Việt Nam cần nghiêm túc tính đến việc đổ thêm tiền cho quảng bá du lịch

Đức Chinh - 08:43, 19/04/2019

TheLEADERNhiều ý kiến cho rằng, chi phí quảng bá du lịch của Việt Nam cần tăng lên ít nhất gấp 10 lần hiện nay.

Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 80/136 quốc gia về hiệu quả của hoạt động tiếp thị và quảng bá thương hiệu, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và thậm chí còn bị bỏ sau bởi Lào (vị trí 35) và Campuchia (73).

Trong Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành du lịch và lữ hành 2017, Việt Nam dừng ở mức 4/7 điểm.

Điều này cho thấy mặc dù liên tục tăng trưởng cao trong nhiều năm, ngành công nghiệp không khói của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục vươn lên về chất, cạnh tranh trong khu vực ASEAN.

Sở hữu tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh hơn các quốc gia cùng khu vực, chi phí đầu tư của Việt Nam cho quảng bá hình ảnh tới du khách quốc tế lại đang ở mức rất khiêm tốn.

Theo Tổng cục Du lịch, ngân sách dành cho quảng bá du lịch của Việt Nam đạt khoảng 2 triệu USD, “một con số thậm chí không thể mua được nhiều thời gian phát sóng trên CNN”, Forbes nhận định.

Trong khi đó, Thái Lan chi tới 100 triệu USD và mức trung bình của nhiều quốc gia khác cũng đạt tới 70 – 80 triệu USD.

Theo Forbes, nếu Việt Nam không tận dụng được lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan tươi đẹp và đầu tư nhiều hơn cho quảng bá du lịch trên thị trường quốc tế, ngành du lịch Việt Nam sẽ bị các quốc gia láng giềng “vượt mặt”.

Việt Nam có nên đổ thêm tiền vào quảng bá du lịch?
Việt Nam đang dành cho du lịch một lượng quá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực

Chia sẻ với TheLEADER, ông Martin Koerner, Đồng Chủ tịch Tiểu ban Du lịch & Nhà hàng – Khách sạn của EuroCham cho rằng Việt Nam không cần chi tiêu quá nhiều tiền vào việc thúc đẩy hình ảnh.

“Thái Lan chi nhiều tiền cho du lịch mỗi năm, có văn phòng tại các cửa ngõ du lịch như Mỹ, châu Âu, làm rất nhiều hoạt động quảng bá trực tiếp đến thị trường nguồn. Singapore cũng như vậy và họ có rất nhiều triển lãm quốc tế”.

“Tôi không nghĩ rằng Việt Nam cần chi quá nhiều tiền để thúc đẩy hình ảnh. Việt Nam đã là một quốc gia được nhiều người biết đến và muốn đến. Điều chúng ra cần làm sao giảm rào cản để mọi người đến Việt Nam”, ông Martin Koerner nhấn mạnh.

Theo ông, không cần thiết dành quá nhiều tiền vào quảng cáo mà thay vào đó, mở rộng thị thực cho khách quốc tế.

Nhận định về bài học từ đầu tư vào du lịch của Thái Lan với TheLEADER bên lề Diễn đàn Cấp cao du lịch Việt Nam đầu tháng 12, CEO AirAsia Tony Fernandes cho rằng: “Thái Lan đang làm tốt hơn những người khác nhưng họ không làm du lịch trong 1 năm, họ đã làm trong 50 năm nay. Trong khi đó Việt Nam cách đây hơn một thập kỷ, hầu như không ai nghĩ đến việc tới đây du lịch”.

Vị tỷ phú cho rằng so sánh với Thái Lan sẽ là điều rất khó cho Việt Nam khi đầu tư của Việt Nam mới dừng lại ở mức 2 triệu USD.

“Thế nhưng điều này không có nghĩa là không thể và Việt Nam sẽ cần nỗ lực hơn nữa. Chúng ta đều thấy rằng du lịch hiện nay đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế, do đó, cần một cái nhìn nghiêm túc về du lịch và điều này cần thời gian, cần sự chăm chỉ”, ông nhấn mạnh.

Vấn đề đặt ra cho du lịch Việt Nam là phải tìm ra được những sản phẩm đặc trưng, chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam và quảng bá rộng rãi đến du khách khắp thế giới.

Ông John Lindquist, cố vấn cấp cao Boston Consulting Group, thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng Việt Nam cần có những chiến dịch rộng hơn, trong nhiều lĩnh vực và đặc biệt là cần nghĩ đến thương hiệu của cả quốc gia.

Theo ông, chi phí cho quảng bá du lịch của Việt Nam dù không thể ngay lập tức bằng các quốc gia khác nhưng cũng cần tăng lên 20-30 triệu USD.

Việt Nam có nên đổ thêm tiền vào quảng bá du lịch? 1
Hiệu quả xúc tiến là yếu tố cần chú trọng nâng cao trong bối cảnh số lượng còn khiêm tốn

EuroCham trong Sách Trắng 2019 nhận định tiếp thị số và tiếp thị xã hội qua Facebook, Google, YouTube và Instagram là cách quảng bá du lịch tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với tiếp thị truyền thống.

Ngày càng nhiều người trên thế giới tham gia vào các hoạt động trực tuyến để lên kế hoạch và lựa chọn điểm đến và trên thực tế, điện thoại thông minh đang trở thành một phần không thể thiếu trong họa động du lịch và lữ hành.

Theo nghiên cứu về du khách số toàn cầu (The Global Digital Traveler Research) của Travelport, 50% du khách sử dụng điện thoại thông minh để lập kế hoạch, nghiên cứu và đặt vé khi đi du lịch, gần 25% du khách trên 55 tuổi sử dụng điện thoại thông minh để nghiên cứu chuyến đi.

Hiệp hội này kiến nghị Việt Nam tăng cường quảng bá song vẫn tiết kiệm chi phí thông qua các kênh tiếp thị số, các ứng dụng thân thiện với người dùng trên điện thoại thông minh, tiếp thị xã hội hiệu quả nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin toàn diện và hữu ích cho du khách.

Ngoài ra, Việt Nam cần mở các trung tâm thông tin du lịch, có thể bằng công nghệ ảo, trên khắp thế giới, tập trung vào những quốc gia Việt Nam hạn chế cấp thị thực để tăng cường quảng bá Việt Nam. Tiêu chuẩn trang web du lịch của Việt Nam cần được cải thiện và cập nhật.

“Phân bổ mức ngân sách Nhà nước hợp lý hơn cho quỹ quảng bá du lịch quốc gia để hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo điều kiện cho Hợp tác Công - Tư để quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ quảng bá du lịch với mục tiêu quảng bá Việt Nam là điểm đến hàng đầu tại khu vực ASEAN”, EuroCham kiến nghị.

Kinh phí không chỉ đóng góp cho các hoạt động quảng bá mà cả các sáng kiến hỗ trợ các mục tiêu dài hạn của ngành du lịch lữ hành, bao gồm công tác bảo tồn văn hóa và môi trường, phát triển sản phẩm và cải thiện cơ sở hạ tầng.