Sự trỗi dậy của châu Á trên thị trường sở hữu trí tuệ

Hường Hoàng - 16:33, 30/01/2023

TheLEADERVới chủ đề "Tạo giá trị mới, khám phá những biên giới mới”, chương trình Business of IP Asia đã thu hút hơn 14.000 lượt người tham gia trực tiếp và trực tuyến từ hơn 40 quốc gia và khu vực chia sẻ kiến thức và những cơ hội hợp tác kinh doanh.

Sự trỗi dậy của châu Á trên thị trường sở hữu trí tuệ
Châu Á đang đóng vai trò ngày càng lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thế giới (Ảnh: Lee Kuan Yew School Public Policy)

Vào ngày 2/12/2022, các nhà chức trách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp liên quan đến sở hữu trí tuệ từ khắp nơi trên thế giới đã đến Hồng Kông để thảo luận về xu hướng, mô hình kinh doanh và cơ hội trên thị trường sở hữu trí tuệ. Chương trình do Chính phủ Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông và Trung tâm Thiết kế Hồng Kông đồng tổ chức.

Hơn 70 nhà lãnh đạo ngành và các diễn giả dày dạn kinh nghiệm, có uy tín đã đề xuất xây dựng một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ bền vững, triển khai chiến lược sở hữu trí tuệ, mở rộng cơ hội kinh doanh, đồng thời khám phá tiềm năng kinh doanh của Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông - Hồng Kông - Macao (GBA) thông qua các diễn đàn, hội thảo và giới thiệu sản phẩm.

Sự trỗi dậy của châu Á trên thị trường sở hữu trí tuệ

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Algernon Yau, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Kinh tế Hồng Kông, nhấn mạnh: “Tôi có niềm tin vững chắc rằng sở hữu trí tuệ là xương sống của một nền kinh tế cạnh tranh. Nhờ sở hữu trí tuệ, chúng ta có thể tận hưởng các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, dấn thân vào các lĩnh vực sáng tạo mới và khai thác các lợi ích kinh tế chưa từng được khai thác. Vậy chúng ta có thể tìm thấy những cơ hội tiếp theo ở đâu?”

Châu Á đang nổi lên như một điểm hội tụ cho hoạt động sở hữu trí tuệ. Trong số năm cơ quan sở hữu trí tuệ lớn nhất trên thế giới (các cơ quan IP5, bao gồm Cục quản lý sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc, Văn phòng bằng sáng chế châu Âu, Văn phòng bằng sáng chế Nhật Bản, Văn phòng sở hữu trí tuệ Hàn Quốc và Văn phòng nhãn hiệu và bằng sáng chế Hoa Kỳ) thì có đến ba cơ quan ở Châu Á.

Các văn phòng sở hữu trí tuệ ở châu Á chiếm hơn 2/3 hoạt động nộp đơn sở hữu trí tuệ trên thế giới. Trong đó, Cục quản lý sở hữu trí tuệ quốc gia Trung Quốc đứng đầu bảng xếp hạng các đơn đăng ký bằng sáng chế, nhãn hiệu thương mại và kiểu dáng công nghiệp.


Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại sở hữu trí tuệ trong khu vực, mang đến vô số cơ hội kinh doanh ở các lục địa Á, Âu, Phi mà tuyến đường bao phủ, đồng thời tạo ra cho thế giới nhu cầu lớn đối với các dịch vụ hỗ trợ cấp cao.

Xa hơn nữa là những cơ hội vàng do sự phát triển của Khu Vịnh Lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao (GBA) mang lại, nơi có tổng dân số 86 triệu người và GDP vượt quá 1,9 nghìn tỷ USD.

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế, khu vực Thâm Quyến-Hồng Kông-Quảng Châu tiếp tục được xếp hạng là cụm khoa học công nghệ lớn thứ hai thế giới. Khu vực này đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng không ngừng về số lượng bằng sáng chế phát minh trong những năm qua, đạt khoảng 366 000 vào năm 2020 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng .

Vai trò độc đáo của Hồng Kông

Khi trọng tâm sở hữu trí tuệ đã dịch chuyển về phía đông, Trung Quốc cùng với những nền kinh tế đang phát triển nhanh khác trong khu vực sẽ là động lực chính của sự phát triển.

Ông Algernon Yau nhấn mạnh: “Hồng Kông là nơi duy nhất có sự kết hợp giữa lợi thế Trung Quốc và lợi thế toàn cầu. Sự hội tụ độc đáo này khiến Hồng Kông trở thành điểm kết nối không thể thay thế giữa Đại lục và phần còn lại của thế giới. Hồng Kông đóng một vai trò quan trọng trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và sự phát triển của khu vực GBA.

Đặc biệt, Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (được ban hành vào tháng 3/2021) đã lần đầu tiên nêu rõ sự hỗ trợ của Chính phủ nước này trong việc phát triển Hồng Kông thành một trung tâm giao dịch sở hữu trí tuệ của khu vực.

“Với chế độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ của Hồng Kông, hệ thống tư pháp và luật pháp lành mạnh cũng như các lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp, chúng tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng Hồng Kông có vị trí độc đáo để trở thành trung tâm về giao dịch quyền sở hữu trí tuệ để khai thác thị trường quyền sở hữu trí tuệ đang phát triển mạnh mẽ và các cơ hội kinh doanh to lớn ở Trung Quốc đại lục và hơn thế nữa”, ông Algernon nhận định.

Tạo dựng nền tảng kinh doanh sở hữu trí tuệ khu vực

Trong chương trình, ông Rowel S. Barba, Chủ tịch Nhóm Công tác ASEAN về Hợp tác Sở hữu Trí tuệ (AWGIPC) cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng Cổng thông tin sở hữu trí tuệ ASEAN: “Cổng thông tin sở hữu trí tuệ ASEAN là một cổng thông tin tổng hợp dữ liệu, số liệu thống kê so sánh về sở hữu trí tuệ, được thực hiện bởi AWGIPC. Trên trang web này, các chủ sở hữu quyền có thể đăng tải thông tin về các tài sản trí tuệ nhằm mục đích bán hoặc cấp phép, đồng thời các nhà đầu tư cũng có thể nhanh chóng tìm được những cơ hội đầu tư. Ngoài ra, AWGIPC cũng tạo ra một số cơ sở dữ liệu cần thiết để doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tiếp cận các dữ liệu về nhãn hiệu, bằng sáng chế, kiểu dáng và chỉ dẫn địa lý.”

“Trong tương lai gần, chúng tôi hy vọng xây dựng được một cổng thông tin để cung cấp dữ liệu và các thông tin pháp lý và kinh doanh khác về các ngành dựa trên bản quyền trong ASEAN. Để phù hợp với nhu cầu về năng lực sở hữu trí tuệ của các ngành công nghiệp dựa trên tri thức mới nổi trong khu vực, AWGIPC cũng đã thành lập Học viện IP ASEAN, nhằm nâng cao chuyên môn của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ, tạo, cấp phép và thương mại hóa sở hữu trí tuệ trong khu vực,” ông Barba cho biết thêm.

Chương trình Business of IP Asia lần thứ 12 đã góp phần xây dựng, triển khai một hệ sinh thái SHTT bền vững, mở rộng cơ hội kinh doanh, đồng thời khám phá tiềm năng kinh doanh của Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hồng Kông-Macao (GBA) và thị trường sở hữu trí tuệ khu vực.