Sơn Hà làm xe máy điện

Việt Hưng - 15:55, 10/04/2023

TheLEADERLãnh đạo Công ty Sơn Hà cho rằng, thị trường xe máy điện đang rất rộng mở. Sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, tính năng vận hành ổn định vẫn đảm bảo 'sống khỏe' khi phục vụ 100 triệu dân tại Việt Nam.

Từng ghi dấu ấn trên thị trường bằng các sản phẩm chủ lực là bồn nước inox, Công ty Quốc tế Sơn Hà (SHI) đến nay đã trở thành một tập đoàn đa ngành với 22 công ty thành viên và công ty liên kết, 11 nhà máy sản xuất trong và ngoài nước, 120 chi nhánh, 30.000 nhà phân phối và điểm bán, với gần 3.000 nhân sự.

Bên cạnh những lĩnh vực vốn là thế mạnh như công nghệ (bồn, ống inox), năng lượng (thái dương năng), Sơn Hà đã lấn sân sang ngành hàng gia dụng, ngành nước (nhà máy xử lý nước), bất động sản công nghiệp, và gần đây là lĩnh vực xe điện thông qua công ty con là Công ty phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE).

Dấu ấn của Sơn Hà trong lĩnh vực xe điện chính là việc khánh thành nhà máy sản xuất xe điện EVgo - thuộc khu công nghiệp Thuận Thành II, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Nhà máy sản xuất, lắp ráp xe điện Sơn Hà đẩy mạnh phát triển thương hiệu EVgo hướng đến thị trường xe máy dành cho học sinh, sinh viên, người đi làm.

Lãnh đạo nhà máy cho biết, công ty hướng tới mục tiêu trong vòng 5 - 10 năm tới sẽ trở thành 1 trong 3 nhà sản xuất, lắp ráp cung cấp xe điện lớn nhất Việt Nam, chiếm 10-20% thị phần xe 2 bánh trong nước (khoảng 300.000 - 600.000 xe/năm).

Bồn nước Sơn Hà lấn sân xe máy điện
Nhà máy sản xuất xe điện EVgo của Sơn Hà đặt tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, Sơn Hà đã bắt tay với Tập đoàn Bosch cung cấp giải pháp công nghệ và thiết bị sử dụng cho xe máy điện EVgo với tiêu chí 5 không: không tiếng ồn - không khói bụi - không cần đổ xăng - lốp không săm - không lo ngập nước.

Gần đây nhất, Sơn Ha tung ra thị trường 4 mẫu xe máy điện với giá bán dao động từ 18,5 - 44 triệu đồng/chiếc tùy mẫu. Trong đó, mẫu Ecooter EH2 sử dụng pin Lithium được công bố có thể đi được quãng đường lên tới 200km/lần sạc điện.

Ông Hoàng Mạnh Tân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà cho biết, một trong những sản phẩm làm nên tên tuổi của tập đoàn là bồn nước. Từ đó, Sơn Hà đã phát triển thêm nhiều sản phẩm gia dụng trong gia đình và xe máy điện cũng là một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình.

"Chúng tôi nhận thấy có một kinh nghiệm về sản xuất và phân phối sản phẩm phục vụ cho người dân, từ miền núi đến hải đảo, từ thành thị đến nông thôn. Đặc biệt với tiêu chí phục vụ khách hàng, sự hài lòng của khách hàng để làm ra những sản phẩm của mình", lãnh đạo Sơn Hà chia sẻ.

Thực tế, xu hướng chuyển dịch xe máy xăng sang xe máy điện diễn ra rất mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực các tỉnh thành phía Nam. Đây là cơ hội và thách thức rất lớn cho các đơn vị sản xuất lắp ráp xe hai bánh hiện nay.

Bồn nước Sơn Hà lấn sân xe máy điện 1
Bồn nước Sơn Hà lấn sân xe máy điện

Hiện có nhiều doanh nghiệp trong nước đang tham gia vào sản xuất xe máy điện như VinFast, Sơn Hà, Pega, DatBike... với các mẫu xe mới, đa dạng phân khúc và tính năng.

Không ngại cạnh tranh với đối thủ, ông Hoàng Mạnh Tân cho rằng để làm nên một ngành xe điện Việt Nam không thể chỉ có vài doanh nghiệp mà cần rất nhiều doanh nghiệp quyết tâm, kiên trì đi đường dài trong việc sản xuất xe điện.

"Thị trường còn rất rộng mở, sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, tính năng vận hành ổn định vẫn đảm bảo 'sống khỏe' khi phục vụ thị trường 100 triệu dân tại Việt Nam, hướng đến xuất khẩu sang các nước khu vực ASEAN", ông Tân nhìn nhận.

Năm ngoái, Công ty Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE) - chủ đầu tư nhà máy sản xuất xe điện EVgo báo lãi sau thuế 19,6 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ. Doanh số bán hàng đạt 265 tỷ đồng, tăng khoảng 17% so với năm 2021.

Trong khi đó, tập đoàn mẹ là Công ty Quốc tế Sơn Hà (SHI), ghi nhận doanh thu 8.214 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 13% so với cùng kì. Nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm từ 136 tỷ đồng trong năm 2021 xuống còn 87,2 tỷ đồng trong năm 2022 - tương ứng mức giảm gần 36% cùng kì.