Tập đoàn Kido cung cấp 250 tỷ đồng cho công ty chứng khoán của ông Trần Lệ Nguyên

Minh An - 13:45, 22/06/2018

TheLEADERCông ty chứng khoán Rồng Việt do ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Kido sở hữu 35% vốn điều lệ đã nhận vốn từ Kido để thúc đẩy hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán từ năm 2017.

Báo cáo tài chính quý I năm 2018 của Tập đoàn Kido (KDC) cho biết, công ty này đã đầu tư 250 tỷ đồng để mua trái phiếu của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Đây là công ty mà ông Trần Lệ Nguyên Tổng Giám đốc của Kido nắm giữ cổ phần và làm Chủ tịch HĐQT từ năm 2015 đến nay.

Kido bắt đầu mua trái phiếu để cung cấp tài chính cho VDSC từ năm ngoái. Khoản vay đã được thanh toán trong quý I nhưng đầu năm 2018 VDSC lại phát hành một đợt trái phiếu khác quy mô 500 tỷ và Kido tiếp tục là nhà đầu tư mua một nửa trái phiếu trong đợt này.

Ngoài khoản vốn 250 tỷ đồng từ Kido, Công ty chứng khoán Rồng Việt còn bán 120 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức khác và 383 tỷ đồng trái phiếu cho các cá nhân. Công ty cũng đang vay ngân hàng hơn 235 tỷ đồng, theo báo cáo quý I.

Tổng giá trị các khoản vay và nợ của VDSC đến cuối tháng 3 là gần 1.000 tỷ đồng. Nguồn tài chính này giúp VDSC tăng trưởng cho vay đầu tư chứng khoán lên 1.658 tỷ đồng, tăng 26% trong 3 tháng đầu năm nay và tăng gấp đôi so với đầu năm 2017.

Tăng trưởng cho vay margin đã giúp VDSC chen chân vào top 10 công ty chứng khoán cho vay nhiều nhất trên thị trường. Đây là yếu tố quan trọng trong cuộc đua tranh thị phần của các công ty chứng khoán hiện nay. Những công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin lớn nhất cũng chính là những công ty đứng top đầu thị phần môi giới cổ phiếu trên HOSE và HNX.

Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) hiện đang là nhà môi giới có thị phần lớn nhất trên 2 sàn với tổng thị phần trong quý I là 18,21%, bỏ xa các công ty đối thủ như HSC, VCSC, VNDS. SSI đồng thời cũng dẫn đầu về dư nợ cho vay margin tại thời điểm cuối quý I vừa qua với giá trị gần 7.000 tỷ đồng và cho vay ứng trước tiền bán hơn 400 tỷ đồng.

Tập đoàn Kido cung cấp 250 tỷ đồng cho công ty chứng khoán của ông Trần Lệ Nguyên
Thị phần môi giới cổ phiếu của 5 công ty chứng khoán trên cả hai sàn chứng khoán Việt Nam

Bất chấp các rủi ro, các công ty chứng vẫn đang chạy đua cho vay mua mua cổ phiếu nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động cho vay đồng thời chiếm lĩnh thị phần môi giới. Tổng cho vay chứng khoán từ 20 công ty dẫn đầu đã tăng lên trên 40.000 tỷ đồng trong quý đầu năm 2018 sau khi đã tăng 60% trong năm ngoái.

Để huy động nguồn vốn cho vay đầu tư chứng khoán sau khi nguồn vốn vay từ ngân hàng bị siết lại, các công ty chứng khoán đã tăng cường phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu riêng lẻ, bán trái phiếu ra công chúng.

Mới đây VDSC tiếp tục công bố kế hoạch phát hành thêm 500 tỷ đồng trái phiếu lần 2 năm 2018. Mức lãi suất trái phiếu phát hành cho tổ chức của VDSC trong quý I vừa qua là 9 – 9,5% cao hơn mức lãi suất gửi tiết kiệm thông thường ở các ngân hàng thương mại.

Đây là yếu tố đảm bảo cho khả năng huy động vốn thành công của VDSC. Trong khi đó, Tập đoàn Kido luôn giữ số dư tiền mặt và đầu tư ngắn hạn (gửi tiết kiệm) khá lớn kể từ sau thương vụ bán mảng bánh kẹo cho đối tác nước ngoài. Cụ thể, cuối quý 1 năm 2018, Công ty mẹ Kido có hơn 1.800 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngắn hạn.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Kido, ông Trần Lệ Nguyên đầu tư vào VDSC từ năm 2015 khi công ty chứng khoán này phát hành riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 350 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng. Khi đó, hơn 35 triệu cổ phần đã được bán với giá 10.000 đồng mỗi cổ phần cho Công ty Đầu tư châu Á (10,5 triệu cổ phần) và ông Trần Lệ Nguyên (24,5 triệu cổ phần).

Sau các đợt tăng vốn của VDSC năm 2016 và 2017, ông Nguyên hiện nắm giữ 35 triệu cổ phần của VDSC, tương đương 35%. Các cổ đông lớn các của VDSC là Công ty Đầu tư Châu Á nắm giữ 15% và cá nhân tên Phạm Mỹ Linh sở hữu 13,7%.