Quảng Ninh công bố xếp hạng DDCI 2020

Quỳnh Chi - 15:40, 19/03/2021

TheLEADERDDCI Quảng Ninh 2020 đánh dấu hành trình 6 năm bền bỉ và đầy trách nhiệm của chính quyền các cấp cũng như của cộng đồng doanh nghiệp trong việc góp phần xây dựng thương hiệu môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Quảng Ninh.

Quảng Ninh công bố xếp hạng DDCI 2020
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh vừa công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) 2020. Chỉ số này được xây dựng dựa trên tổng hợp ý kiến của khoảng 2.080 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. 

Theo kết quả xếp hạng DDCI Quảng Ninh 2020, Ban quản lý các khu kinh tế giữ vị trí quán quân trong khối sở, ban, ngành với điểm số 83,83, tăng hai bậc xếp hạng so với năm trước. Sở Thông tin và truyền thông năm thứ hai liên tiếp nằm trong nhóm năm đơn vị thuộc nhóm rất tốt, vươn từ vị trí thứ năm trong năm 2019 lên vị trí thứ hai trong năm 2020, đứng đầu chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin trong tám chỉ số thành phần.

Về khối các huyện, thị xã, thành phố, thành phố Cẩm Phả vươn lên vị trí thứ nhất với 72,10 điểm; tiếp sau là huyện Cô Tô (71,17 điểm) vươn lên vị trí thứ hai từ vị trí thứ sáu của năm trước. 

Là một trong những địa phương tiên phong triển khai và được đánh giá là bài bản, chuyên nghiệp, Quảng Ninh không ngừng hoàn thiện, chuẩn hóa bộ chỉ số DDCI và tiếp tục tìm kiếm ý tưởng mới trong năm 2020. So với năm 2019 và các năm trước, bộ chỉ số DDCI năm nay của địa phương này có một số cải tiến để phản ánh tốt hơn những vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến môi trường kinh doanh của tỉnh. 

Cụ thể, chỉ số thành phần tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất đưa vào đánh giá thử nghiệm năm 2019 đã được phát triển đầy đủ thành chỉ số tiếp cận đất đai và điều kiện cơ sở hạ tầng. Chỉ số này phản ánh mối quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp về một trong những động lực quan trọng nhất để Quảng Ninh tiếp tục bứt phá tăng trưởng trong giai đoạn tới. 

Bộ chỉ số DDCI Quảng Ninh 2020 có một số điểu chỉnh nội dung của một số chỉ số thành phần để phản ánh tốt hơn các yêu cầu mới đặt ra với các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, bộ chỉ số bổ sung nội dung đánh giá hiện tượng đùn đẩy công việc giữa các sở, ban, ngành hoặc đùn đẩy công việc lên cấp có thẩm quyền cao hơn vào phần chi phí thời gian đối với khối sở, ban, ngành. 

DDCI Quảng Ninh 2020 là dấu mốc đáng nhớ ghi lại hành trình sáu năm bền bỉ và đầy trách nhiệm của chính quyền các cấp cũng như của cộng đồng doanh nghiệp góp phần xây dựng thương hiệu môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Quảng Ninh. DDCI Quảng Ninh 2020 ghi nhận được những đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh về công tác điều hành kinh tế của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể đối với khối địa phương, điểm trung vị được cải thiện so với năm 2019, đạt 63,85 điểm. Trong chỉ số về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, có 88% doanh nghiệp đánh giá các hoạt động, quy hoạch, kế hoạch, ngân sách của địa phương được cập nhật thường xuyên và đầy đủ. 94% doanh nghiệp đánh giá cổng thông tin cập nhật đầy đủ các văn bản, thủ tục hành chính và cơ chế chính sách.

Về chi phí thời gian, 94% doanh nghiệp ghi nhận thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đúng hoặc nhanh hơn so với quy định. Về chỉ số chi phí không chính thức, chỉ còn 7% doanh nghiệp phản ánh trả lời có hiện tượng cán bộ gây khó khăn để trục lợi. 

Về hoạt động hỗ trợ và đối thoại với doanh nghiệp, trên 96% doanh nghiệp khẳng định hoạt động này thực chất, 89% doanh nghiệp tham gia đối thoại đồng tình rằng chính quyền địa phương đã có kế hoạch cụ thể, tiếp thu và thay đổi sau các buổi đối thoại. Về chỉ số tiếp cận đất đai và điều kiện cơ sở hạ tầng, 78% doanh nghiệp đánh giá tốt về chất lượng cơ sở hạ tầng xung quanh địa điểm sản xuất, kinh doanh.

Đối với khối sở, ban, ngành, liên quan đến tính năng động, 97% doanh nghiệp đánh giá các sở, ban, ngành đã thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách UBND tỉnh. 92% doanh nghiệp khẳng định các sở, ban, ngành đã chủ động tham mưu, kiến nghị với UBND tỉnh những đề xuất cụ thể theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. 

Về chi phí thời gian, 95% doanh nghiệp nhận định thời gian thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đúng quy định. Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đánh giá rất cao nỗ lực của các sở, ban ngành, 87% doanh nghiệp nhận định các chương trình hỗ trợ là thực chất, 81% doanh nghiệp nhận định hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã cải thiện nhiều hoặc rất nhiều.

DDCI Quảng Ninh một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán cầu thị và lắng nghe doanh nghiệp của chính quyền tỉnh qua các thời kỳ. DDCI giúp tất cả các đơn vị tham gia đánh giá phân tích bức tranh chi tiết hơn về năng lực, kết quả và tác động của hoạt động điều hành kinh tế. Trưng cầu ý kiến doanh nghiệp thường niên một mặt giúp tỉnh Quảng Ninhxác định những nút thắt trong công tác điều hành, mặt khác trực tiếp hỗ trợ tất các đơn vị tham mưu điều hành trong công tác lập kế hoạch, triển khai và chủ động đánh giá.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, trong số 54 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã thực hiện đánh giá DDCI, Quảng Ninh là địa phương có cách thức thực hiện bài bản, cam kết cao và thực thi hiệu quả nhất. 

Ông Tuấn cho rằng, việc triển khai DDCI hiệu quả là một trong những yếu tố đóng góp cho việc giữ vững vị trí số 1 của tỉnh Quảng Ninh về PCI trong ba năm gần nhất. Các phần tích của nhóm nghiên cứu cho thấy việc triển khai DDCI tại Quảng Ninh đem lại ảnh hưởng tính cực nhất lên các chỉ số thành phần: gia nhập thị trường; tính minh bạch thông tin; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo địa phương và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở ban ngành địa phương triển khai đồng bộ năm nhóm nhiệm vụ. 

Một là quán triệt tinh thần chính quyền phục vụ nhân dân. Hai là chuyển biến từ nghị quyết thành thực thi các chính sách, đổi mới phương pháp làm việc với triết lý lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm của phát triển. Ba là tỉnh chuẩn bị đề án cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bài bản hơn sâu sắc hơn, có tầm nhìn hơn, gắn với 3 khâu đột phát chiến lược. 

Bốn là, Ban xúc tiến đầu tư của tỉnh thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp. Năm là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền truyền thông để nâng cao nhận thức của cán bộ công chức đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, lan tỏa nhân rộng những kinh nghiệm thực tiễn, mô hình thử nghiệm chính sách.