Thế khó của ngành khí thiên nhiên hóa lỏng hậu Covid-19

Hoài An - 09:36, 09/07/2020

TheLEADERDư thừa nguồn cung, giá khí thấp, gián đoạn do đại dịch Covid-19 và phong trào phản đối ngày càng lan rộng đang đe doạ lấy đi hàng chục tỷ USD của các dự án kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng.

Hoạt động xây dựng và mở rộng các dự án kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang phải đối mặt với bối cảnh mới đầy biến động đến từ sự kết hợp của hàng loạt yếu tố như xây dựng ồ ạt, giá khí thấp, những gián đoạn do đại dịch, các hoạt động biểu tình và phản đối do những lo ngại về biến đổi khí hậu, theo báo cáo mới đây của Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM).

Trong năm vừa qua, lượng công suất kho cảng LNG đang xây dựng trên toàn thế giới đã tăng hơn gấp đôi với tổng chi phí đầu tư tăng từ 82,8 tỷ USD lên tới 196,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, khảo sát từ GEM cho thấy kể từ 2014 đến nay, có tới 61% số dự án LNG đã bị huỷ hoặc hoãn vô thời hạn do phải vật lộn trong việc tìm nguồn tài chính, trong khi kinh tế thì bất ổn và biểu tình phản đối xảy ra khắp nơi.

LNG năm qua đã chịu những thất bại lớn về chính trị và tài chính khi tập đoàn Berkshire Hathaway cắt giảm vài tỷ USD tài chính đầu tư cho kho cảng LNG Energie Saguenay ở Quebec sau hàng loạt các cuộc biểu tình trên toàn Canada chống lại các đường ống dẫn khí này.

Chính phủ mới của Ireland cũng đã cam kết rút dự án kho cảng LNG Shannon khỏi danh sách các dự án lợi ích chung của châu Âu và Tòa án công lý châu Âu đã đưa ra phán quyết rằng việc cấp phép lập kế hoạch của dự án này là không hợp lệ, khiến tương lai của dự án lâm vào bất ổn trầm trọng.

Thụy Điển đã loại bỏ dự án LNG Gothenburg khỏi danh sách các dự án lợi ích chung của châu Âu.

Dù từng được quảng bá là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất trong số các loại nhiên liệu hóa thạch, là một “nhiên liệu cầu nối”, báo cáo của GEM lại chỉ ra rằng một nhà máy điện châu Á nhập LNG từ Mỹ sẽ thải ra lượng khí nhà kính không kém, thậm chí nhiều hơn một nhà máy điện than do việc rỏ rỉ khí methane (CH4) từ hệ thống cung cấp khí đốt cùng với hao tổn năng lượng trong quá trình vận chuyển LNG đường dài dẫn đến tăng tác hại của loại nhiên liệu này.

Việc phát triển LNG cũng mâu thuẫn với các mục tiêu khí hậu Paris, khi thoả thuận chung này đòi hỏi các nước giảm 15% lượng khí đốt sử dụng vào năm 2030 và giảm 43% vào năm 2040, so với năm 2020.

Do chi phí năng lượng tái tạo thay thế giảm, việc mở rộng cơ sở hạ tầng LNG đang đối mặt với các vấn đề về hiệu quả đầu tư trong dài hạn và nguy cơ mắc kẹt tài sản.

Theo Gre Aitken, nhà phân tích nghiên cứu tại GEM, LNG đã từng được cho là một lựa chọn an toàn cho các nhà đầu tư đặt cược. Không chỉ được coi là một loại nhiên liệu thân thiện với khí hậu, LNG còn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ phía chính phủ để đảm bảo các dự án khổng lồ này được nâng đỡ hoàn thiện với tất cả số tiền chúng cần, gồm cả những dự án có vốn đầu tư lớn nhất từng được xây dựng. Và đột nhiên, ngành công nghiệp này lâm vào hàng loạt khó khăn.

Ted Nace, Giám đốc điều hành của GEM, đánh giá nguồn tiền thông minh như Berkshire Hathaway đang dần rút khỏi LNG và các vấn đề của LNG sẽ không biến mất một cách kỳ diệu khi đại dịch kết thúc.

Trong lĩnh vực năng lượng, kết quả chạy mô hình đã cho thấy các gói năng lượng tái tạo đã bắt đầu vượt qua nhiên liệu khí nhập khẩu ở Hàn Quốc. Và mỗi năm trôi qua, năng lượng tái tạo sẽ càng trở nên cạnh tranh hơn.