Sàn thương mại điện tử nước ngoài phải thành lập văn phòng tại Việt Nam

Việt Hưng - 15:05, 06/04/2022

TheLEADERTheo các quy định mới tại Việt Nam, thương mại điện tử được xác định là ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS- Bộ Công Thương) vừa ban hành Công văn số 292/TMĐT-CS về việc thực hiện quy định về hoạt động Thương mại điện tử (TMĐT) đối với thương nhân, tổ chức nước ngoài tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP.

Theo đó, ngày 25-9- 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 -5-2013 của Chính phủ về TMĐT (Nghị định 85).

Theo Nghị định 85, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau: Có tên miền Việt Nam hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; Có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.

Thương nhân, tổ chức nước ngoài nói trên phải thực hiện đăng ký hoạt động TMĐT theo quy định tại Nghị định này và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.

Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện hoặc nội dung ủy quyền phải đảm bảo các trách nhiệm: Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam.

Sàn thương mại điện tử nước ngoài phải thành lập văn phòng tại Việt Nam
Sàn thương mại điện tử nước ngoài phải thành lập văn phòng tại Việt Nam

Theo đó, TMĐT được xác định là ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các điều kiện tiếp cận thị trường bao gồm: nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế hoặc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn.

Nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 1 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ TMĐT tại Việt Nam (theo danh sách do Bộ Công Thương công bố), phải có ý kiến thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an.

Các nhà đầu tư nước ngoài chi phối doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT được xác định, khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư có quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm việc lựa chọn nền tảng công nghệ, hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; lựa chọn điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; Thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 57 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Quy định này vừa nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử lành mạnh, vừa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế những rủi ro của hình thức kinh doanh này.

Bên cạnh đó, các thương nhân, tổ chức phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, thị trường TMĐT bán lẻ tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 13,7 tỷ USD năm 2021, chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Trong khi đó, báo cáo “Nền kinh tế Internet Đông Nam Á năm 2021” của Google, Temasek và Bain & Company dự đoán Việt Nam là một trong hai thị trường TMĐT có mức tăng trưởng vượt trội trong vài năm tới tại Đông Nam Á. Quy mô thị trường dự kiến tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên mức 39 tỷ USD năm 2025.