Sau nhà máy tại Quảng Ngãi bị khai tử, Tân Mai lên kế hoạch lấy lại ngôi vương?

Minh Anh - 14:16, 20/05/2018

TheLEADERTập đoàn Tân Mai cho biết đã quyết định dừng dự án nhà máy giấy tại Quảng Ngãi và chuyển toàn bộ dây chuyền công nghệ vào hai nhà máy tại Đồng Nai và Kon Tum.

Sau nhà máy tại Quảng Ngãi bị khai tử, Tân Mai lên kế hoạch lấy lại ngôi vương?
Nhà văn phòng Công ty CP Tân Mai Miền Đông

Rút khỏi Quảng Ngãi

Sau khi Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Ngãi có quyết định thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án nhà máy bột và giấy Tân Mai, Công ty CP Tập đoàn Tân Mai cho biết sẽ cơ cấu lại hoạt động đầu tư để tăng cường hiệu quả hoạt động.

Dự án nhà máy bột và giấy Tân Mai được cấp phép từ năm 2009, công suất 130.000 tấn bột giấy và 200.000 tấn giấy in cao cấp/năm với tổng vốn đầu tư 1.948 tỷ đồng. Vốn đầu tư của dự án sau đó được điều chỉnh 5 lần và cuối cùng chốt ở mức 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án mới chỉ chi hàng nghìn tỷ đồng nhập thiết bị mà vẫn chưa đi vào hoạt động.

Trong khi nhà chức trách địa phương lý giải nguyên nhân chấm dứt hoạt động của dự án là do không triển khai theo đúng kế hoạch, đại diện Tập đoàn Tân Mai cho biết, quá trình đầu tư dự án gặp nhiều khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng khu vực xây dựng nhà máy và thu hẹp diện tích trồng rừng nguyên liệu giấy.

Vị đại diện này cho biết, theo thỏa thuận số 475/UBND-NTTN ngày 28/2/2011 của tỉnh Quảng Ngãi, vùng nguyên liệu giấy phục vụ nhà máy sẽ có quy mô 40.074 ha, nhưng theo quyết định cho thuê đất số 202/QĐ-UBND ngày 12/10/2011 chỉ cho thuê đất được 2.628 ha và sau đó theo quyết định số 531/QĐ-UBND ngày 19/10/2016 điều chỉnh chỉ cho thuê 286 ha.

Theo đại diện Tập đoàn Tân Mai, cho đến nay, chủ đầu tư đã giải ngân hơn 2.039 tỷ đồng trên tổng số vốn đầu tư là 5.000 tỷ đồng. Nếu chưa tính lãi vay ngân hàng thì vốn gốc là 1.838 tỷ đồng, và chi phí này chủ yếu phục vụ cho việc nhập khẩu các dây chuyền, thiết bị để đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, ngoài dự án nhà máy tại Quảng Ngãi, Tập đoàn Tân Mai cũng đã quyết định đầu tư thêm nhà máy giấy Tân Mai Miền Đông tại Long Thành, Đồng Nai và nhà máy bột giấy Tân Mai Kon Tum. Chính vì thế, sau khi quyết định ‘rút’ khỏi Quảng Ngãi, Tập đoàn Tân Mai cho biết sẽ di chuyển toàn bộ dây chuyền thiết bị của nhà máy giấy Tân Mai Quảng Ngãi vào lắp đặt tại nhà máy Tân Mai Miền Đông và dây chuyền thiết bị bột vào lắp đặt tại nhà máy bột giấy Tân Mai Kon Tum.

Đại diện Tập đoàn Tân Mai cho biết sẽ thuê chuyên gia nước ngoài kiểm toán thiết bị của hai dây chuyền và tổ chức vận chuyển thiết bị về Đồng Nai và Kon Tum trong năm 2018.

Song song với việc đầu tư dài hạn, Tân Mai cũng hướng đến sự cân đối tài chính bằng các hoạt động ngoài ngành để từng bước vượt qua khủng hoảng di dời nhà máy vào năm 2012.

Kế hoạch lấy lại ngôi vương

Với vốn điều lệ 890 tỷ đồng và hoạt động từ 1/1/2009, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai là một trong những công ty lớn nhất trong nước về sản xuất giấy và bột giấy với sản lượng sản xuất đạt được cao nhất là 134.863 tấn giấy/năm và 74.794 tấn bột giấy/năm. 

Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của công ty và kế hoạch triển khai đầu tư các dự án đã bị ảnh hưởng nặng nề sau khi UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định ngừng sản xuất di dời các nhà máy sản xuất của Tập đoàn Tân Mai từ năm 2012 theo kế hoạch di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi thành phố Biên Hoà. 

Ngoài việc phải dừng dự án tại Quảng Ngãi, tình hình kinh doanh của công ty năm lỗ, năm lãi và số lỗ luỹ kế đã lên đến hơn 500 tỷ đồng.

Đại điện Tập đoàn Tân Mai cho biết, sau khi dừng dự án tại Quảng Ngãi, công ty sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành xây dựng hai dự án nhà máy giấy và bột giấy còn lại.

Trong đó, nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum đang hoàn thiện thiết kế kỹ thuật và thiết kế xây dựng. Trong năm nay sẽ tổ chức đấu thầu xây dựng nhà xưởng và đấu thầu mua máy móc thiết bị bổ sung để triển khai xây dựng nhà xưởng trong năm 2018 và triển khai lắp đặt thiết bị vào giữa năm 2019 với mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối quý IV/2019 và đưa vào hoạt động vào đầu quý I/2020.

Dự án này có quy mô 70.000 tấn bột giấy/năm trên diện tích đất sử dụng là 57,76 ha, tổng mức đầu tư 1.306 tỷ đồng.

Dự án thứ hai là nhà máy Giấy Tân Mai Miền Đông đang triển khai thực hiện hợp đồng với các nhà thầu nước ngoài, tiến độ thực hiện hợp đồng 20 tháng. Dự kiến đến quý I/2020 sẽ bắt đầu sản xuất thử, nghiệm thu bàn giao đưa dự án vào hoạt động.

Dự án này có quy mô 200.000 tấn giấy /năm trêndiện tích đất sử dụng là 15,84 ha, tổng vốn đầu tư 2.757 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tập đoàn Tân Mai đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án khu công nghiệp Đăk Tô - Kon Tum và triển khai thực hiện trong thời gian tới. 

Sau nhà máy tại Quảng Ngãi bị khai tử, Tân Mai đầu tư hàng loạt dự án khác
Thiết bị tại kho dự án nhà máy của Tân Mai tại Long Thành

Để đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án, đại diện Tập đoàn Tân Mai cho biết đã hợp tác đầu tư khai thác các quỹ đất hiện có để đảm bảo đáp ứng đủ vốn tham gia dự án Nhà máy Giấy Tân Mai Miền Đông và nhà máy Bột giấy và Giấy Tân Mai Kon Tum. Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Mai cũng đang xem xét cân đối huy động vốn từ việc chuyển nhượng cổ phần tại các công ty hợp tác đầu tư trên các quỹ đất của công ty sao cho có hiệu quả nhất.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các dự án, Tập đoàn Tân Mai cũng đang có kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn để tích hợp với các nhà máy, xác định hướng đi dài hạn cho sản phẩm giấy.

Hiện nay, quỹ rừng và đất rừng do tập đoàn này quản lý lên đến hơn 31.105ha, trải dài trên địa bàn các tỉnh thành Đăk Lăk, Đăk Nông, Đồng Nam Bộ, Quảng Ngãi và Kon Tum. Trong đó bao gồm đất rừng tự nhiên, cây cao su và hơn 50% là rừng thông, keo, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất giấy với gần 3.000 ha đang khai thác.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang nắm giữ quỹ đất hơn 15.054 ha. Trong năm 2017, doanh nghiệp này đã trồng thêm hơn 542ha nguyên liệu tại các khu vực Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Đông Nam Bộ. Kế hoạch năm 2018, doanh nghiệp này sẽ phát triển trồng rừng gần 2.000 ha, khai thác rừng keo hơn 3.700 ha và nuôi dưỡng rừng thông hơn 7.600 ha. Tân Mai hướng đến việc phát triển bền vững bằng chiến lược đầu tư vùng nguyên liệu giấy với kế hoạch khai thác dài hạn 20 và 25 năm tùy loại rừng.

Tuy nhiên, có thể thấy hầu hết các dự án của tập đoàn này vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch triển khai ban đầu, ít nhất cũng phải đến năm 2020, các nhà máy mới của tập đoàn này mới đi vào sản xuất thử. Trong khi đó, lãnh đạo tập đoàn này đang đặt tham vọng rất lớn tại thời điểm hiện tại.

Theo ông Trần Thịnh Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai, chiến lược đầu tư lớn và bền vững của Tân Mai là nội địa hóa thị trường giấy, giúp doanh nghiệp nội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa. Qua đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm với giá thành rẻ hơn, khuyến khích ý thức bảo vệ môi trường và góp phần vào các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. 

“Trong xu hướng đa lợi ích đó, Tân Mai đặt mục tiêu là doanh nghiệp tiên phong và đã có những bước chuẩn bị kỹ càng để cạnh tranh trong dài hạn”, ông Thịnh cho hay.