Phó chủ tịch TAITRA Đài Loan: Việt Nam đã sẵn sàng bước vào cuộc chơi 4.0

Quỳnh Như - 08:44, 07/07/2018

TheLEADERCác doanh nghiệp Việt Nam không gặp bất cứ vấn đề nào trong việc tiếp nhận các công cụ và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó chủ tịch TAITRA Đài Loan: Việt Nam đã sẵn sàng bước vào cuộc chơi 4.0
Bà Fang-Miao Lin – Phó chủ tịch Hội xúc tiến thương mại Đài Loan

Cách mạng công nghiệp 4.0 là từ khóa được rất nhiều người Việt Nam quan tâm trong khoảng 2 năm gần đây. Người người nhà nhà sục sôi bàn luận về nó, nhiều người lên tiếng đề nghị các doanh nghiệp, những chủ thể chính trong cuộc cách mạng này nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt và dấn thân vào cuộc chơi để Việt Nam không phải bỏ lỡ thêm “chuyến đò” nào nữa trong công cuộc phát triển chung của thế giới.

Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra là: liệu tư duy, trình độ, tri thức, nhân lực, vật lực… của các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng tiếp nhận làn sóng mới này? Bởi, sự thật là nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn mò mẫm sản xuất kinh doanh ở trình độ của cách mạng công nghiệp 1.0 hay 2.0.

Nhân dịp bà Fang-Miao Lin – Phó chủ tịch Hội xúc tiến thương mại Đài Loan (TAITRA) sang Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp Đài Loan tham gia triển lãm về Máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA) 2018, TheLEADER đã có buổi phỏng vấn riêng với bà để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên.

Thưa bà, công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) ở Đài Loan đã đến giai đoạn nào? Đài Loan đang đứng ở đâu so với thế giới và nếu so với Nhật Bản, một cường quốc về công nghệ - kỹ thuật thì như thế nào?

Bà Fang-Miao Lin: CMCN 4.0 rất quan trọng với Đài Loan vì thế Chính phủ Đài Loan đang khuyến khích các doanh nghiệp phát triển dựa theo tiêu chuẩn công nghệ và chất lượng của cuộc cách mạng này. Ví dụ như chiến dịch phát triển “máy móc thông minh” của các công ty cơ khí.

Về cơ bản, tiến trình thực hiện CMCN 4.0 của Đài Loan đang bắt kịp các nước trên thế giới, chúng tôi cũng đang ở giai đoạn khởi đầu như tất cả các cường quốc khác. Hiện tại, chưa có đất nước nào trên thế giới có thể phát triển qua giai đoạn thứ hai.

Các ngành công nghệ cao như ICT, máy công cụ, cơ khí của Đài Loan đều rất mạnh, có thể hỗ trợ nhiều cho Việt Nam khi các bạn bắt đầu gia nhập cuộc chơi CMCN 4.0. Trong tương lai, Đài Loan quyết tâm không bao giờ tụt hậu hơn so với thế giới.

Nhật Bản rất mạnh về phát minh, còn ưu điểm của Đài Loan là giỏi trong chế tạo. Thế nên, có rất nhiều công ty Nhật Bản đến hợp tác với công ty Đài Loan và ngược lại. Còn buộc phải so sánh, thì theo quan điểm cá nhân của tôi, trình độ công nghệ và kỹ thuật của hai bên ngang bằng, không ai hơn ai.

Theo bà, Việt Nam đã đủ điều kiện và nhân lực, cơ sở vật chất…. để tiếp nhận các loại máy móc thông minh hay xa hơn là bước vào con đường thực hiện CMCN 4.0?

Bà Fang-Miao Lin: Theo tôi, phần tiếp nhận của các doanh nghiệp Việt Nam rất tốt, đó là lý do vì sao, hàng năm, đều có đoàn doanh nghiệp kỹ thuật cao của Đài Loan đến Việt Nam tham gia MTA và càng ngày càng nhiều doanh nghiệp Đài Loan chủ động qua Việt Nam tham gia các loại triển lãm về lĩnh vực này. Vấn đề là, hiện tại, những cuộc triển lãm về máy móc thông minh ở Việt Nam còn hơi ít, chưa thoả mãn được nhu cầu của giới doanh nghiệp Đài Loan.

Theo quan sát của tôi, Việt Nam đang hoàn toàn sẵn sàng đón nhận làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bước vào 'cuộc chơi' CMCN 4.0

Nhiều chuyên gia cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) có thể bắt kịp, thậm chí là vượt qua các doanh nghiệp lớn – giàu truyền thống. Bà nghĩ sao về quan điểm này?

Bà Fang-Miao Lin: Theo tôi, cuộc CMCN 4.0 không chỉ mang lại nhiều lợi thế cho các SMEs mà là lợi thế ngang bằng cho tất cả các doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn vẫn có những lợi thế của họ, tất cả đều có cơ hội như nhau. Có thể là các doanh nghiệp SMEs có lợi thế lớn hơn 1 chút do khả năng chuyển đổi nhanh hơn các doanh nghiệp lớn.

Cũng có thể nói thêm, một trong những điều tuyệt vời nhất của cuộc CMCN 4.0 có thể giúp tăng năng suất với chi phí thấp, điều này giúp các doanh nghiệp SMEs tăng tính cạnh tranh của mình trên thị trường.

Thưa bà, Chính phủ Đài Loan đã có những thay đổi gì trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp startup và doanh nghiệp nhỏ ở giai đoạn đầu phát triển để họ có thể lớn lên khoẻ mạnh?

Bà Fang-Miao Lin: Cũng như nhiều đất nước, Chính phủ Đài Loan rất xem trọng các doanh nghiệp startup vì chính lực lượng này sẽ giúp nền kinh tế của một lãnh thổ luôn tươi mới. Cho nên, chúng tôi có rất nhiều chính sách đa dạng để có thể giúp các ban ngành liên quan hỗ trợ tốt nhất có thể cho các startup.

Chính phủ có thành lập một cơ quan riêng chuyên trách giải quyết các vấn đề và hỗ trợ tài lực cho giới startup. Thông qua tổ chức này, chúng tôi có rất nhiều nguồn vốn hỗ trợ cho các startup để họ có thể sống sót khoẻ mạnh và phát triển bền vững.

Riêng TAITRA, chúng tôi vừa thành lập nên một đội gọi là đội “Đổi mới - Sáng tạo”, chuyên giúp đỡ các startup. Trong các cuộc triển lãm lớn mà TATRA tham gia, luôn có một gian hàng lớn để các startup trưng bày các sản phẩm của mình. Khi các startup tham gia triển lãm, chúng tôi có rất nhiều mức chiết khấu hấp dẫn dành cho họ.

Xin cảm ơn bà!