Quảng Ninh dồn lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Quỳnh Chi - 07:43, 12/08/2021

TheLEADERLãnh đạo tỉnh Quảng Ninh xác định tập trung triển khai các biện pháp tháo gỡ những vấn đề cấp bách với phương châm “sớm nhất-hiệu quả nhất” nhằm giảm bớt thiệt hại, tác động tiêu cực cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất kinh doanh.

Quảng Ninh dồn lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Quảng Ninh vừa tổ chức hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bảy tháng đầu năm 2021.

Lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp

Hoạt động lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Quảng Ninh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn mặc dù đây là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. 

Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Ninh chia sẻ, hai năm nay, nhiều doanh nghiệp du lịch không có doanh thu trong khi đó vẫn phải đóng các khoản phí thuê đất cũng như phải duy trì đội ngũ bảo quản, sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất.

Nhiều đơn vị kinh doanh du lịch vay vốn ngân hàng để đầu tư và tái cơ cấu kinh doanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch do phải tạm dừng hoạt động dẫn đến nguy cơ không còn vốn để phục hồi sản xuất, không có khả năng trả nợ vay cả vốn và lãi vay; đóng thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, chi phí tiền lương và các chi phí phát sinh khác.

Do đó, các doanh nghiệp du lịch mong tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ nguồn vốn vay lưu động để có nguồn chi lương cho người lao động cũng như chi phí bảo dưỡng tàu. Đồng thời, quan tâm bổ sung thêm các đối tượng ngành du lịch như nhân viên điều hành, nhân viên tiếp thị... được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Mặc dù vượt qua nhiều thử thách và có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong sáu tháng cuối năm nay nhưng ông Jiang Zheng Tao, Phó giám đốc kinh doanh Công ty CTTV thuộc Tập đoàn Foxconn cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên quá trình vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố đang gặp khó khăn.

Doanh nhân này đề nghị tỉnh có biện pháp tích cực để quá trình vận chuyển hàng hóa được lưu thông, tạo sự ổn định trong sản xuất.

Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Quảng Ninh cũng bày tỏ mong muốn tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện được tiếp cận các thông tin về các dự án trên địa bàn tỉnh sâu rộng hơn nữa để có cơ hội được trưởng thành, phát triển hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới…

Mặc dù ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch cũng như đảm bảo tăng trưởng trên 8% trong bảy tháng đầu năm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội còn một số tồn tại, khó khăn và thách thức.

Cụ thể, dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm; ngành điện tăng thấp hơn so cùng kỳ; hầu hết các chỉ tiêu ngành dịch vụ, du lịch không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Tổng thu ngân sách giảm 6% so với cùng kỳ, trong đó thu xuất nhập khẩu giảm 26% so với cùng kỳ.

Quảng Ninh quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao đổi với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh

Qua phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong hội nghị gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bảy tháng đầu năm 2021, một số vấn đề khó khăn, thách thức chủ yếu đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ghi nhận.

Thứ nhất, nhu cầu trong các ngành đều giảm, việc suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội, ảnh hường đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Việc thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh làm hạn chế tối đa việc đi lại giao thương, cước vận tải đường biển và đường bộ đều tăng nên giá bán sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp giảm mạnh, dẫn đến sụt giảm về doanh thu.

Thứ hai, dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Do thiếu hụt dòng tiền, hầu hết các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngưng hoạt động. Trong khi đó chi phí sản xuất không giảm, thậm chí có xu hướng tăng lên do phải tăng chi phí thực hiện các biện pháp phòng chống dịch do đó đã làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thứ ba, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Dịch bệnh làm tiến độ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng, người lao động phải nghỉ luân phiên đế đảm bảo khoảng cách an toàn, trong khi doanh nghiệp vẫn phải chi trả các chi chí cho người lao động, tiền lãi vay ngân hàng, trả tiền điện, nước, nhiên liệu đầu vào, tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng thiết bị...

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không có khả năng thanh toán, không cân đối được thu chi, nên đa số các doanh nghiệp phải thực hiện cắt giảm lao động hoặc giãn hợp đồng lao động.

Thứ tư là khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp cho biết điều kiện của một số chính sách còn chặt chẽ, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ, chưa bao quát hết các tình huống và chưa được hướng dẫn cụ thể nên số các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách này còn thấp, chưa tạo tác động rõ rệt.

Đồng hành vượt khó cùng doanh nghiệp 

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, bởi sự phát triển của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của tỉnh.

Quảng Ninh quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 1
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

Ông Ký cũng kêu gọi các doanh nghiệp và các nhà đầu tư đẩy mạnh hơn nữa năng lực sản xuất vào những tháng cuối năm, góp phần cùng với tỉnh đạt mục tiêu kép năm 2021, tạo nền tảng mới cho những năm tiếp theo.

Để tháo gỡ đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian tới, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Quảng Ninh xác định rõ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá của tỉnh.

Tỉnh sẽ thành lập các đoàn công tác và các buổi sinh hoạt kết nối, đến làm việc trực tiếp với doanh nghiệp theo từng ngành nghề, từng nhóm lĩnh vực, đặc biệt là việc tổ chức tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư tỉnh Quảng Ninh và tiếp tục duy trì chương trình Cafe doanh nhân.

Quảng Ninh quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 2
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Các giải pháp nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chú trọng vào sáu nội dung chính.

Một là thực hiện các biện pháp, phòng chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hai là tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp, tăng sản lượng than, điện. Đặc biệt, phát huy vai trò động lực của ngành chế biến, chế tạo.

Ba là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp.

Bốn là xây dựng chính sách phát triển doanh nghiệp có tính chiến lược, khai thác lợi thế ngành, lĩnh vực để đón bắt cơ hội nhằm phục hồi nền kinh tế.

Năm là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên, khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, chống lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên.

Sáu là tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Tỉnh Quảng Ninh quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc" với sự vào cuộc của cả hệ thống, tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. 

Bên cạnh đó, địa phương này sẽ chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị nguồn lực cần thiết triển khai các biện pháp hỗ trợ dài hạn, bền vững giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh và có cơ hội quay trở lại mạnh mẽ hơn và thích ứng với bối cảnh mới đầy biến động.