Rạng Đông vẫn tắc dự án công nghệ cao nghìn tỷ tại Hòa Lạc

Thái Bình - 08:13, 14/10/2020

TheLEADERDự án công nghệ cao của Công ty Rạng Đông tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) vẫn chưa thể triển khai theo kế hoạch.

Rạng Đông vẫn tắc dự án công nghệ cao nghìn tỷ tại Hòa Lạc
Rạng Đông vẫn còn rất nhiều việc phải làm tại dự án công nghệ cao ở Hòa Lạc

Tháng 11/2019, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Rạng Đông) đề nghị với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đầu tư nhà máy nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm – hệ thống và giải pháp chiếu sáng xanh, thông minh và sản phẩm điện tử công nghệ cao.

Theo đó, Rạng Đông dự kiến cơ cấu lại sản phẩm của mình gồm 3 nhóm: Tiếp tục sản xuất các sản phẩm phổ thông để duy trì quy mô hoạt động, mở rộng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu, các sản phẩm công nghệ sinh thái LED 4.0.

Dự án này được coi là bước đột phá trong đề án chuyển đổi số công ty giai đoạn 2019-2025 tầm nhìn 2030. Mục tiêu đề án là đến 2025 Rạng Đông hoàn thành thông minh hóa khối sản xuất thực với 70-80% dữ liệu được kết nối, tự động xử lý, phân tích trong hệ thống thống nhất.

Theo hồ sơ đề xuất, dự án với diện tích 10ha, thời hạn sử dụng 50 năm, tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. 

Dự kiến quý III/2020 Rạng Đông sẽ ký hợp đồng thuê đất, nhận bàn giao đất trên thực địa từ Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và vận hành trong khoảng thời gian từ cuối năm 2022 tới cuối 2024.

Rạng Đông đặc biệt kỳ vọng vào phân khúc thị trường chiếu sáng (sản xuất, lắp đèn LED) tại Việt Nam khi đưa ra dự kiến doanh thu vượt 8.600 tỷ đồng vào năm 2025 – nhờ những sản phẩm LED 4.0 trong dự án đề xuất. 

Năm 2019, Rạng Đông mới chiếm 10% thị phần tại Việt Nam ở mảng này.

Trước đề xuất trên, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã yêu cầu Rạng Đông giải trình làm rõ nhiều vấn đề gồm: Công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, vốn đầu tư, sử dụng đất, đảm bảo môi trường...

Cơ quan này yêu cầu Rạng Đông phải giải trình về tính mới, tính hiện đại của các trang thiết bị đã qua sử dụng (hồ sơ đề xuất các trang thiết bị, dụng cụ trong dự án gồm cả mới và đã qua sử dụng). 

Về điểm này, Rạng Đông giải trình cho biết đã xem xét và giữ lại một số thiết bị được đầu tư từ năm 2017 đến nay (chủ yếu các thiết bị phục vụ khâu đo lường).

Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng lưu ý tổng diện tích các lô đất đề xuất của dự án chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất liên quan. Tuy nhiên, Rạng Đông chỉ cho biết đây là nhu cầu đất tối thiểu (10ha) để phục vụ dự án và kiên quyết với đề xuất này.

Đối với vấn đề nguồn lực của nhà đầu tư, đến hết tháng 9/2019, vốn chủ sở hữu của Rạng Đông là 870 tỷ đồng (trong khi số vốn đòi hỏi khi đăng ký thực hiện dự án là 1.491 tỷ đồng). 

Nhà đầu tư cũng chưa có giải trình về việc có đang đầu tư các dự án khác bằng nguồn vốn chủ sở hữu hay không?

Về vấn đề trên, Rạng Đông đưa ra con số góp thực của công ty là khoảng 696 tỷ đồng, phần còn lại (hơn 2.000 tỷ đồng) đến từ nguồn đi vay tổ chức tín dụng (được hé lộ bước đầu là cam kết tài chính của Ngân hàng TMCP Á Châu).

Theo giải trình của Rạng Đông (về thời gian hoàn vốn ban đầu 6 năm 2 tháng là cao, cần tính toán lại– theo nhận định trước đó của Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc), thời gian hoàn vốn của dự án dự kiến lên tới 7 năm 11 tháng.

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ 2020 hồi tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Đoàn Thăng đã hé lộ về việc tiến độ phê duyệt dự án bị chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ông Thăng cũng khẳng định dự án sẽ thu hồi được vốn sau 3 năm (nhờ việc được hưởng nhiều ưu đãi, đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp).

Hiện dự án vẫn đang nằm ở vòng thẩm định, chờ phê duyệt từ các cơ quan chức năng.

Về yêu cầu giải trình rõ về “tính mới, tính hiện đại của các trang thiết bị đã qua sử dụng” được đưa vào dự án, Rạng Đông cung cấp số liệu thể hiện: nhiều thiết bị đã được sử dụng từ năm 2017-2018, xuất xứ chủ yếu từ Quảng Châu (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), không được giải thích đặc tính kỹ thuật