Thêm công ty chứng khoán Việt Nam về tay tập đoàn Hàn Quốc

Trần Anh - 09:05, 19/09/2020

TheLEADERChỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã tiến hành thâu tóm liên tiếp 2 công ty chứng khoán Việt Nam.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định chấp thuận giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần chiếm từ 10% trở lên vốn điều lệ đã góp của Công ty Chứng khoán SJC (SJCS).

Theo đó, các cổ đông trong nước của SJCS đã chuyển nhượng toàn bộ 3,45 triệu cổ phiếu SJCS, tương đương tỷ lệ 65,01% cổ phần cho đối tác đến từ Hàn Quốc là Asam Asset Management. Giá trị chuyển nhượng không được công bố.

Sau khi chuyển nhượng cổ phần cho đối tác Hàn Quốc, các thành viên trong ban lãnh đạo công ty chứng khoán này đã từ nhiệm và được thay thế bởi các thành viên đến từ Asam Asset Management.

Asam Asset Management được thành lập năm 1996 tại Hàn Quốc, hiện đang quản lý khối tài sản 310 tỷ Won. Asam Asset Management có mặt tại Việt Nam từ tháng 4/2018, chuyên thực hiện các nghiệp vụ nghiên cứu, phân tích, tư vấn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Về phần SJCS, đây là công ty chứng khoán quy mô nhỏ, hoạt động không hiệu quả. Nửa đầu năm 2020, SJCS lỗ 1,3 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên hơn 21 tỷ đồng.

Tháng trước, The Kwangju Bank đã mua lại Công ty chứng khoán Morgan Stanley Gateway và đổi tên thành Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam với vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Từ những công ty nhỏ ít tên tuổi, các công ty chứng khoán Hàn Quốc dần trở thành những thế lực mới trên thị trường nhờ nguồn lực tài chính mạnh mẽ.

Tính đến nay, thị trường Việt Nam đã có sự hiện diện của 8 công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc, bao gồm Chứng khoán KIS, khoán Mirae Asset, Chứng khoán Pinetree (tiền thân là Công ty chứng khoán HFT), Chứng khoán KB Việt Nam (mua lại Công ty chứng khoán Maritime), Chứng khoán Shinhan Việt Nam (đổi tên từ Công ty Chứng khoán Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân là Công ty chứng khoán Woori CBV) và 2 thương vụ mới đây gồm Công ty Chứng khoán JB Việt Nam và Công ty Chứng khoán SJCS.

Sự hiện diện của các công ty chứng khoán Hàn Quốc đang thổi làn gió mới trên sàn chứng khoán Việt Nam. Sau khi mua lại, đối tác Hàn Quốc đã mau chóng tăng vốn và trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh với các công ty chứng khoán trong nước.

Năm ngoái, Công ty Chứng khoán Mirae Asset đã tiến hành tăng vốn liên tục lên 5.500 tỷ đồng, cạnh tranh với Công ty chứng khoán SSI để trở thành công ty có vốn điều lệ lớn nhất. Không chỉ vậy, Công ty Chứng khoán Mirae Asset hiện cũng là công ty chứng khoán có thị phần cho vay margin lớn nhất thị trường.

Ghi nhận sau nửa đầu năm 2020, top 10 công ty chứng khoán có dư nợ margin lớn nhất thị trường có 3 công ty của Hàn Quốc, bao gồm Mirae Asset Securities (8.575 tỷ đồng), KIS (3.084 tỷ đồng) và KB Securities (2.339) tỷ đồng.

Kinh tế vĩ mô ổn định là yếu tố được các tổ chức Hàn Quốc đánh giá cao khi đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, một yếu tố khác phải kể tới là lãi suất. Nếu như lãi suất cơ bản tại Hàn Quốc khá thấp, chỉ khoảng 1,5% thì lãi suất tại tại Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều.

Lãi suất gửi ngân hàng dù giảm nhưng vẫn xoay quanh 7%/năm, trong khi lãi suất cho vay margin tại các công ty chứng khoán vẫn duy trì ở mức 12 – 14%/năm. Đây là yếu tố góp phần khiến dòng vốn Hàn Quốc đổ mạnh vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chứng khoán.