Tập đoàn Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Fivimart

Trần Anh - 14:57, 08/10/2018

TheLEADERVinCommerce, Công ty con thuộc tập đoàn Vingroup đã mua lại toàn bộ cổ phần của hệ thống siêu thị Fivimart để tiếp tục mở rộng hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên Vingroup đã chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart.

“Thương vụ nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020”, phía Vingroup thông báo.

Giá trị của thương vụ không được tiết lộ. Sau khi mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty Cổ phần Nhất Nam, Vingroup sẽ sáp nhập toàn bộ 23 siêu thị Fivimart vào hệ thống của mình và đổi tên thành Vinmart.

Bên cạnh việc tiếp tục kinh doanh mảng bán lẻ tiêu dùng, phân phối thực phẩm, gia dụng, đồ dùng hóa mỹ phẩm, các siêu thị mới này sẽ được bổ sung các mặt hàng đặc trưng của chuỗi Vinmart như nông sản VinEco, thực phẩm sơ chế và chế biến VinMart Cook, các mặt hàng tiêu dùng gia đình VinMart Home…,

10 năm xây dựng hệ thống chủ yếu tại Hà Nội, Fivimart là một trong những chuỗi siêu thị khá nổi tiếng, với các siêu thị được đặt tại các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi về mặt giao thông.

Trước đó, hồi năm 2015, đại gia bán lẻ Nhật Bản là Aeon đã thành lập liên doanh với Fivimart thông qua việc mua lại 30% cổ phần của công ty này. Aeon hứa hẹn sẽ giúp Fivimart khắc phục các điểm yếu trong bán lẻ như làm đa dạng các loại hàng hóa, xây dựng đội ngũ và truyền phương pháp quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị.

Mặc dù vậy, lời hứa của Aeon không thành sự thực. Sau 3 năm bắt tay với doanh nghiệp Nhật, Fivimart vẫn bế tắc trong việc mở rộng thêm điểm bán. Kết quả kinh doanh của chuỗi siêu thị này cũng diễn biến rất tiêu cực.

Báo cáo tài chính năm 2016 của Fivimart cho thấy, năm 2016, công ty báo lỗ 96 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Sau hai năm hợp tác với người Nhật, khoản lỗ lũy kế của Fivimart đã tăng lên 173 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ còn hơn 30 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016.

Yếu tố chính khiến Fivimart thua lỗ đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp rất lớn, cao hơn cả lợi nhuận gộp từ bán hàng hóa trong siêu thị. Cụ thể, năm 2016, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 280 tỷ đồng trong khi lãi gộp chỉ là 183 tỷ đồng. Điều tương tự đã diễn ra trong năm trước đó.

Sau 3 năm, mối lương duyên giữa Aeon và Fivimart chính thức kết thúc khi liên doanh quyết định bán toàn bộ cổ phần cho Vingroup. Đây có thể xem là lối thoát cho Fivimart trong bối cảnh doanh nghiệp dậm chân tại chỗ nhiều năm liền và bị hàng loạt các đối thủ trong ngành qua mặt.

Về tay Vingroup, thương hiệu Fivimart sẽ bị xóa bỏ. Các mặt bằng cũ sẽ được tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất, hàng hoá, chất lượng nhân sự và thống nhất cơ chế quản lý theo tiêu chuẩn của hệ thống siêu thị VinMart.

Các khách hàng thân thiết của Fivimart trước đây sẽ được chuyển đổi sang chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết VinID của Tập đoàn Vingroup.

Sau sát nhập, VinCommerce sở hữu hệ thống bán lẻ khoảng 100 siêu thị VinMart và 1.400 cửa hàng tiện lợi VinMart+ trên toàn quốc. Mục tiêu của hệ thống tới 2020 sẽ đạt tới 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+. 

Ra đời chưa đầy 4 năm, hệ thống siêu thị của Vingroup cho thấy bước tăng trưởng rất nhanh về mặt quy mô hệ thống.

“Các siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ sẽ không chỉ có mặt tại toàn bộ các khu đô thị Vinhomes, các trung tâm thương mại Vincom trên cả nước mà đồng thời sẽ mở rộng tới từng khu dân cư để phục vụ đông đảo người tiêu dùng. Thương vụ sáp nhập hệ thống Fivimart là một trong những bước đi để hiện thực hoá kế hoạch này của chúng tôi”, bà Thái Thị Thanh Hải, tổng giám đốc Vincommerce cho biết.