Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Cùng một thể chế tại sao có nơi làm tốt, nơi không?

Hứa Phương - 08:11, 15/02/2019

TheLEADERPhó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra câu hỏi vì sao cùng một thể chế có địa phương rất thành công về giải quyết những vấn đề bất cập trong việc thu hút FDI, trong khi cũng có địa phương làm chưa có hiệu quả.

Ngày 14/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị tham vấn, định hướng, hoàn thiện thể chế về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới. Tại đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tính hết năm 2018, Việt Nam có gần 27.400 dự án FDI đang hoạt động, đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư cam kết tới 340 tỉ USD, trong đó đã giải ngân hơn 191 tỉ USD.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tại sao cùng một thể chế nhưng nơi làm tốt, nơi không?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong 30 năm qua, kết quả thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Khu vực FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, gia tăng năng lực sản xuất; từng bước đưa sản phẩm của Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...

Sự phát triển của khu vực FDI đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế thông qua thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất ở khu vực doanh nghiệp trong nước. 

Vốn FDI không chỉ là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, mở rộng quan hệ quốc tế, đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng vốn FDI thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như liên kết của khu vực FDI với khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao, chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt hiệu quả mong muốn, FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn hạn chế, một số dự án FDI chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

Thu hút FDI còn tập trung nhiều vào bất động sản trong khi những ngành như nông nghiệp, môi trường còn thấp. Có doanh nghiệp FDI đã thực hiện thủ thuật chuyển giá.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra câu hỏi vì sao cùng một thể chế có địa phương rất thành công về giải quyết những vấn đề bất cập trong việc thu hút FDI, trong khi cũng có địa phương làm chưa có hiệu quả.

Trong bối cảnh, tình hình khu vực và thế giới đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp, xuất hiện những nhân tố mới có tầm ảnh hưởng sâu, rộng, kéo theo việc thay đổi chính sách của nhiều quốc gia, nền kinh tế lớn, đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và điều chỉnh mục tiêu, định hướng thu hút, sử dụng FDI, gắn kết FDI với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tại sao cùng một thể chế nhưng nơi làm tốt, nơi không? 1
Hội nghị có sự tham gia đông đảo của những chuyên gia, doanh nghiêp trong và ngoài nước

Phó Thủ tướng mong muốn trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình, đặc biệt là xu hướng thay đổi trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hội nghị sẽ đề xuất những mục tiêu, định hướng cụ thể, hiến kế giúp Chính phủ hoàn thiện thể chế chính sách thu hút FDI.

Doanh nghiệp FDI cần môi trường tốt để hoạt động

Các chuyên gia, đại diện cho các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài đã có những kiến nghị đến Chính phủ Việt Nam với mong muốn hoàn thiện thể chế về đầu tư nước ngoài, môi trường tốt để khối doanh nghiệp FDI hoạt động ngày càng tốt hơn.

Bà Virginia B. Foote đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng cần cải thiện điều kiện kinh doanh nhằm góp phần cải thiện kinh tế tại Việt Nam. Việt Nam cần duy trì đà phát triển kinh tế cao của mình. Nạn tham nhũng và vấn đề bất cập trong quản lý là vấn đề các quốc gia cần phải giải quyết trong đó có Việt Nam.

Còn ông Choi Heung Yeon, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ở Việt Nam hiện đang gặp khó khăn trong việc cơ chức năng kiểm tra việc chuyển giá.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tại sao cùng một thể chế nhưng nơi làm tốt, nơi không? 2
Khu công nghiệp VSip ở Bình Dương được coi là điển hình trong việc thu hút doanh nghiệp FDI trong những năm qua

Theo ông ông Choi Heung Yeon, chuyển giá là lĩnh vực đặc thù và chuyên môn nên cần các chuyên gia tham gia, ví dụ như ở Hàn Quốc và Trung Quốc có bộ phận riêng tham gia công tác thanh tra việc chuyển giá. Chúng tôi đề nghị Chính phủ có chính sách quy định rõ ràng những đơn vị được tham gia công tác thanh tra chuyển giá để không gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, năm 2018 đã giải ngân được hơn 800 triệu USD tại Việt Nam. Theo ông Kyle Kelhofer nếu so Việt Nam với những quốc gia khác trong khu vực Đông Á thì Việt Nam tốt hơn rất nhiều. Nhưng điều tốt này cần được duy trì và làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Việt Nam đã nhận được nguồn vốn FDI khá lớn nhưng giá trị gia tăng chưa cao. Cần đổi mới kỹ năng, cần có tiêu chuẩn để doanh nghiệp trong nước đáp ứng được những tiêu chuẩn để kết nối với doanh nghiệp FDI.

Việt Nam đang ở vị trí tốt để tận dụng được xu hướng di chuyển dịch sản xuất của nhưng tập đoàn đa quốc gia. Thách thức lớn nhất hiện nay là lợi thế về cạnh tranh và chi phí

Để làm được điều này cần có chiến lược tập trung, không tập trung vào ưu đãi cao mà dựa trên giá trị gia tăng trong nước. Công tác xúc tiến đầu tư chuyển từ việc cung cấp dịch sang vừa cung cấp dịch vụ và bảo vệ niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài để tận dụng tốt các hiệp định thương mại