Xử lý nghiêm nếu để chậm giải ngân vốn đầu tư công

An Chi - 15:42, 16/07/2020

TheLEADERThủ tướng Chính phủ đề nghị cả nước phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan không có chuyển biến.

Xử lý nghiêm nếu để chậm giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Đầu tư công là cứu cánh để thúc đẩy tăng trưởng hậu Covid-19

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao). Tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. 

Có ba bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Trong đó, có 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Về tình hình giải ngân một số dự án lớn, dự án quan trọng quốc gia, đặc biệt dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%.

Về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án giải ngân khoảng 690 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là hơn 1.827 tỷ đồng, đạt trên 10% kế hoạch được giao.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đã được Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 là 932 tỷ đồng. Hiện nay đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến đến ngày 20/8 tới sẽ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế.

Trước thực trạng các dòng vốn đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư Nhà nước đều chậm, thấp so với nhiệm vụ kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, còn nhiều bất cập. Số vốn còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là hơn 27.000 tỷ đồng, chiếm gần 6% kế hoạch. Trong giải ngân thì giải ngân vốn ODA là chậm nhất.

“Mỗi khi làm việc ở địa phương, làm việc với các bộ, ngành, thì các đồng chí đều đề cập là xin nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển địa phương, ngành mình, nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Điều đó diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ, nhất là những năm gần đây tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp”, Thủ tướng nói. 

Giải ngân năm nay tốt hơn mấy năm trước, tăng 9% so với cùng kỳ, nhưng tình trạng trì trệ vẫn xảy ra. Có nhiều địa phương làm tốt, năng động, quyết liệt, cụ thể, nhưng còn một số bộ, ngành, địa phương trì trệ, chưa biết làm việc, không quyết tâm, không chỉ đạo hệ thống vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai các dự án.

Trong khi đó, theo Thủ tướng Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người. Từ công trình đầu tư công mà giải quyết tiền lương, giải quyết vật liệu, giải quyết việc làm cho hàng triệu người.

Giải ngân vốn đầu tư công là một cứu cánh đối với đại dịch Covid-19, chứ không phải đầu tư công là nạn nhân của dịch bệnh. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%.

Thủ tướng nhấn mạnh, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ ngành, địa phương trong năm nay là phải giải ngân khoảng 28 tỷ USD, tương đương trên 630.000 tỷ đồng. Trong đó, địa phương chiếm gần 80%, còn lại là các bộ, ngành. 

Xử lý triệt để những ách tác trong giải ngân vốn đầu tư công

Đưa ra giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cả nước và từng địa phương phát động phong trào thi đua yêu nước về giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư FDI; học tập, trao đổi kinh nghiệm. Các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để làm tốt hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các bộ trưởng phải có một chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình. Chương trình ấy viết ngắn gọn với hành động mạnh mẽ và gửi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được tiền sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA. 

Từ đầu tháng 8 tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý. Trước hết phải xử lý các ách tắc trong từng địa phương, từng ngành và từ đó đưa ra những biện pháp cần thiết. Từng bộ, từng ngành phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tỉnh; tỉnh kiểm tra, đôn đốc huyện, xã. Trung ương kiểm tra một số bộ, ngành trọng điểm.

Thủ tướng đề nghị gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ. Cùng với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến.

Về vấn đề thủ tục, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương phải tạo mọi điều kiện cho địa phương, tiếp tục phân cấp, giao quyền công khai, minh bạch, "không để tình trạng là hồ sơ ngâm quá 1 tuần”.