Thách thức mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%

Nhật Hạ - 11:39, 05/05/2022

TheLEADERTốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2025 trên 6,5% là mục tiêu thách thức của Chính phủ. Trong đó, năm 2021 đã tăng khiêm tốn 4,71% do Covid-19, nên 4 năm tiếp theo cần sự đột phá mạnh mẽ để đạt mức tăng bình quân lịch sử trên 6,95%.

Thách thức mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%
Năng suất lao động năm 2021 chỉ tăng 4,71% so với năm trước.

Các tổ chức quốc tế như IFC đã đánh giá rằng ‘trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045” là mục tiêu lớn đầy tham vọng của Việt Nam tại Đại hội XIII của Đảng năm 2021.

Để làm được điều đó, GS. Nguyễn Đức Khương - Phó giám đốc Phụ trách nghiên cứu, Trường Kinh doanh IPAG (Paris, Pháp), Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho rằng, Việt Nam cần liên tục tìm cách cải thiện năng suất để tăng đầu ra của nền kinh tế.

“Chỉ khi tăng được quy mô sản lượng quốc gia tính bình quân trên đầu người, chúng ta mới có khả năng tăng được mức sống, điều kiện sống của người dân”, ông Khương chia sẻ.

Điều này trùng với nhận định của chủ nhân giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008 - GS. Paul Krugman, “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài, nó gần như là tất cả”.

Với tầm quan trọng đó, vừa qua, Chính phủ đã đặt việc tăng năng suất lao động ở vị trí đầu tiên trong các mục tiêu tổng quát tại Nghị quyết 54 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Cụ thể, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2021 - 2025 trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5% - 7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước.

Trước đó, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn năm 2011 - 2020 là 5,06%. Trong đó, giai đoạn 2011 – 2015 tăng bình quân 4,24% và giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,5%.

Mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%: Liệu có viển vông?
Theo Tổng cục thống kê

Biểu đồ trên cho thấy tốc độ tăng năng suất lao động liên tục đi lên qua các năm trong giai đoạn 2012 - 2015. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng năng suất lao động bị chững lại và giảm mạnh trong 2 năm đầu chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn được thống kê, chưa năm nào có mức tăng năng suất lao động chạm tới 6,5%.

Có thể thấy, mục tiêu đạt tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm giai đoạn 2021 – 2025 là một thách thức rất lớn của Chính phủ.

Càng khó hơn khi năng suất lao động năm 2021 chỉ tăng 4,71% so với năm trước do chịu ảnh hưởng của đại dịch. Điều này đã tạo áp lực lớn lên 4 năm tiếp theo khi tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 2022 – 2025 phải đạt trên 6,95% để ‘chạm’ được mục tiêu đề ra.

Biến điều không thể thành có thể

Để đạt được mục tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động, trong Nghị quyết 54, Chính phủ đã đưa ra một loạt giải pháp để phát triển thị trường lao động.

Trong đó, Bộ Lao động, thương binh và xã hội được giao chủ trì hoàn thiện khung pháp luật về phát triển thị trường lao động, xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật việc làm theo hướng phù hợp với kỷ nguyên kỹ thuật số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, liên thông cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng dự báo thị trường; phát triển hệ thống dịch vụ việc làm để ‘kéo gần khoảng cách’ giữa người tìm việc và người tuyển dụng.

Bộ cũng cần hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Đồng thời xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm, khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp tham gia vào đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; Đề án nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các chính sách nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực doanh nghiệp vào quá trình đào tạo và tái đào tạo lao động; có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc ở Việt Nam.

Nhân rộng đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề cao, trong đó tập trung đào tạo theo các bộ chương trình chuyển giao từ nước ngoài. Triển khai mô hình đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người lao động bị thất nghiệp.

Hoàn thiện khung phát luật về an sinh xã hội, từng bước mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Điều chỉnh chính sách mở rộng đối tượng được vay tín dụng để tham gia học tập nghề nghiệp. Xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Còn Bộ Giáo dục và đào tạo được giao chủ trì xây dựng Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học; tăng ứng dụng công nghệ 4.0 và chú trọng kết nối giữa các trường đại học với địa phương, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cơ quan này cần xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2021 – 2030; Dự án Luật Học tập suốt đời; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; chính sách thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học.

Trong khi đó, Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ tri thức giai đoạn 2021 – 2030; hoàn thiện chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

Bộ Nội vụ chủ trì làm chế độ tiền lương mới. Bộ Ngoại giao xây dựng Đề án Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới; triển khai đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020 - 2024”; hoàn thiện Cở sở dữ liệu về trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó xây dựng quan hệ với giới trí thức, doanh nhân người Việt ở nước ngoài. Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.