Bất động sản
Quản lý vận hành chung cư “khó trăm bề” giữa bão Covid-19
Là ngành góp phần bảo đảm an toàn cho cư dân, song quản lý vận hành nhà chung cư hiện không được coi là ngành nghề thiết yếu, được ưu tiên đi lại làm việc trong giãn cách xã hội.
Sáng 9/7, TP. HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ, nhiều chốt kiểm soát đã được đặt tại các tuyến đường lớn nhằm hạn chế người dân ra khỏi nhà trong trường hợp không cần thiết, hàng chục ban quản lý toà nhà, nhân viên của của Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu Global Home đã không thể đến được nơi làm việc.
Những người lao động này bị một số điểm kiểm soát không cho đi lại, hoạt động vì cho rằng, quản lý vận hành nhà chung cư không phải ngành nghề thiết yếu, thực sự cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh.
Hệ quả là một số lượng không nhỏ người lao động buộc phải ngậm ngùi trở về nhà. Trong khi đó, khối lượng công việc lớn trong công tác quản lý nhà chung cư vẫn đang bỏ ngỏ.
Trong bối cảnh bình thường, lượng công việc này đã nhiều, giữa đại dịch lại càng tăng lên gấp bội. Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu Global Home ước lượng, các nhân viên quản lý toà nhà của công ty đang phải làm số lượng công việc tăng hơn 50% trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Theo đó, các nhân viên này không chỉ giám sát, kiểm soát công tác thực hiện 5K của người dân sinh sống trong chung cư mà còn phối hợp với ban quản trị, chính quyền địa phương phun khử khuẩn khu vực công cộng, hành lang chung, giám sát hoạt động tụ tập đông người, kiểm soát việc đăng ký tạm trú của cư dân và việc cư dân đưa người lạ vào toà nhà.
Tại nhiều chung cư có cư dân nằm trong diện F1 phải đưa đi cách ly, ban quản lý phải phối hợp với chính quyền phun khử khuẩn toàn bộ hành lang, tuyến đường từ căn hộ của cư dân, thang máy đến điểm lên xe đi cách ly và kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng và người dân về các trường hợp này để họ yên tâm, tránh gây hoang mang, xáo trộn trong đời sống người dân.
Đó là chưa kể đến việc ban quản lý phải đảm nhận luôn công việc tiếp tế, hỗ trợ người dân giao nhận lương thực, thực phẩm đối với những người phải cách ly tại căn hộ. Với số lượng hàng nghìn cư dân trong một toà nhà, khối lượng công việc này là cực kỳ lớn.
Ngoài những công việc hàng ngày là vận hành hệ thống kỹ thuật nhà chung cư thì công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay đang ngốn một lượng lớn thời gian làm việc của ban quản lý. Số lượng công việc lớn, áp lực và vất vả hơn rất nhiều so với ngày thường.
Tuy nhiên, theo ông Thành, điều đáng buồn là nhiều trường hợp nhân sự bị cách ly tại địa phương hoặc vì giãn cách xã hội, hạn chế đi lại mà không thể đến được nơi làm việc đã gây sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Nhân sự phục vụ tại chung cư không đủ để đảm bảo công tác vừa quản lý vận hành vừa thực hiện nhiệm vụ 5K phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát người cách ly tại căn hộ.
Trong khi đó, công ty quản lý cũng không thể ngay lập tức tuyển dụng lao động để bổ sung tại dự án bởi đây là công việc mang tính chuyên môn cao. Hơn nữa, chung cư là môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm dịch. Mỗi ngày, ban quản lý tiếp xúc với hàng nghìn người, do đó, tâm lý người lao động cũng không muốn làm việc trong môi trường này.
"Ngành quản lý vận hành chung cư đang gặp phải khó khăn trăm bề. Công ty vừa phải trả lương đủ cho người lao động khi bị cách ly tại địa phương và trả thêm tiền cho nhân sự làm việc tăng ca hỗ trợ thay cho những nhân sự không thể đi làm được. Trong khi đó, nguồn thu không tăng thêm, thậm chí còn giảm đi do dịch bệnh", ông Thành chia sẻ.
Quản lý vận hành chung cư cần được coi là ngành thiết yếu trong đại dịch
Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, công tác quản lý vận hành chung cư đang thể hiện vai trò quan trọng trong công tác chống dịch. Đây là một trong những ngành nghề cần thiết trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Song, đáng tiếc, nghề này lại không được các cơ quan chức năng xem là tuyến đầu, không được ưu tiên tiêm vắc xin, không được coi là ngành thiết yếu để đi lại làm việc nhằm bảo đảm an toàn cho chính cư dân trong các chung cư của thành phố.
"Đây quy định mang tính máy móc, thiếu sót lớn trong các văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng và cũng là thiệt thòi đối với công ty quản lý vận hành", ông Thành nhấn mạnh và cho rằng, việc các nhân viên ban quản lý chung cư đi làm bị chặn lại và yêu cầu phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương là chưa hợp lý. Bởi trong bối cảnh hiện tại, các địa phương hiện đang tăng cường công tác kiểm soát dịch, trong khi đó, đây lại là thủ tục mang tính chất hành chính, mất rất nhiều thời gian.
Theo Tổng giám đốc Global Home, trước mắt, các cơ quan quản lý nên tạo điều kiện cho người lao động chỉ cần có giấy xác nhận của công ty quản lý và ban quản trị tại chung cư mà họ đang làm việc là đã có thể đi lại làm việc.
Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành quản lý vận hành toà nhà cần được các cấp chính quyền trung ương và địa phương quan tâm, xem xét là một trong những ngành nghề thiết yếu được ưu tiên tiêm ngừa vacxin và đi lại, hoạt động.
Đây là yếu tố rất quan trọng nhằm giúp ngành quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện tốt hơn chức năng của mình, đảm bảo an toàn cho cư dân và góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, ông Thành nhấn mạnh.
TP.HCM giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 9/7
Giá chung cư Hà Nội tăng bất chấp Covid-19
Nguồn cung hạn chế, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tiêu chuẩn phát triển nhà ở cao hơn và giá thép tăng là nguyên nhân dẫn đến giá căn hộ chung cư tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021.
Những rủi ro khi thay đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư
Nhiều chung cư hiện đang lựa chọn đơn vị quản lý dựa trên yếu tố cạnh tranh trong phí dịch vụ, song, những đơn vị này thường chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng vận hành mà về lâu dài sẽ tác động xấu tới tuổi thọ, giá trị của dự án.
Mấu chốt trong mâu thuẫn chung cư
Nhiều vụ mâu thuẫn giữa cư dân sinh sống trong chung cư với chủ đầu tư, ban quản trị trong việc quản lý vận hành, cũng như sử dụng phí bảo trì nhưng chưa được chính quyền giải quyết thấu đáo gây bức xúc.
'Thuốc đặc trị' tranh chấp phí bảo trì chung cư
Để giải tỏa những tranh chấp về phí bảo trì nhà chung cư, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, cần sửa Luật Nhà ở theo hướng thay vì đóng phí bảo trì cho chủ đầu tư, người mua nhà có thể đóng thẳng vào ngân hàng. Tài khoản này sẽ bàn giao lại cho ban quản trị ngay sau khi thành lập.
Lotte Finance thâm nhập thị trường cho thuê xe dài hạn
Lotte Finance đánh giá cho thuê xe dài hạn giàu tiềm năng sẽ sớm được thúc đẩy bởi sản phẩm tài chính linh hoạt và nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng.
Zalopay tiến vào mảng trả góp
Zalopay xác định phát triển theo hướng trở thành một nền tảng thanh toán toàn diện đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới hướng tới trải nghiệm người dùng.
EximRS phân phối độc quyền dự án căn hộ Conic Boulevard
EximRS trở thành đơn vị phân phối độc quyền dự án căn hộ Conic Boulevard do Công ty CP Xây dựng đầu tư và phát triển Lĩnh Phong Conic phát triển.
MSB hoàn thành 72% kế hoạch năm
MSB công bố báo cáo tài chính quý III với tín dụng tăng 15,11% nhờ đa dạng hóa giải pháp, đặc biệt trên nền tảng số, và vốn điều lệ nâng lên 26.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận ngân hàng phân hóa
Trong khi hầu hết ngân hàng lớn vẫn duy trì được lợi nhuận tăng trưởng mạnh, các ngân hàng vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn hơn.
Bước chuyển mình của MoMo với trí tuệ nhân tạo
MoMo từ một ví điện tử giờ đây định hướng sẽ trở thành "trợ thủ tài chính với AI" của người Việt thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo.
LG Innotek có thể vay 300 triệu USD từ IFC
Khoản vay nằm trong chương trình hướng tới các mục tiêu về phát triển bền vững, đã và đang trở thành lĩnh vực trọng tâm trong các cam kết của IFC tại Việt Nam.