Quỹ đầu tư Nhật: 'Việt Nam là thị trường đầu tư hấp dẫn hơn cả Thái Lan, Indonesia'

Đặng Hoa - 08:10, 15/01/2018

TheLEADERTheo ông Hiroyuki Ono, đại diện Quỹ ACA Investments thuộc Tập đoàn Sumitomo, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay, Việt Nam là thị trường đầu tư hấp dẫn hơn cả Thái Lan và Indonesia.

Quỹ đầu tư Nhật: 'Việt Nam là thị trường đầu tư hấp dẫn hơn cả Thái Lan, Indonesia'
Ông Hiroyuki Ono, đại diện Quỹ ACA Investments thuộc Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản.

Từ năm 2018, sau hơn một thập kỷ tham gia vào tổ chức Thương mại thế giới WTO, Việt Nam sẽ thực hiện các cam kết hội nhập sâu rộng hơn, bao gồm mở cửa thị trường và gỡ bỏ các rào cản kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.

Cụ thể, đối với Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), năm nay, Việt Nam cắt giảm sâu 2.918 dòng thuế từ 50 - 67%, có 604 dòng thuế cắt giảm trung bình từ 20 - 45% và 1.567 dòng có mức cắt giảm thấp từ 4 - 18%. 

Trong khi đó, thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), từ ngày 1/4/2018, Việt Nam cắt giảm thuế suất về 0% đối với 3.426 dòng thuế.

Từ góc độ một nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Hiroyuki Ono, đại diện của Quỹ ACA Investments thuộc Tập đoàn Sumitomo, đánh giá với tốc độ tăng trưởng GDP trên dưới 6,5% trong những năm qua cùng mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng mạnh, Việt Nam hiện là một thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư.

TheLEADER đã có dịp trao đổi với ông Hiroyuki Ono về những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam trong những năm qua?

Ông Hiroyuki Ono: Trong hơn một thập kỷ qua, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Số lượng các doanh nghiệp tăng lên mạnh mẽ cùng với đó là nhiều startup thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để thu hút các nhà đầu tư.

Gần đây mọi người thảo luận khá sôi nổi về chủ đề hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam cùng với nhiều các yếu tố liên quan.

Trong đó tôi cho rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất là thị trường vốn và IPO sẽ đóng vai trò quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật bản nói riêng cùng tìm tiếng nói chung, mục tiêu chung và tầm nhìn chung.

So với các nước khác trong khu vực thì Việt Nam đang ở đâu xét về phương diện đầu tư từ Nhật Bản?

Ông Hiroyuki Ono: Với tốc tăng trưởng GDP trên dưới 6,5% trong nhiều năm, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng. Đồng thời với mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng gấp năm lần so với 10 năm trước nhờ sự tăng trưởng của các chuỗi cung ứng, Việt Nam đang là một trong những thị trường tiềm năng nhất ở châu Á.

Tình hình đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều, tất nhiên theo chiều hướng tích cực với số lượng cũng như quy mô của các dự án đầu tư ngày càng tăng lên. 

Các dự án hợp tác trải rộng khắp nhiều lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ, điện tử, công nghệ thông tin.

Việt Nam đã vượt Thái Lan và Indonesia trở thành thị trường hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp Nhật đã và đang lên kế hoạch mở nhà máy, chi nhánh và cửa hàng tại Việt Nam, nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam có những thế mạnh nào để hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật, thưa ông?

Ông Hiroyuki Ono: Có một điều rất tuyệt là có rất nhiều người Việt đang mở công ty và làm chủ, trực tiếp điều hành công ty. Ở Nhật Bản có nhiều công ty lớn và đa số người dân đều phải đi làm thuê. Chính điều này sẽ giúp cho người Việt có một tư duy lãnh đạo tốt, nhận thức được tầm quan trọng của tính trách nhiệm trong công việc.

Khi các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Lúc này, các đối tác Việt đã có sẵn cho mình định hướng, chiến lược phát triển, họ nắm trong lòng bàn tay sản phẩm của mình, họ hiểu được tâm lý của khách hàng, điều này sẽ giúp các nhà đầu tư Nhật nhanh chóng tiếp cận và không bị mơ hồ.

Họ sẽ phải đối mặt với những thách thức nào từ các doanh nghiệp Nhật?

Ông Hiroyuki Ono: Các công ty của Nhật Bản được nhận xét là cẩn thận, có thể tin tưởng và là các đối tác có thể hợp tác dài hạn được. Tuy nhiên, do áp lực về chất lượng sản phẩm cao, doanh nghiệp Nhật thường khảo sát và tìm hiểu thông tin rất kỹ càng; quá trình này tốn rất nhiều thời gian. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã niêm yết của Nhật càng đòi hỏi cao hơn về các vấn đề liên quan đến việc quản trị, quản lý và giám sát hoạt động. Do đó, theo tôi hai bên cần trao đổi kỹ càng về định hướng chiến lược trước khi quyết định bắt tay hợp tác.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cuộc chơi giờ đây đã lớn hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp Việt phải tận dụng mọi nguồn lực và thế mạnh để thu hút đầu tư, cũng như những tiến bộ về công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm, dịch vụ, chẳng hạn như affiliate marketing (tiếp thị liên kết). 

Công nghệ thông tin sẽ là một trong những chìa khóa để các doanh nghiệp chạm tới thành công. 

Theo ông làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam sẽ diễn ra như thế nào trong những năm tới đây?

Ông Hiroyuki Ono: Các doanh nghiệp Nhật đang tìm đến Việt Nam rất nhiều. Hiện nay, xu hướng đầu tư vào các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang tràn ngập trên các mặt báo của Nhật Bản. 

Cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm và nhận thấy nhiều cơ hội ở đây.

Tuy nhiên khi bàn đến triển vọng đầu tư, chúng ta không nên chỉ đưa ra những con số mục tiêu cụ thể mà cần phải có sự tương tác hai chiều. Tức là các doanh nghiệp Việt phải hiểu rõ được đối tác của mình, họ là ai, họ đến từ đâu, họ có gì và họ muốn gì. 

Các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư cũng phải tìm hiểu kỹ thị trường và trở thành một phần trong thị trường đó không chỉ về kinh tế, đầu tư mà còn phải tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa và lối sống.

Đồng thời, tôi cho rằng đầu tư Nhật vào Việt Nam sẽ tăng nhưng tăng nhiều hay ít, một phần cũng phụ thuộc vào những chính sách của Chính phủ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thuận lợi hơn.

Xin cảm ơn ông!