Quảng Ninh tìm cách gỡ khó trong việc thực hiện các dự án đầu tư

Quỳnh Chi - 12:14, 06/09/2021

TheLEADERTỉnh Quảng Ninh hiện đang gặp năm điểm nghẽn trong đầu tư công và 13 hạn chế khi triển khai dự án ngoài ngân sách nhà nước.

Quảng Ninh tìm cách gỡ khó trong việc thực hiện các dự án đầu tư
Cầu Cửa Lục 1 thi công đạt 70% khối lượng công việc. Ảnh: Đỗ Phương

Dự án đầu tư công gặp khó

Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã xem xét phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh năm 2021 dựa trên cơ sở một số dự án, công trình chưa được triển khai, đẩy nhanh tiến độ, khẳng định quyết tâm trong việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, không để ngưng đọng vốn.

Tuy nhiên,  công tác triển khai dự án sử dụng vốn đầu tư công của địa phương này đang gặp phải năm "chướng ngại vật", theo ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Ninh.

Thứ nhất, việc thực hiện quy định tại khoản 2 điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019 trên thực tế rất khó khăn vì khó có thể lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư tất cả các dự án trong kế hoạch trung hạn 5 năm tại thời điểm đầu của kế hoạch. 

Đồng thời, mức vốn của dự án tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ không còn phù hợp khi triển khai thực hiện ở các năm sau, đặc biệt là những năm về cuối của kế hoạch. 

Trên cơ sở đó, trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư ngày 1/9/2021, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất, Luật Đầu tư công chỉ nên quy định điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn là nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành của địa phương và HĐND chỉ thông qua danh mục dự án cần đầu tư trong trung hạn.

Thứ hai, định nghĩa cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp không bao gồm các đơn vị trực thuộc UBND các cấp như ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực... đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị sửa đổi định nghĩa này tại điểm a khoản 1 điều 24 và điểm a khoản 1 điều 27 Luật Đầu tư công.

Thứ ba, thực tế đang cho thấy, nhiều dự án gặp vướng mắc khi điều chỉnh chủ trương đầu tư, do điều chỉnh một trong số các nội dung: thời gian thực hiện, mục tiêu, phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án... 

Vì vậy, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho rằng, bổ sung “các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư” sẽ giúp làm rõ các trường hợp cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, giúp các đơn vị có nhu cầu điều chỉnh dự án trong quá trình triển khai hạn chế vi phạm quy định.

Thứ tư là vướng mắc về chi đầu tư phát triển đối với cấp xã. HĐND cấp xã có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công vốn ngân sách cấp xã theo khoản 3 điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019. 

Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, cấp xã không có ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và cơ quan, tổ chức đủ kiều kiện làm chủ đầu tư, do đó chưa có cơ sở để triển khai thực hiện các bước theo quy định của Luật Xây dựng. Do đó, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư trao đổi với Bộ Xây dựng để có thông tư liên tịch hướng dẫn chi đầu tư phát triển đối với cấp xã.

Thứ năm, phân khai chi tiết, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm cũng đang tồn tại điểm bất cập. Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, do các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, kế hoạch cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và phải thực hiện ngay để đáp ứng yêu cầu. 

Theo quy định, tất cả nội dung điều chỉnh đều phải được HĐND cùng cấp thông qua, trong khi đó việc tổ chức một cuộc họp của HĐND cần phải có thời gian chuẩn bị nhất định, điều này phần nào ảnh hưởng đến việc điều chỉnh, phân khai vốn trong năm kế hoạch.

Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đề nghị xem xét, cho phép thực hiện cơ chế: đối với việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trong năm kế hoạch thì UBND xin ý kiến Thường trực HĐND cùng cấp trước khi quyết định và báo cáo lại HĐND cùng cấp tại cuộc họp gần nhất.

13 hạn chế khi thực hiện dự án ngoài ngân sách

Quảng Ninh đang ngày càng thể hiện xuất sắc vai trò là một cực tăng trưởng phía Bắc, đặc biệt, tỉnh được đánh giá là "thỏi nam châm" thu hút lượng lớn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Tuy nhiên, địa phương này cũng đang gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến các quy định hiện hành khi triển khai các dự án ngoài ngân sách. 

Quảng Ninh tìm cách gỡ khó trong việc thực hiện các dự án đầu tư 1
Hội nghị trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện dự án đầu tư của tỉnh Quảng Ninh theo hình thức trực tuyến

Năm điểm hạn chế đầu tiên được ông Dương chỉ ra. Một là chưa hướng dẫn cụ thể dự án nào thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án nào không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư mà chỉ đưa ra quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Hai là chưa thống nhất trong cách hiểu về “dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất” thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh. Ba là vướng về cơ sở xác định dự án thương mại dịch vụ. 

Bốn là thiếu hướng dẫn cụ thể về trình tự thực hiện trong trường hợp đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư đối với nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án. Năm là bất cập về thủ tục chấp thuận nhà đầu tư.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng phân tích rõ bảy băn khoăn trong qua trình thực hiện dự án ngoài ngân sách. 

Một là lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án xã hội hóa có đất sạch tại các địa bàn có giá trị thương mại cao, trung tâm khu dân cư có thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu hay không.

Hai là trường hợp nhà đầu tư đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng tiếp tục vi phạm, tuy nhiên nguyên nhân là do cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính, thì có được tiếp tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án hay không. 

Ba là chưa có quy định việc thực hiện trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước hay sau quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích đất khác. 

Bốn là chưa ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án. 

Năm là chưa có hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có một phần đất do nhà nước quản lý và một phần đất phải thực hiện giải phóng mặt bằng đối với các dự án sử dụng đất thương mại, dịch vụ. 

Sáu là chưa có hướng dẫn thủ tục cho phép chuyển mục đich sử dụng đất khác sang làm đất ở thực hiện trước hay sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Bảy là chưa có hướng dẫn việc thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10%, thay đổi tổng vốn đầu tư từ mức 20% trở lên là so với chủ trương ban đầu được duyệt hay so với chủ trương điều chỉnh trước đó.

Cuối cùng là tồn tại đến từ việc chưa có hướng dẫn cụ thể dự án khác thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Ghi nhận 5 vấn đề về đầu tư công và 13 nhóm vấn đề về đầu tư ngoài ngân sách của tỉnh Quảng Ninh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông khẳng định: “Nội dung nào đúng, chúng tôi sẽ ghi nhận và báo cáo với Chính phủ để trình Chính phủ có thể sửa đổi”.

Ông Đông nhấn mạnh, dù cơ chế chính sách đã và đang được hoàn thiện nhưng chưa bao giờ theo kịp được thực tiễn và đã nảy sinh nhiều cách hiểu khác nhau về các quy định.

“Tổ công tác sẽ tổng hợp lại các vướng mắc, đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi và thống nhất cách hiểu để triển khai thực hiện dễ dàng”, ông Đông cho biết.