Thanh toán không tiền mặt tăng gần gấp đôi trong nửa năm

Việt Hưng - 08:34, 25/07/2022

TheLEADERCác hình thức thanh toán qua hệ thống điện tử liên ngân hàng, thanh toán thẻ chip, thanh toán trên internet; thanh toán qua di động, thanh toán qua mã QR và số lượng ví điện tử được kích hoạt... đều có sự tăng trưởng đáng kể.

Theo ghi nhận từ hệ thống của NAPAS, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 94% về số lượng và 114,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, các hình thức thanh toán qua hệ thống điện tử liên ngân hàng, thanh toán thẻ chip, thanh toán trên internet; thanh toán qua di động, thanh toán qua mã QR và số lượng ví điện tử được kích hoạt... đều có sự tăng trưởng đáng kể. 

Còn theo số liệu từ NHNN tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Ngoài ra, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% từ năm 2015 - 2021; đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).

Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo (chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ).

Thanh toán không tiền mặt tăng gần gấp đôi trong nửa năm
Thanh toán không tiền mặt tăng gần gấp đôi trong nửa năm

Đến nay, NHNN đã cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) cho 48 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó hơn 40 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Qua đó cho thấy dư địa phát triển và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam là rất lớn.

Tuy nhiên, có một thực tế là tiền mặt vẫn chiếm ưu thế với hơn 90% giao dịch vẫn là tiền mặt. Như vậy, có một sự phát triển chưa đồng bộ khi mà nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm.

Các chuyên gia cho rằng, rào cản lớn nhất của thanh toán không tiền mặt là thói quen của người tiêu dùng... Bên cạnh đó là thiếu sự liên thông giữa các cơ quan quản lý về cơ chế chia sẻ dữ liệu, thông tin khách hàng, nhằm tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt.

Còn theo số liệu của Tập đoàn IDG Việt Nam, tỉ lệ thanh toán tiền mặt ở nước ta dù đã giảm, nhưng vẫn còn khá cao (chiếm 79%), và chỉ khoảng 21% là không dùng tiền mặt.

Ngoài thay đổi thói quen người tiêu dùng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thanh toán không tiền mặt còn vấp phải bài toán hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, và chưa vươn đến vùng sâu, vùng xa.

Số lượng các công ty fintech tuy nhiều, nhưng chỉ tập trung vào thanh toán tiêu dùng, chứ chưa phủ khắp các loại hình thanh toán, dịch vụ cao cấp khác…

Theo nhận định của các nhà phân tích quốc tế, quá trình chuyển đổi phương thức thanh toán tại Việt Nam cũng là xu hướng thanh toán chung của thế giới trong tương lai. Đặc biệt, thanh toán không tiền mặt phù hợp ở các thị trường mới nổi, nơi mà các doanh nghiệp không có nhiều nguồn vốn để đầu tư cho hạ tầng đắt đỏ.

Đối với nền kinh tế, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, công nghệ thanh toán điện tử "không tiền mặt" đem lại nhiều hiệu quả hơn khi cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thanh toán bằng công nghệ cũng giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Lợi ích thanh toán không tiền mặt mang đến nhiều trải nghiệm phong phú, tiết kiệm chi phí, nhanh chóng thuận tiện, tránh được nhiều rủi ro khi mang theo tiền mặt…