Quản trị là yếu tố then chốt của ESG

Hoàng Đông - 07:53, 24/05/2024

TheLEADERYếu tố G – quản trị đóng vai trò then chốt và tiên quyết trong việc thực hành phát triển bền vững theo chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) ở doanh nghiệp.

Quản trị là yếu tố then chốt của ESG
Ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: Báo đầu tư

Khẳng định ESG đang trở thành yếu tố bắt buộc, theo ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững nếu mong muốn tiếp cận dòng vốn đầu tư quốc tế. Bởi lẽ, thực hành bền vững có thể đảm bảo cho giá trị hiện tại và tương lai của doanh nghiệp.

Thực tế đã chứng minh, doanh nghiệp áp dụng các chuẩn mực về ESG thường hạn chế được rủi ro một cách tốt hơn trong vận hành. Sự giảm thiểu về rủi ro sẽ tạo ra dòng tiền ổn định và dễ dự đoán.

Về dài hạn, doanh nghiệp thực hành ESG có thể làm hài lòng cơ quan quản lý, khách hàng, đối tác, từ đó gia tăng lợi ích.

Thực hành ESG đòi hỏi doanh nghiệp phải cân đối được cả ba yếu tố là môi trường, xã hội và quản trị. Tuy nhiên, ông Smith nhìn nhận, yếu tố G – quản trị sẽ đóng vai trò then chốt và quan trọng nhất.

Vị giám đốc nghiên cứu của Yuanta Việt Nam lý giải, quản trị tốt đảm bảo doanh nghiệp được quản lý một cách minh bạch và có trách nhiệm.

Chính vì vậy, quản trị là yếu tố tiên quyết. Doanh nghiệp chưa thực hiện quản trị tốt thì cũng khó có thể tạo ra tác động tích cực tới môi trường và xã hội. Các hành động hướng đến môi trường và xã hội có thể thất bại nếu quản trị không được đầu tư triển khai đúng mức.

“Tôi không tin doanh nghiệp quản trị kém lại có thể quan tâm tới môi trường và xã hội”, ông Smith nói tại Hội thảo Tìm động lực tăng trưởng từ ESG do Báo Đầu tư tổ chức.

Đó cũng là yếu tố nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Nhìn vào cách thức quản trị, nhà đầu tư có thể xác định tính ổn định và tiềm năng của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận xét, đạt được yếu tố quản trị là cách để doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, bà Thủy cho biết, quản trị cũng là khâu khó khăn nhất khi doanh nghiệp thực hành ESG. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp nhận thức được tính cấp thiết của ESG nhưng chưa rõ ràng về lợi ích đem lại cũng như nên bắt đầu từ đâu.

Theo số liệu từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, 80% doanh nghiệp đưa ra cam kết ESG hoặc có kế hoạch thực hiện ESG trong 2 – 4 năm tới. Tuy nhiên, có đến 76% trong số đó thiếu cơ cấu quản lý rõ ràng về các hoạt động hướng đến ESG.

Để nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp trong triển khai ESG, theo ông Smith, vai trò quan trọng đến từ các nhà đầu tư cũng như nhà quản lý, cần phải trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp để điều chỉnh chiến lược dài hạn của doanh nghiệp theo hướng đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan, đảm bảo hiệu suất cả về tài chính và phát triển bền vững.

Ông Smith cho biết, so với trước đây, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề quản trị, bởi thực tế đây là con đường duy nhất để doanh nghiệp theo đuổi ESG như một điều kiện bắt buộc.

Chính vì vậy, đại diện Yuanta Việt Nam bày tỏ lòng tin rằng yếu tố quản trị sẽ được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cải thiện tích cực trong thời gian tới. Đây là nền tảng giúp thực hành ESG trở nên thực chất hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chứng kiến những biến động khó lường.