Rào cản chặn dòng vốn vào khu công nghiệp ở TP. HCM

Hứa Phương - 17:42, 05/09/2023

TheLEADERThiếu đất là điểm nghẽn lớn nhất khiến các khu công nghiệp ở TP. HCM 'tuột' dòng vốn lớn.

Rào cản chặn dòng vốn vào khu công nghiệp ở TP. HCM
Khu chế xuất Tân Thuận là một trong những khu công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam

Mặc dù là địa phương đầu tiên của cả nước cho ra đời mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng TP. HCM đã và đang đối diện với những rào cản khiến cho dòng vốn đầu tư nước ngoài không thể “trú chân” tại đây.

Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết, các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm và mong muốn đầu tư vào TP. HCM.

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, đàm phán cũng như đề xuất về đất đai đã nảy sinh vướng mắc về đất đai bởi các nhà đầu tư yêu cầu diện tích đất lớn lên đến hàng trăm ha. “Đây cũng chính là điểm nghẽn lớn nhất khiến các khu công nghiệp ở TP. HCM bị “tuột” dòng vốn lớn”, ông Đức cho biết.

Kể từ khi khu chế xuất Tân Thuận ra đời vào năm 1991, đến nay, TP. HCM đã phát triển có 18 khu chế xuất, khu khu công nghiệp, khu công nghệ cao và đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80%.

Nhận thấy điểm nghẽn nên TP.HCM cũng đã chuẩn bị quỹ đất dành cho phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất,nhưng những vướng mắc về quy hoạch, đền bù giải tỏa đã làm hạn chế quỹ đất lớn để cung cấp cho các nhà đầu tư có nhu cầu.

Gần đây nhất, TP. HCM đã kiến nghị Chính phủ bổ sung khu công nghiệp Phạm Văn Hai 1 và Phạm Văn Hai 2 với tổng diện tích là 668 ha vào quy hoạch. Những dự án này đang được quy hoạch, đấu thầu, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở ra cơ hội tiếp tục thu hút đầu tư vào TP.HCM.

Bên cạnh diện tích đất sẵn sàng cho thuê, một số khu chế xuất, khu khu công nghiệp, khu công nghệ cao sắp hết thời hạn thuê, nhưng chính sách sau đó chưa rõ ràng cũng khiến nhà đầu tư băn khoăn.

Đơn cử như khu chế xuất Tân Thuận đến nay đã hoạt động 32 năm và đến năm 2041, tức chỉ còn 18 năm nữa, sẽ hết thời gian thuê đất 50 năm.

Theo ông Đức, hiện HBA nhận được nhiều câu hỏi của nhà đầu tư rằng sau năm 2041 họ có được tiếp tục thuê đất ở đây để phát triển nhà máy nữa hay không?

Hoặc có nhà đầu tư hiện muốn tăng vốn mở rộng nhà máy với quy mô lên đến hàng trăm triệu đô la nhưng lại băn khoăn ở việc thời gian thuê đất chỉ còn 18 năm.

Một vấn đề nữa được coi là điểm yếu của các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP. HCM là việc các khu này được ra đời từ thập niên 90 – thời điểm chưa có các khác niệm như khu công nghiệp sinh thái, công nghiệp sạch, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh trong khi những vấn đề này đã trở thành xu hướng buộc các khu này phải thích ứng để phát triển.

Hơn 30 năm trước, một số khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP. HCM chỉ là vùng hoang vu ở ngoại ô nhưng bây giờ đã nằm xen kẽ giữa khu dân cư và những khu này hiện vẫn trong tình trạng mở, tức là không có hàng rào.

Quan điểm của TP. HCM là không chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất này thành đất ở, nhưng làm sao để tái cấu trúc, phát triển xen kẽ trong khu dân cư là bài toán đặt ra về định hướng.

Hiện TP. HCM đã lập dự thảo về tiêu chí suất đầu tư ở một số ngành nghề. Trung bình suất đầu tư của các dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất khoảng 5 triệu USD/ha nhưng theo dự thảo, suất đầu tư sẽ được nâng lên 12-15 triệu USD/ha, tùy ngành nghề để thu hút các dự án mới.

"HBA đang cùng với chính quyền TP. HCM xây dựng bộ tiêu chí phát triển, bao gồm định hướng về ngành nghề, thu hút, khuyến khích đầu tư. Các tiêu chí này không phải mới, chỉ nhằm mục đích cụ thể hóa việc thu hút đầu tư vào TP.HCM bởi đã qua thời gian kêu gọi đầu tư, tiếp nhận dự án bằng mọi giá để lấp đầy các khu công nghiệp, khu chế xuất mà đây là lúc chúng tôi chọn lọc dự án phù hợp”, ông Đức nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM cho rằng, thành phố đang ở làn sóng thứ ba trong việc thu hút vốn đầu tư.

Làn sóng thứ nhất là sự khởi đầu xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất với mục đích tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đem lại sự phát triển cho các doanh nghiệp.Thời kỳ diễn ra làn sóng này, TP. HCM là nơi nơi tập trung các khu công nghiệp nhiều nhất cả nước.

Làn sóng thứ hai là nâng chất lượng dòng vốn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ, lao động chất xám, lao động có tay nghề kỹ thuật cao. Hiện TP. HCM đã hình thành khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, từ đó, tạo bàn đạp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Làn sóng thứ ba chính là việc triển khai trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM. Nếu như hai làn sóng trước giải quyết công ăn việc làm cho người lao động thì làn sóng thứ ba là thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế để tạo dựng nguồn lực về vốn, giải quyết vấn đề thị trường tiền tệ, thị trường tài chính đem lại sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn cho nền kinh tế.