Thị trường bán lẻ: Trong chán, ngoài thèm

Hứa Phương - 15:08, 25/05/2021

TheLEADERThương mại điện tử đang vẽ nên một sân chơi mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam.

Với 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam được biết đến như thị trường giàu cơ hội cho các thương hiệu bán lẻ. Tuy nhiên, xu hướng bán lẻ và hành vi của người tiêu dùng thay đổi đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp bán lẻ.

Trong khi một số doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp ngoại vốn có tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm lâu năm, bị đào thải, vẫn có những doanh nghiệp muốn nhảy vào thị trường đầy khốc liệt này.

E-mart, một thương hiệu bán lẻ nổi tiếng của Hàn Quốc, mới đây tuyên bố nhượng quyền cho Tập đoàn ô tô Trường Hả trong thời gian tới.

Nguyên nhân là do E-mart gặp nhiều trở ngại trong việc mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, sau hơn sáu năm mở một đại siêu thị tại TP. HCM, thương hiệu này vẫn chưa thể mở thêm bất kì một điểm bán nào, nguyên do một phần đến từ mô hình đại siêu thị đòi hỏi diện tích mặt bằng lớn.

E-mart không phải thương hiệu bán lẻ nước ngoài đầu tiên gặp khó, cạnh tranh chật vật tại thị trường Việt Nam. Trước đó, chuỗi siêu thị Auchan của Pháp cũng được chuyển nhượng cho nhà bán lẻ nội là Saigon Coop, hay sự tháo chạy của các tập đoàn tiềm lực như Casino Group, Metro Group...

Bà Từ Thị Hồng An, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, những ảnh hưởng của Covid-19 đã gây ra khá nhiều khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các đơn vị bán lẻ. Thị trường đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng, hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh.

“Đây là một quy luật đào thải tự nhiên", bà An nhận xét.

Trong khi đó, Trường Hải là doanh nghiệp nội mới nhất nhảy vào thị trường bán lẻ. Những doanh nghiệp lớn khác, như BRG Group, T&T Group, Sunshine Group... vẫn đang âm thầm mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực này. 

Theo quan sát của bà An, phân khúc bán lẻ tại TP. HCM thời điểm hiện tại vẫn đang đón nhận nhiều nguồn đầu tư ngoại khi ghi nhận các giao dịch mở mới một số thương hiệu theo chuỗi thuộc về ngành hàng ăn uống, thời trang và phụ kiện, điều này cho thấy các thương hiệu quốc tế vẫn nhìn thấy tiềm năng tại thị trường Việt Nam”, bà An cho biết.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp ngoại vẫn xem thị trường bán lẻ Việt Nam là một miền đất hứa cần được khai phá. Chỉ một ngày trước khi thông tin về thương vụ của chủ đầu tư E-mart và Tập đoàn ô tô Trường Hải Thaco được công bố, “gã khổng lồ” Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA) đã đạt được thỏa thuận chi 400 triệu USD mua 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành tại The CrownX – nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce (sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart và VinMart+).

Sau giao dịch này, VinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada (cũng thuộc sở hữu Alibaba).

Hay như đầu năm 2021, Tập đoàn Central Retail Corporation Public Company Limited (Thái Lan) cho biết, sẽ đầu tư 1,1 tỷ USD mở rộng hoạt động ở Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Số vốn dự kiến này nằm trong chiến lược mở rộng các cửa hàng kinh doanh nhỏ và các đại siêu thị GO! tại 55 tỉnh thành.

Mặc dù Covid-19 đã buộc Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phải áp đặt các lệnh giới nghiêm nhưng tổng mức bán lẻ và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn có những tín hiệu khả quan trong quý I/2021.

Theo bà An, dù đối diện với tình hình dịch bệnh, các chỉ số bán lẻ trái ngược với hiện trạng thị trường. Nhưng tổng doanh thu bán lẻ vẫn tiếp tục gia tăng khi mà thương mại điện tử và các nhãn hàng quốc tế thâm nhập thị trường.

Dự kiến năm 2021 doanh thu thương mại điện tử trên di động sẽ đạt 7 tỷ USD và đến năm 2023 sẽ chạm tới mức 10,2 tỷ USD.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các dịch vụ giao hàng cũng phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này, nhất là đối với ngành ăn uống, các chủ doanh nghiệp cấp tiến đã chủ động và tăng cường các dịch vụ giao hàng. Rất nhiều chuỗi siêu thị cũng đã mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà như Vinmart, BigC, Saigon Coopmart…

Có thể thấy, khi ranh giới giữa mua sắm online và offline ngày càng mờ nhạt, sự kết hợp của các thương hiệu ngoại với sức mạnh về nền tảng mua sắm trực tuyến, tiềm lực tài chính và thương hiệu nội đang vẽ nên một sân chơi mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam.

Theo cơ quan Thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam, đã có 53% mua sắm trực tuyến vào năm 2020. Doanh thu bán lẻ dự báo vẫn lạc quan. Theo Trading Economics, doanh số bán lẻ dự báo tăng 11% trong năm 2021, vượt xa với các nước Đông Nam Á khác.

Được đánh giá là thị trường bán lẻ tiềm năng, xếp hạng 4 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong những quốc gia Đông Nam Á, chi tiêu hộ gia đình Việt Nam trong năm 2021 dự kiến tăng 9,6%/năm, tăng so với mức dự báo 0,5% trong năm 2020 của Fitch Solutions.

Các danh mục chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại trong 2021. Theo kế hoạch tổng thể quốc gia về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025, đến năm 2025, sẽ có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến.