Rào cản khiến Starbucks chưa bùng nổ sau 10 năm vào Việt Nam

Việt Hưng - 11:19, 21/03/2023

TheLEADERSau 10 năm chính thức có mặt tại Việt Nam, Starbucks hiện có 85 cửa hàng trên toàn quốc. Có thể xem đây là một con số khiêm tốn so với các chuỗi cà phê dẫn đầu như: Highlands Coffee, The Coffee House hay Phúc Long.

Tháng 7/2014, Starbucks Lan Viên tại ngã tư Hàng Bài và Lý Thường Kiệt trở thành cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội của Starbucks. Từng là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân thủ đô, chi nhánh này đã phải đóng cửa vào tháng 6/2022.

Dù tiết lộ lý do đóng cửa chi nhánh lâu đời nhất của Starbucks ở Hà Nội là chủ nhà đòi mặt bằng, nhưng đại diện chuỗi này không phủ nhận chiến lược lựa chọn mặt bằng để mở các chi nhánh mới của Starbucks tại Việt Nam đã thay đổi.

Nếu như trước kia Starbucks chủ yếu chọn các mặt bằng đắc địa, nằm ở các ngã tư lớn, mặt đường rộng, thì giờ đây chuỗi này săn tìm các mặt bằng xa trung tâm, các khu đô thị mới, cao ốc hay các cộng đồng địa phương.

Theo phân tích của CEO Starbucks Việt Nam - bà Patricia Marques, người dân xưa thích sống gần trung tâm nhưng giờ họ sẵn sàng ở xa hơn một chút.

"Chúng tôi cũng đi theo sự phát triển dân cư đó. Như vậy, khách hàng sẽ thấy rằng, lúc trước lên quận 1 đi làm mới mua được một ly Starbucks, giờ cuối tuần vẫn mua được gần nhà, thậm chí sáng trước khi đi làm đã mua để mang lên xe", bà nói.

Quy mô chuỗi Starbucks vẫn khiêm tốn sau 10 năm ở Việt Nam
Quy mô chuỗi Starbucks vẫn khiêm tốn sau 10 năm ở Việt Nam

Sau 10 năm chính thức có mặt tại Việt Nam, Starbucks hiện có 85 cửa hàng trên toàn quốc. Có thể xem đây là một con số khiêm tốn so với các chuỗi cà phê dẫn đầu như: Highlands Coffee, The Coffee House hay Phúc Long.

Có nhiều nguyên nhân khiến chuỗi cửa hàng Starbucks vẫn chưa thể bùng nổ tại Việt Nam. Theo CNBC, điểm khác biệt đầu tiên nằm ở yếu tố hương vị.

Hầu hết các cửa hàng cà phê phương Tây phục vụ cà phê làm từ hạt Arabica - loại chiếm tới 75% cà phê thế giới. Cà phê Việt Nam được ủ bằng hạt cà phê Robusta, có vị đắng hơn, ngon hơn và hàm lượng caffeine cao hơn so với hạt Arabica, và rẻ hơn.

Còn theo Nikkei Asia, văn hóa bản địa cũng là một rào cản lớn với các chuỗi cà phê ngoại. Thay vì chọn lựa các quán cà phê sang trọng, người Việt dường như vẫn ưa chuộng các quán cà phê có thể ngắm phố phường, hoặc uống cà phê ngồi vỉa hè.

Do thiếu am hiểu tính bản địa, nhiều chuỗi cà phê ngoại phải thu hẹp quy mô, hoặc rời đi trong nuối tiếc. Ví dụ Coffee Bean & Tea Leaf chỉ có 15 chi nhánh sau 15 năm phát triển, trong khi Gloria Jean đã phải rời bỏ Việt Nam vào năm 2017.

Một rào cản khác nằm ở mức giá. Theo Nikkei Asia, không nhiều người Việt Nam chấp nhận mức giá 90.000 - 100.000 đồng cho một ly cà phê tại Starbucks.

Điều này phù hợp với số liệu được công bố từ báo cáo "Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022" thực hiện bởi iPos.vn, VIRAC và Cộng đồng chuyên trang F&B Việt Nam.

Theo báo cáo này, 58% thực khách sẵn sàng dành từ 40.000 đồng cho mỗi lần sử dụng đồ uống. Trong đó, 44% sẵn sàng chi tiêu từ 41.000 - 70.000 đồng (mức chi ở các thương hiệu đồ uống như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House,...). Và chỉ khoảng 14% sẵn sàng chi tiêu từ 70.000 đồng (mức chi ở các thương hiệu đồ uống cao cấp như Starbucks, Runam Bistro,...).