Startup tại ASEAN hướng tới tương lai bền vững

Phạm Sơn - 08:40, 20/07/2021

TheLEADERNhiều công ty startup khu vực ASEAN đang hướng tới xây dựng những giá trị về phát triển bền vững trong hoạt động của mình.

Startup tại ASEAN hướng tới tương lai bền vững
Phát triển bền vững là lựa chọn của nhiều startup.

Vừa qua, Grab đã triển khai một tiện ích mới trên ứng dụng gọi xe, cho phép người dùng đặt xe điện hoặc xe lai (hybrid) với giá cước tương đương như đặt xe thông thường. Đây được xem là một động thái của Grab trong nỗ lực đóng góp thúc đẩy chuyển đổi xanh cho ngành giao thông vận tải.

Trước đó, Grab phát hành báo cáo phát triển bền vững đầu tiên, cho biết đang định hướng tới mục tiêu trung hòa các bon thông qua nhiều phương án khác nhau, từ thúc đẩy xe điện cho tới đầu tư vào phục hồi rừng.

Lộ trình cụ thể chưa được đưa ra nhưng theo đại diện Grab, công ty sẽ xây dựng kế hoạch giảm phát thải dựa trên cơ sở khoa học vào những báo cáo tiếp theo.

Cuối tháng 4 vừa qua, trước khi tiến hành sáp nhập với Tokopedia để cho ra đời GoTo, Gojek cũng phát hành báo cáo phát triển bền vững đầu tiên, đặc biệt gây sự chú ý với cam kết mục tiêu “ba không” vào năm 2030, bao gồm Không xả khí thải gây ô nhiễm; không rác thải và không rào cản.

Kế hoạch thực hiện cam kết “ba không” sẽ được tiến hành kể từ năm 2021 với việc kiểm kê lượng khí thải, tính toán rác thải và hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Một số sáng kiến mới cũng được Gojek triển khai như tính năng đền bù các bon trong ứng dụng, dịch vụ tối ưu hóa vận tải GoTransit…

Bên cạnh môi trường, một số nội dung phát triển bền vững về kinh tế và xã hội cũng được Gojek đưa ra, ví dụ như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, cam kết đồng hành và hỗ trợ tài xế cắt giảm chi phí… Cam kết của Gojek vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng cho GoTo.

Carro, startup cung cấp sàn thương mại điện tử về xe hơi đến từ Singapore, kể từ tháng 7 này đã triển khai gói tín dụng lãi suất thấp hỗ trợ khách hàng mua xe điện và xe lai. Công ty Singapore khác là Razer vừa công bố thành lập một quỹ xanh trị giá 50 triệu USD để đầu tư cho các dự án thân thiện với môi trường.

Bên cạnh động thái xanh hóa hoạt động, một số startup cũng ra đời dựa trên sáng kiến, giải pháp cho những vấn đề xã hội và môi trường, có thể kể đến công ty Bali Recycling chuyên thu gom và xử lý rác thải nguy hiểm tại Indonesia; Vulcan Augmetics sản xuất và phân phối chân, tay giả hỗ trợ người khuyết tật đến từ Việt Nam.

“Hành động từ khu vực tư nhân giúp giải quyết những vấn đề môi trường và xã hội quan trọng nhất đang là nhu cầu cấp bách”, ông Andre Soelistyo, Giám đốc điều hành GoTo cho biết.

Nikkei Asia Review nhận xét, Grab và GoTo cũng như cộng đồng khởi nghiệp khu vực ASEAN đang chấp nhận các khái niệm phát triển bền vững về quản trị, xã hội và môi trường (ESG) trong suốt quá trình phát triển, đồng thời mang tính thiết yếu cho xã hội.

Một động lực khác để các startup hướng tới mục tiêu bền vững là kỳ vọng từ những nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm. Bà Susli Lie, đối tác liên doanh tại quỹ Monk’s Hill Ventures cho biết, các yếu tố liên quan đến ESG đã, đang và sẽ được tiếp tục là những yếu tố chính trong việc quản lý đầu tư của quỹ.

Đại diện quỹ East Venture nhận xét, ESG đang là một “thực tế phổ biến” trong doanh nghiệp và hầu hết các danh mục đầu tư của quỹ đều có tác động cho các vấn đề xã hội.

Một số công ty khởi nghiệp thường có suy nghĩ lồng ghép các yếu tố ESG vào hoạt động sẽ gây ra áp lực về chi phí. Tuy nhiên, theo United First Partners, tất cả doanh nghiệp ở mọi quy mô đều có thể hướng tới giá trị bền vững, có thể chỉ đơn giản là tuân thủ nghiêm ngặt những quy định và nguyên tắc.

Nếu đi đúng hướng, tuân thủ các nguyên tắc về ESG sẽ là bước đệm tốt chứ không phải là yếu tố cản trở”, đại diện United First Partners nhấn mạnh.

Nikkei Asia Review nhận xét, yếu tố quản trị cần được các startup chú tâm nhiều hơn, đặc biệt là các vấn đề như văn hóa doanh nghiệp hay bảo vệ quyền lợi người lao động.