Quảng bá du lịch quốc gia mùa đại dịch

Lê Sỹ Quyền – CEO Công ty Indochina Pioneer Tours - 14:29, 02/05/2020

TheLEADERViệt Nam đang có rất nhiều lợi thế và được quốc tế thường xuyên nhắc tên, việc thiếu quan tâm đến hoạt động marketing du lịch có thể làm cho chúng ta trở thành kẻ đi trước mà lại về sau trong cuộc đua dành được những khách hàng đầu tiên sau đại dịch và phục hồi, phát triển ngành du lịch quốc gia.

Đại dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành trên khắp thế giới và chưa có đủ tín hiệu khả quan để dự đoán khi nào thì được kiểm soát hoàn toàn, khi nào các hoạt động kinh tế có thể trở lại bình thường như trước. 

Tuy nhiên, với những gì chúng ta đã làm được đến thời điểm này, tôi cho rằng đây là thời cơ để du lịch Việt Nam thực hiện một chương trình tiếp thị quốc gia bài bản, chất lượng để có thể đón đầu làn sóng phục hồi sau đại dịch. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin bàn đến các vấn đề về quảng bá du lịch Việt Nam cho đối tượng khách quốc tế đến.

Trước hết, cùng điểm qua một vài thuận lợi

Trong cuộc chiến chống lại Covid-19, Việt Nam đã đạt được những thành công rất lớn nhờ sự chỉ đạo sát sao của chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân. 

Trong bối cảnh chúng ta chung đường biên giới với Trung Quốc là ổ dịch lớn và đầu tiên trên thế giới, Việt Nam đã kiềm chế và kiểm soát thành công đại dịch, chăm lo cho an toàn sức khỏe và đời sống nhân dân, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón bà con kiều bào về nước tránh dịch và chữa bệnh, phát hiện, điều trị miễn phí cho người nước ngoài ở Việt Nam, hợp tác chia sẻ thông tin, hỗ trợ các nước bạn trong công tác phòng chống dịch bệnh… là những thành tích nổi bật, hiếm hoi trên thế giới, được nhiều quốc gia trên thế giới bày tỏ sự ngưỡng mộ.

Hết ngày 1 tháng 5 năm 2020, Việt Nam đã trải qua 15 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, 219/270 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh. Trong số 51 người đang được điều trị, có 9 người đã được xét nghiệm âm tính lần một, 7 người được xét nghiệm âm tính lần 2. 

Các hành động phòng chống dịch đã được thực hiện từ rất sớm: Công tác phát hiện bệnh nhân, cách ly phân vùng dịch, giãn cách xã hội… đã chứng minh cho hiệu quả rất ấn tượng. Uy tín của chính phủ với niềm tin của nhân dân trong và ngoài nước và với các đối tác trên thế giới được nâng cao hơn bao giờ hết.

Cũng cùng thời gian này, Việt Nam đang đồng thời nắm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục 192/192. Ở khu vực, Việt Nam hiện đang là Chủ tịch ASEAN 2020. Vị thế và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế đang rất có uy tín.

Cũng mới gần đây, Việt Nam chính thức tham gia các hiệp định thương mại tự do quan trọng là CPTTP và EVFTA nhưng chưa kịp có nhiều hành động quảng bá đất nước đáng kể từ sau những sự kiện quan trọng này.

Trước đại dịch và hiện tại, đang có làn sóng dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc, và Việt Nam đã được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới tin tưởng chọn làm nơi đặt các cơ sở sản xuất mới. Việt Nam đang là điểm đến mới của các nhà đầu tư.

Trong 10 năm trở lại đây, du lịch Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng 2 con số. Theo Hội đồng tư vấn du Lịch, năm 2019, du lịch Việt Nam đóng góp 9% vào GDP của cả nước. Hình ảnh về đất nước, con người, điểm đến của Việt Nam được bạn bè quốc tế và du khách đánh giá rất cao. Chúng ta nằm trong Top 10 các nước có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới.

Một vài đề xuất cho các chương trình hành động sắp tới

Tình hình đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và chưa thể dự đoán được khi nào thì dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, khi nào thì các đường bay quốc tế được khôi phục với các tần suất như trước, khi nào chính phủ lại cho phép mở cửa đón khách du lịch quốc tế. 

Marketing du lịch quốc gia Việt Nam mùa Covid-19
Lê Sỹ Quyền – CEO Công ty Indochina Pioneer Tours

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta dừng quảng bá về đất nước, con người, cảnh quan của Việt Nam ra thế giới. Việc tận dụng thời gian này và uy tín đạt được từ những thành tựu nổi bật đã kể trên để tiến hành xúc tiến du lịch quốc gia từ sớm là điều hết sức rất cần thiết. Tôi xin được đề xuất mấy giải pháp như sau:

“Xã hội hóa” quảng bá du lịch Việt Nam

Trước hết, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Tổng cục du lịch Việt Nam đóng vai trò nhạc trưởng trong chiến dịch truyền thông đại chúng, mà tôi xin phép dùng cụm từ quen thuộc là “xã hội hóa việc quảng bá du lịch Việt Nam”.

Với một doanh nghiệp, khi thị trường gặp khó khăn cũng không được cắt bỏ hoàn toàn việc marketing. Trong bối cảnh hiện nay, dù du lịch đang là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng đây cũng có thể là thời điểm tốt nhất để tranh thủ quảng bá du lịch quốc gia một cách khéo léo, tự nhiên, chân thành, người thật việc thật. Nói theo ngôn ngữ của marketing, lúc này chúng ta chú trọng làm Marketing For Brand. Việc quảng bá hình ảnh đất nước sẽ có tác dụng rất lớn đến các chiến dịch quảng cáo truyền thông thực dụng hơn khi thị trường trở lại.

Còn nhớ cách đây 2, 3 năm, khi Bộ Ngoại giao, Vietnam Airlines và một số đơn vị làm những video clip về Việt Nam, một cách vô tình, xã hội đã hưởng ứng với hàng loạt các video tự làm của các cá nhân, các doanh nghiệp trên khắp mọi miền tổ quốc để góp phần quảng bá hình ảnh đẹp, trải nghiệm hay, sản phẩm du lịch mới. Dù các hoạt động này là tự phát nhưng không thể phủ nhận vai trò to lớn của những đóng góp này cho sự phát triển ấn tượng của du lịch Việt Nam trong 2 năm qua, khi rất nhiều những sản phẩm của họ đã được lan truyền và được yêu thích trên khắp thế giới.

Nên chăng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Tổng cục du lịch Việt Nam phát động phong trào, hoặc tổ chức các cuộc thi “cùng chung tay quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới”? Các chương trình này cần có sự phối hợp chuyên môn với các cơ quan quản lý du lịch địa phương, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, các tổ chức hữu nghị, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, sinh viên Việt Nam và cộng đồng người Việt ở nước ngoài… 

Theo tôi, nếu làm được điều này một cách sâu rộng, chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong việc truyền cảm hứng du lịch, tạo dựng mong muốn sớm được đến thăm và trải nghiệmp Việt Nam ngay khi đại dịch kết thúc. Thậm chí có thể dành được nhiều “booking” sớm khi đại dịch chưa hẳn đã qua.

Online, online, online!

Tính đến thời điểm này, gần như 100% các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch truyền thống trên toàn thế giới đã bị hủy hoặc dời sang năm sau. Tôi đề nghị sử dụng 100% kinh phí quảng bá du lịch quốc gia năm 2020 cho các hoạt động quảng bá online truyền cảm hứng và thông điệp điểm đến an toàn.

Để việc này mang lại kết quả tốt, cần có chiến lược và kế hoạch thực hiện bài bản. Hai năm 2018 và 2019, chúng ta đã tổ chức được 2 chương trình diễn đàn kinh tế quốc gia lớn, đã mời được rất nhiều các hãng tư vấn, các đối tác công - tư quốc tế đến tham dự và đóng góp tham luận, ký kết hợp tác. Với một chương trình quảng bá hình ảnh quốc gia, tôi cho rằng cần hợp đồng với một hãng quảng cáo uy tín trên thế giới để xây dựng kịch bản, chiến lược Online Marketing cho du lịch Việt Nam.

Các trang mạng xã hội, kênh truyền thông, quảng bá chính thức của Việt Nam cần phải được thiết lập và quản lý, phát triển một cách chính thống, bài bản, chuyên nghiệp, phục vụ mục tiêu chung là phát triển du lịch Việt Nam chứ không quảng bá cho bất cứ doanh nghiệp nào. Những kênh này (Facebook, Instagram, Tiktok, Twitter, Youtube…) phải được xây dựng làm các kênh Social Media quốc gia về du lịch.

Cũng cần có các kế hoạch chi tiết cho các kênh báo điện tử, mạng lưới bloggers, KOL trong nước và quốc tế để “nuôi” danh tiếng và uy tín du lịch Việt Nam. Các bài viết trên báo điện tử uy tín trên thế giới, các post của bloggers, KOL luôn có tác dụng lan truyền lớn, tạo cảm hứng và có tác dụng lâu dài. Trong thời kỳ này, tôi tin các nhà báo, các bloggers và KOL sẽ sẵn sàng nhận “đặt hàng” sáng tạo nội dung. Với xu hướng hiện tại, các nội dung nhẹ nhàng, hài hước, ấn tượng và ngắn sẽ có tác dụng lan truyền lớn, hiệu quả cao.

Tập trung quảng bá Việt Nam như là điểm đến cao cấp

Lẽ thường, sau khủng hoảng các doanh nghiệp sẽ đua nhau giảm giá, khuyến mãi để dành giật khách hàng, nhằm nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, ở tầm quốc gia, thiết nghĩ việc quảng bá Việt Nam như một điểm đến cao cấp là chiến lược nên thực hiện.

Bên cạnh thực tế là khi quảng bá hình ảnh điểm đến cao cấp thì khách hàng ở mọi “cấp” đều được tạo cảm hứng, tò mò và đều mong muốn được đến Việt Nam du lịch. Việc định vị Việt Nam là điểm đến cao cấp cũng đồng thời là việc chọn lựa thị trường mục tiêu, thoát khỏi tiếng “Việt Nam là điểm đến du lịch giá rẻ” bấy lâu nay. 

Trên thực tế, những năm gần đây các điểm du lịch cao cấp, các dịch vụ lưu trú và các hoạt động du lịch sang trọng đã được đầu tư rất nhiều, rất bài bản, được thế giới đánh giá rất cao. Trong quãng thời gian “ngủ đông” của thị trường, thiết nghĩ chúng ta cần truyền tải thông điệp mới, định vị thị trường mới cho du lịch Việt Nam. 

Rất nhiều những cuộc hội thảo, diễn đàn chuyên đề về du lịch những năm gần đây bàn đến việc định vị phân khúc khách du lịch cho Việt Nam, theo tôi, đây chính là thời điểm tốt nhất để hiện thực hóa những ý tưởng đã được bàn đến, khi thị trường cho phép chúng ta chọn lựa và “làm lại” những điều chưa ưng ý.

Chuẩn bị tốt để đón làn sóng khách du lịch quốc tế mới hậu Covid-19

Học tập mô hình một vài nước bạn như Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc, sự xuất hiện của cơ quan quản lý du lịch (dù trực tiếp hay gián tiếp) trước các đoàn khách đông người, quan trọng luôn được họ thể hiện một cách rất bài bản, chuyên nghiệp. Ví dụ như Hàn Quốc mời bữa ăn chào mừng, Thái Lan có đại diện chính quyền tặng hoa và quà, Đài Loan miễn thị thực, giảm giá vé máy bay… Điều này không những kích cầu du lịch đến bằng dịch vụ, mà còn gây rất nhiều thiện cảm cho du khách về sự mến khách và tạo cảm giác an toàn ngay từ ấn tượng đầu tiên.

Vậy nên theo tôi, Tổng cục du lịch cũng cần xác lập các hoạt động thể hiện sự xuất hiện, mang tính đại diện của mình, là cơ quan quản lý cao nhất của ngành, với hình ảnh thân thiện hơn với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Việc chăm chút môi trường, cảnh quan, cải thiện môi trường kinh doanh du lịch cũng cần có sự giám sát nghiêm khắc của cơ quan quản lý nhà nước. Là doanh nghiệp đưa khách đến các địa phương, chúng tôi cũng rất mong đợi khách hàng của mình có cảm giác họ được chăm lo chu đáo, không chỉ ở dịch vụ của doanh nghiệp lữ hành, mà còn từ những điều họ cảm nhận được khi tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở mỗi điểm đến.

Những đoàn khách đầu tiên đến địa phương sau khi hết dịch sẽ là những đoàn khách cần được chăm sóc thật tỉ mỉ. Ngoài ý nghĩa họ khởi đầu cho sự phục hồi của kinh tế du lịch, ấn tượng của họ về dịch vụ và chất lượng điểm đến sẽ mang lại những lợi thế rất lớn khi thông tin truyền miệng (Viral) từ họ đến các lớp khách tiếp theo.

Đối với các công ty/ hãng du lịch gửi khối lượng khách lớn đến Việt Nam trước Covid-19, một lần nữa tôi lại đánh giá cao sự xuất hiện của Tổng cục du lịch trong thời gian này. Ngoài nỗ lực duy trì mối quan hệ làm ăn kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam với họ, sự xuất hiện của Tổng cục du lịch trong công tác “chăm sóc khách hàng” là các hãng lớn này cũng sẽ mang ý nghĩa rất lớn. Có thể bằng thư từ, email, họp trực tuyến, Tổng cục du lịch tiếp cận, khuyến khích, động viên và hứa hẹn một số ưu đãi cho những đối tượng khách hàng lớn này sẽ thúc đẩy họ quảng bá, bán nhiều tour sang Việt Nam hơn, sớm hơn và hiệu quả hơn.

Lời kết

Covid-19 là cuộc thanh lọc tàn nhẫn với thị trường du lịch, nhưng ở tầm quốc gia, đây lại là cơ hội vàng để chúng ta chuẩn bị, tái cấu trúc, và bứt phá sau đại dịch. Trong khi các doanh nghiệp vẫn đang bền bỉ xoay xở để sống sót mà không quên marketing cho sản phẩm, dịch vụ của mình, chúng tôi cũng mong đợi Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Tổng cục du lịch thể hiện vai trò nhạc trưởng để định hướng, dẫn dắt toàn ngành vượt khó.

Đọc các trang báo, tạp chí du lịch online, các công cụ tìm kiếm, cập nhật thông tin từ các hiệp hội du lịch trên thế giới, tôi thấy về hình thức quảng bá của các doanh nghiệp và điểm đến trên thế giới đã có nhiều thay đổi trong thời kỳ dịch Covid-19 theo hướng nhẹ nhàng, nhắc nhớ và bớt tính thực dụng “marketing for sales” hơn, nhưng sự sôi động của các hoạt động marketing này không hề ít hơn trước. Trái lại, các chiêu quảng cáo marketing của họ còn trở nên sáng tạo, hấp dẫn và ấn tượng hơn trước rất nhiều.

Từ đầu tháng 2 khi Covid-19 thực sự có tác động mạnh lên thị trường du lịch Việt Nam, chúng tôi cũng nhận ra một sự đoàn kết, sẻ chia chưa từng có trong giới kinh doanh du lịch Việt Nam. Hàng loạt các hội nhóm được nhanh chóng thành lập trên các trang mạng xã hội, rất nhiều các cuộc hội thảo online được tổ chức cùng bàn hướng đi, chia sẻ cách làm để đối phó với hậu quả của đại dịch. Thật tiếc, đại bộ phận các hoạt động này là tự phát và chú trọng vào các nghiệp vụ nhỏ lẻ, ít tính hoạch định cho tương lai của toàn ngành.

Thật sai lầm khi cho rằng khi không ai đi du lịch thì không cần quảng cáo nữa. Đúng là chi phí cần được tối ưu, nội dung quảng bá cần được tinh chỉnh, nhưng hoạt động marketing du lịch thì không thể hoàn toàn cắt bỏ trong lúc này. Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế và được quốc tế thường xuyên nhắc tên, việc thiếu quan tâm đến hoạt động marketing du lịch có thể làm cho chúng ta trở thành kẻ đi trước mà lại về sau trong cuộc đua dành được những khách hàng đầu tiên sau đại dịch và phục hồi, phát triển ngành du lịch quốc gia.