Rào cản đối với dòng vốn từ Nhật vào Việt Nam

Phạm Sơn - 10:43, 22/12/2020

TheLEADERCác nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Nhật Bản đang xem xét Việt Nam như là sự lựa chọn hàng đầu nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng hậu Covid-19 cũng như những biến động quốc tế.

Rào cản đối với dòng vốn từ Nhật vào Việt Nam
Ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: VGP.

Nhật Bản là quốc gia dẫn đầu danh sách những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến cuối năm 2019, có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, với tổng số vốn 59 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn FDI lũy tiến.

Đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ghi nhận vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và hy vọng quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tiềm năng tiếp nhận đầu tư từ Nhật Bản

Nhận xét về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của Việt Nam, ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định Việt Nam đã làm rất tốt khi từng bước kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời duy trì được hoạt động kinh tế ổn định, có dấu hiệu khởi sắc.

Trong khi quốc tế đang nỗ lực chống dịch thì Việt Nam lại có xu hướng tăng trưởng dương. Trên thế giới chỉ có Việt Nam mới đạt được thành công lớn như vậy!
Ông Yamada Takio
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam

“Trong khi quốc tế đang nỗ lực chống dịch thì Việt Nam lại có xu hướng tăng trưởng dương. Trên thế giới chỉ có Việt Nam mới đạt được thành công lớn như vậy”, ông Takio nhận xét.

Cũng theo đại sứ Nhật Bản, Việt Nam được đánh giá là sự lựa chọn hàng đầu cho việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật trong và sau Covid-19, khi trong số 81 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ phía chính phủ Nhật Bản, có tới 37 doanh nghiệp quyết định đầu tư và 55 doanh nghiệp quyết định thành lập trụ sở tại Việt Nam.

Trước đó, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, theo khảo sát, 63,9% doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, mặc dù đại dịch vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.

Những động thái này cho thấy niềm tin cũng như sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản vào sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh bình thường mới.

Ông Takio cho biết, mối quan hệ hợp tác đa lĩnh vực giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc và có tiềm năng vô tận. Trong tương lai, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.

Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Việt Nam là điểm đến hàng đầu cho dòng vốn từ Nhật Bản hậu Covid-19 1
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Bên cạnh công tác hỗ trợ nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh đang được đặt ra như một mục tiêu mũi nhọn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đón sóng đầu tư chất lượng cao, chuẩn bị cho công cuộc phục hồi, phát triển nền kinh tế bao trùm và bền vững.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tính từ đầu năm, Chính phủ đã cắt giảm thêm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV lên 3.893.

Cùng với đó, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính cũng như quy định và chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được Chính phủ cắt giảm.

Đặc biệt, Cổng dịch vụ công quốc gia sau 1 năm khai trương đã đạt hiệu quả lên đến 39%, vượt 9% so với chỉ tiêu được giao, góp phần quan trọng trong việc đơn giản và thuận tiện hóa thủ tục hành chính, đồng thời tiết kiệm 6.700 tỷ đồng mỗi năm.

Những nỗ lực trên cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp nội địa cũng như nước ngoài tiếp tục phát triển.

Đồng quan điểm với ông Dũng, ông Takio cũng đánh giá cao những kết quả cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.

Cùng với đó, ông Takio cũng đề xuất Việt Nam cần có kế hoạch mở lại các chuyến bay thương mại, tiếp tục đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công và thu hút thêm vốn FDI để có thể phục hồi nhanh chóng nền kinh tế.

Tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp

Trao đổi với Văn phòng Chính phủ, bên cạnh những ghi nhận tích cực, một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Cụ thể, đại diện Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam cho biết, những chậm trễ trong việc cấp giấy phép đất đai và công trình đang làm mất thời gian của doanh nghiệp, khi có những dự án thời gian xin giấy phép đăng ký đầu tư, chứng nhận quyền sử dụng đất kéo dài hơn 1 năm.

Đại diện Công ty TNHH Nipro Việt Nam cũng nêu ý kiến về việc thời gian xin giấy phép mở rộng sản xuất kinh doanh đang bị kéo dài với những thủ tục không đáng có.

Đại diện Công ty HOYA Việt Nam đưa ra nhận định, hiện nay đang có nhiều vướng mắc trong việc thực thi chính sách ưu đãi thuế, gây khó dễ cho doanh nghiệp đăng ký thủ tục nhận ưu đãi.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến liên quan đến cải thiện vấn đề hạ tầng, rút ngắn thời gian hoàn thuế, rút ngắn thời gian xin nhập cảnh vào Việt Nam… cũng được đại diện các doanh nghiệp đưa ra.

Tiếp nhận những ý kiến từ phía doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết các kiến nghị sẽ được tổng hợp để báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, từ đó làm cơ sở để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Dũng khẳng định: “Chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam trên cơ sở là hai bên đều có lợi, đảm bảo lợi ích quốc gia của hai nước, đồng thời đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp cũng như người dân”.