Siêu lợi nhuận của công ty sản xuất chiếc bánh mì huyền thoại cho Vietnam Airlines

Việt Hưng - 14:48, 12/06/2018

TheLEADERCông ty Suất ăn hàng không Nội Bài thu về hơn 1,3 tỷ đồng mỗi ngày trong năm 2017 nhờ bán suất ăn trên các chuyến bay.

Lâu nay, thị trường suất ăn cung cấp cho các chuyến bay qua thủ đô Hà Nội là sân chơi riêng của CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS). Đây là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa vào năm 2004.

Hoạt động kinh doanh chính của NCS chủ yếu chế biến suất ăn hàng không và cung cấp các dịch vụ vệ sinh dụng cụ, giặt là, dịch vụ lưu kho, bảo quản theo yêu cầu.

Cổ đông lớn nhất của NCS chính là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nắm giữ trên 60% cổ phần. Nhờ vậy, công ty luôn có lợi thế độc quyền cung ứng suất ăn cho mọi chuyến bay của Vietnam Airlines. Đây cũng chính là nơi sản xuất “chiếc bánh mì huyền thoại” luôn xuất hiện trong các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Lợi thế ngành kinh doanh độc quyền

Rào cản gia nhập ngành dịch vụ suất ăn đến từ nguồn vốn đầu tư lớn ban đầu để xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao. Bên cạnh đó, để đối thủ mới gia nhập có thể tồn tại được trong ngành là điều không dễ dàng, vì nó còn phụ thuộc vào việc duy trì, mở rộng mối quan hệ với các hãng hàng không nội địa và quốc tế, nơi những doanh nghiệp Nhà nước vẫn đang chiếm ưu thế.

Với NCS, nhờ việc bao tiêu sản phẩm của công ty mẹ Vietnam Airlines (chiếm trên 70% doanh thu suất ăn), hoạt động kinh doanh cốt lõi được đảm bảo qua các năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2013 - 2017, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của NCS có tốc độ tăng trưởng bình quân ấn tượng, đạt mức 13%/năm và 27%/năm.

Năm 2017, NCS đã cung cấp hơn 7,8 triệu suất ăn hàng không với giá bán bình quân 62.400 đồng/suất, phục vụ cho khoảng 151 chuyến bay/ngày. Doanh thu từ hoạt động này đạt gần 489 tỷ đồng, tương đương 1,34 tỷ đồng/ngày, mức cao nhất từ trước tới nay.

Siêu lợi nhuận của công ty sản xuất chiếc bánh mì huyền thoại trên các chuyến bay Vietnam Airlines
Một suất ăn được cung cấp trên các chuyến bay của Vietnam Airlines

Sự tăng trưởng đáng kể của thị trường hàng không Việt Nam trong các năm qua đã tạo nên động lực tăng trưởng cho nhiều ngành dịch vụ liên quan, trong đó có dịch vụ cung ứng suất ăn hàng không.

Dự báo, giai đoạn 2017 - 2020, ngành hàng không sẽ còn tăng trưởng với tốc độ bình quân 9%, và 10,2% giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó Việt Nam được đánh giá là một trong các thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Tầng lớp trung lưu với nhu cầu về công tác, du lịch ngày càng gia tăng.

Thị trường tăng trưởng mạnh trong khi nguồn cung suất ăn hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thống kê cả NCS cho biết, năm 2017 thị trường hàng không có nhu cầu được cung cấp khoảng 120.000 suất/ngày, trong khi tổng nguồn cung hiện tại chỉ đáp ứng 67% nhu cầu.

Bên cạnh đó, kế hoạch mở rộng Cảng hàng không Nội Bài đến năm 2030 dự kiến tăng gấp đôi tổng công suất thiết kế (nâng công suất hiện tại từ 25 triệu hành khách/năm lên 50 triệu hành khách/năm), sẽ đem về nguồn thu không nhỏ từ việc bán suất ăn cho NCS.

Tương lai hẹp dần của 'chiếc bánh mì'

Có nhiều thuận lợi, nhưng "chiếc bánh mì" của NCS đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ đến từ đối thủ mới gia nhập ngành và chính nội tại của công ty.

CTCP Suất ăn hàng không Việt Nam (VINACS) mới ra đời năm 2017 có lợi thế cạnh tranh nhờ vào việc xây dựng nhà máy mới với máy móc trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn so với các đối thủ hiện hữu trong ngành.

VINACS chiếm ưu thế hơn so với các đối thủ trong ngành với công suất thiết kế vào khoảng 25.000 đến 30.000 suất/ngày. Trong khi đó NCS dù lâu đời, nhưng lại là doanh nghiệp có công suất thiết kế thấp nhất trong toàn ngành và đã hoạt động tối đa mức công suất cao điểm. 

Chiến lược cạnh tranh của VINACS không tập trung tại một khu vực cụ thể, mà hướng tới mở rộng nhà máy suất ăn trên toàn quốc. Đồng thời, doanh nghiệp mới ra mắt này sẵn sàng tung ra sản phẩm giá thành rẻ hơn NCS để cạnh tranh khách hàng. Trong giai đoạn tới, việc hết hạn hợp đồng của NCS với một số hãng hàng không quốc tế sẽ là cơ hội để VINACS "chen chân" vào các khách hàng hiện hữu của công ty. 

Trước tình hình đó, nhiều khả năng NCS sẽ phải điều chỉnh giảm mức giá bán, nếu không muốn khách hàng của công ty chuyển sang sử dụng dịch vụ của VINACS.

Mặt khác, NCS gặp rủi ro từ cơ cấu doanh thu phụ thuộc quá nhiều vào công ty mẹ Vietnam Airlines (chiếm trên 70% doanh thu hoạt động kinh doanh cốt lõi). Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định, điều này sẽ khiến NCS trở tay không kịp nếu Vietnam Airlines thay đổi chính sách suất ăn cung ứng cho khách hàng. Mà cụ thể là việc cắt giảm những chiếc bánh mì truyền thống, chuyển sang suất ăn nhẹ. 

Đây là chiến lược đã được dự báo từ trước, bởi những chặng bay ngắn như Hà Nội vào TPHCM, các suất ăn trên máy bay thực tế không đóng vai trò như những bữa ăn chính. Vì vậy, trong tương lai, Vietnam Airlines có thể chuyển các suất ăn này sang dạng "ăn chơi" với các món ăn nhẹ nhàng nhưng đậm hương vị truyền thống quốc gia, như cách nhiều hãng hàng không trên thế giới đã làm.