110 tỷ đồng) với lãi suất 10,5%/năm. Trước đó trong tháng 1, số đợt phát hành cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các ngân hàng và công ty chứng khoán phát hành. 

Mức suy giảm lớn về quy mô phát hành trái phiếu được ghi nhận trong bối cảnh thị trường vẫn chưa thuận lợi cả về phía cung và phía cầu. Đến ngày 5/3, theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.

Trái ngược với sự nguội lạnh của hoạt động phát hành, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 nóng lên từng ngày, lên tới khoảng 252 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 64% so với cùng kỳ và quý 2-3 là giai đoạn căng thẳng với gần 160 nghìn tỷ trái phiếu đáo hạn. Đáng chú ý, nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 43% tổng giá trị đáo hạn, tương đương gần 110 nghìn tỷ đồng.

Ngày 5/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi bổ sung quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ, trong đó có nhiều quy định mới mang tính hỗ trợ cho thị trường như: cho phép tổ chức phát hành trái phiếu kéo dài kỳ hạn thêm tối đa 2 năm, có thể thanh toán gốc, lãi bằng tài sản khác; tạm ngưng các quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm và thời gian phân phối trái phiếu.

Nghị định mới được kỳ vọng tìm ra lối thoát cho doanh nghiệp bất động sản. Việc chuyển đổi trái phiếu thành khoản đầu tư bất động sản có thể mang lại cơ hội cho trái chủ, khi thị trường địa ốc hồi phục, giá trị bất động sản tăng nhanh, nhà đầu tư không chỉ hoàn được vốn mà còn có thể thu về một khoản giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị định 08 mới về trái phiếu doanh nghiệp là tín hiệu tích cực, song mới chỉ đưa ra các giải pháp mang tính tình thế, thiếu đi tính đột phá giúp giải quyết triệt để nguồn gốc vấn đề.

Trên thực tế, các biện pháp được đưa ra như thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp bằng tài sản khác nếu được nhà đầu tư chấp thuận đã được một số chủ đầu tư bất động sản thực hiện từ trước. Tương tự, việc đám phán với các trái chủ để kéo dài thêm kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp cũng đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện.

Khá nhiều sản phẩm bất động sản được đề nghị dùng hoán đổi trái phiếu lại là tài sản được hình thành trong tương lai, thậm chí chưa hoàn thiện về pháp lý. Như vậy, giải pháp này có thể đơn giản là hoán đổi rủi ro này sang rủi ro khác cho nhà đầu tư trái phiếu.