Phụ nữ còn gặp nhiều trở ngại trong tìm việc làm và tiếp cận thông tin tín dụng

Quỳnh Chi - 08:10, 02/04/2018

TheLEADERBáo cáo của nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết có 13 trong số 25 nền kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương đạt điểm 0 về chỉ số tiếp cận tín dụng.

Phụ nữ còn gặp nhiều trở ngại trong tìm việc làm và tiếp cận thông tin tín dụng
Chính phủ các nước cần làm nhiều hơn để tăng cường tiếp cận tín dụng cho phụ nữ. Ảnh minh họa

Báo cáo “Phụ nữ, kinh doanh và luật pháp 2018” định kỳ 2 năm/lần của nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) nghiên cứu nội dung trong các bộ luật hiện còn ngăn cản phụ nữ tiếp cận việc làm và trở thành doanh nhân tại 189 nền kinh tế trên thế giới.

Báo cáo chỉ ra rằng, hiện vẫn còn tồn tại một số vấn đề mà Chính phủ các nước cần quan tâm giải quyết để tăng cường tiếp cận tín dụng cho phụ nữ và bảo vệ họ tốt hơn trước nạn bạo hành.

Trong báo cáo này, lần đầu tiên thang điểm từ 0 đến 100 được áp dụng nhằm cung cấp thông tin hiệu quả hơn cho công tác xây dựng chương trình cải cách. 

Các nền kinh tế được cho điểm theo 7 tiêu chí gồm: tiếp cận thể chế, sử dụng tài sản, kiếm việc làm, các biện pháp khuyến khích lao động, kiện tụng ra tòa, thông tin tín dụng, và bảo vệ phụ nữ trước nạn bạo hành.

Theo đó, các nước trong khu vực đạt điểm số cao về tiếp cận thể chế (95 điểm) do hầu như không có nước nào phân biệt nam nữ trong các giao dịch với chính quyền, ví dụ trong đăng ký kinh doanh, mở tài khoản ngân hàng, hay làm chứng minh thư.

Tuy nhiên, các nước trong khu vực chỉ đạt 19 điểm về thông tin tín dụng. Cụ thể, có 13 trong số 25 nền kinh tế khu vực đạt điểm 0 về chỉ số này. Thực tế đó đã tác động tiêu cực lên khả năng tiếp cận tín dụng của phụ nữ.

Điểm số trung bình khu vực về bảo vệ phụ nữ trước nạn bạo hành cũng còn kém, chỉ đạt 44 điểm. Khoảng một nửa số nền kinh tế trong khu vực không có quy định về bảo vệ phụ nữ trước nạn quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Nạn hạn chế về việc làm đối với phụ nữ vẫn tồn tại khắp nơi trên thế giới, nhưng tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương có tới 1/3 số nền kinh tế không cho phụ nữ làm việc trong một số ngành nhất định, ví dụ ngành khai mỏ.

Trong khi tiêu chuẩn nghỉ thai sản tối thiểu trên toàn cầu là 14 tuần thì vẫn còn 7 nền kinh tế trên thế giới không quy định nghỉ thai sản bắt buộc, trong đó có tới 5 nền kinh tế nằm trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương, gồm: Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia, Palau, Papua New Guinea, và Tonga.

“Các nước trong khu vực Đông Á Thái Bình Dương đã đạt tiến bộ trong một số lĩnh vực, nhưng vẫn cần tiếp tục giải quyết một số vấn đề tồn tại thì mới có thể giúp phụ nữ phát huy được vai trò kinh tế của họ. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ tại nhà và tại nơi làm việc là điểm yếu của các nước trong khu vực. Chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến Chính phủ các nước có những biện pháp cải cách pháp lý nhằm giải quyết vấn đề quan trọng này”, bà Rita Ramalho, chuyên gia quản lý cao cấp nhóm công tác chỉ số toàn cầu của World Bank cho biết.

Dù vậy, báo cáo của World Bank cũng chỉ ra một vài điểm sáng về cải cách tại các nước trong khu vực. 

Cụ thể, Trung Quốc thực hiện mở rộng diện chi trợ cấp thai sản cho phụ nữ dưới 25 tuổi nhằm đảm bảo tất cả mọi phụ nữ đều được hưởng chế độ này một cách bình đẳng như nhau; Kiribati thông qua bộ luật lao động mới, xóa bỏ toàn bộ các hạn chế về việc làm đối với phụ nữ;

Malaysia cho phép các nạn nhân bị quấy rối tình dục đòi bồi thường theo luật dân sự; Timor-Leste áp dụng hệ thống an sinh xã hội mới trong đó có chế độ thai sản thay vì đòi hỏi chủ sử dụng lao động phải cung cấp; Singapore nâng thời gian nghỉ chăm sóc con cho nam giới từ 5 lên 10 ngày.

Tại Việt Nam cũng đã đưa vào áp dụng chế độ nghỉ 5 - 14 ngày chăm sóc con cái cho nam giới; điều này được quy định trong Điều 34, Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 1/1/2016.